|
Sơ chế chuối già cấy mô xuất khẩu ở Nông trường Sông Hậu. Ảnh: Băng Thạch. |
Với tốc độ tăng trưởng 40%/năm, rau quả được dự báo là ngành hàng tiếp tục bứt phá mạnh mẽ. Song, để thu về giá trị lớn và thâm nhập vào nhiều thị trường khó tính, ngành rau quả cần thay đổi tư duy sản xuất, đẩy mạnh liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp (DN), đầu tư máy móc chế biến sâu,…
Nhiều cơ hội vàng
Ngay sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết, Việt Nam bắt đầu hiện thức hóa các cam kết nhằm thúc đẩy quan hệ và tạo đà phát triển thương mại toàn cầu nhờ những chính sách ưu việt, những ưu đãi về thuế đối với sản phẩm nông nghiệp giữa các thành viên CPTPP. Theo đó, New Zealand đã trở thành thị trường tiêu thụ một số loại hoa quả có thế mạnh của Việt Nam như xoài, thanh long,... Sắp tới, khi CPTPP đi vào thực hiện, cơ hội để hàng Việt Nam vào New Zealand sẽ ngày càng rộng mở.
Trong chuyến công du đầu tiên ngay sau khi ký CPTPP, New Zealand là quốc gia đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm. Trong những năm qua, quan hệ giữa Việt Nam và New Zealand ngày càng có nhiều bước cải thiện đáng kể. Trước đó, từ tháng 12/2011, New Zealand đã cho phép nhập khẩu mặt hàng xoài quả tươi từ Việt Nam. Riêng đối với sản phẩm nông sản thanh long thì hiện Việt Nam là quốc gia duy nhất được cấp phép xuất khẩu sang thị trường này.
Theo đó, để được nhập khẩu vào New Zealand, ngoài các yêu cầu chung đối với tất cả các mặt hàng hoa quả tươi nhập vào nước này, trái thanh long cần được tiến hành các biện pháp kiểm dịch thực vật trước khi xuất và phải được Cơ quan Bảo vệ thực vật quốc gia của Việt Nam (NPPO) xác nhận, khai rõ trong giấy chứng nhận kiểm dịch thực phẩm rằng đã được xử lý bằng hơi nước nóng, nhiệt độ trong trái đạt ít nhất 46,5 độ C và ít nhất là 45 phút.
Các chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu Cây trồng và Cây lương thực New Zealand còn có chương trình hướng dẫn cho người nông dân Việt Nam trồng các giống thanh long mới và kỹ năng quản lý vườn thanh long. Sau xoài, thanh long, New Zealand cũng có thể sẽ cho phép nhập khẩu chôm chôm của Việt Nam sau khi hoàn thành các thủ tục kiểm dịch.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2017 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang New Zealand đạt 458 triệu USD, trong đó nhiều nhất là các sản phẩm điện tử, hàng thủy sản, hạt điều, hàng dệt may,...
Việt Nam có 6 dự án liên doanh đầu tư tại New Zealand với tổng vốn đăng ký là 25,62 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo; khách sạn và ăn uống; nông lâm nghiệp và thủy sản,... Ngoài Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA), có hiệu lực từ tháng 1/2010, việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký tại Chile ngày 8/3 vừa qua hứa hẹn sẽ tạo ra bước chuyển biến đáng kể trong quan hệ kinh tế giữa hai nước, tạo cơ hội vàng để hàng Việt Nam vào New Zealand đang ngày càng rộng mở.
Mới chiếm khoảng 1% thị trường thế giới
Mặc dù được đánh giá có nhiều tiềm năng nhưng cho đến thời điểm này, ngành rau quả vẫn chưa thực sự có chỗ đứng vững vàng trên thị trường thế giới. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) ước tính kim ngạch xuất khẩu (XK) rau quả tháng 2/2018 khoảng 354,4 triệu USD. Tính chung 2 tháng đầu năm 2018, lượng rau quả XK đạt kim ngạch 737,5 triệu USD, tăng 75,2% so với cùng kỳ năm 2017. Các thị trường nhập khẩu rau quả Việt Nam hàng đầu là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan, Nga. Đáng lưu ý, quả xoài đang trở thành một trong những sản phẩm XK chiếm tỷ trọng lớn, với thị phần XK tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2017.
Ông Nguyễn Quý Dương – Phó cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) – đánh giá: Trong 3 năm gần đây tăng trưởng ngành trái cây của chúng ta đã đạt được kết quả rất mạnh. Theo đó, năm 2016 kim ngạch XK đạt 2,45 tỷ USD, sang 2017 đạt trên 3,5 tỷ USD. Cũng theo ông Nguyễn Quý Dương, giá trị thị trường nhập khẩu rau quả toàn thế giới vượt mức 200 tỷ USD/năm kể từ năm 2011, và nhu cầu này sẽ không dừng lại ở con số này, dự báo giá trị thị trường nhập khẩu rau quả có thể lên đến 600 - 800 tỷ USD đây là con số rất lớn. Tuy nhiên, giá trị XK rau quả Việt Nam hiện mới chiếm khoảng hơn 1% thị phần là rất nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của ngành rau quả Việt Nam.
Thiếu lợi thế cạnh tranh
Theo các chuyên gia, mặc dù trái cây là điểm sáng của XK nông sản Việt Nam trong vài năm trở lại đây với kim ngạch XK tăng với tốc độ cao. Tuy nhiên, các mặt hàng XK rau củ quả chủ yếu là sản phẩm thô và sơ chế với trên 93% tổng giá trị XK, trong khi đó, mặt hàng qua chế biến chỉ chiếm khoảng 6,6%. Mặt hàng rau củ quả chế biến cao cấp gần như không đáng kể, chiếm khoảng 0,02% tổng giá trị XK rau củ quả.
Không chỉ vấn đề chế biến, chi phí vận chuyển cao cũng ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của trái cây Việt. Tại Hội nghị “Tham tán thương mại năm 2018” do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, ông Tạ Đức Minh - Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản - chia sẻ, Nhật Bản rất thích ăn xoài Việt Nam vì độ ngọt cao. Tuy nhiên, giá xoài Việt Nam hiện cao hơn xoài Thái một phần vì khâu vận chuyển, dù gần hơn một số nước trong khu vực nhưng giá vận chuyển cao nên đẩy giá thành lên cao, trong khi đó, thời gian bảo quản lại rất ngắn. Dẫn tới dù quan tâm nhưng các nhà nhập khẩu Nhật Bản ưu tiên nhập khẩu xoài Thái hơn.
Theo số liệu thống kê từ Trademap (Trung tâm Thương mại Quốc tế – ITC), năm 2017, trị giá nhập khẩu mặt hàng rau quả của Nhật Bản đạt 9,5 tỷ USD, tăng 2% so với năm 2016. Tuy nhiên, trị giá nhập khẩu hàng rau quả từ Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với nhu cầu nhập khẩu tại Nhật Bản, đạt 132,5 triệu USD trong năm 2017, tăng 5,2% so với năm 2016. Vì vậy, ông Tạ Đức Minh kiến nghị cần có tác động đến các công ty vận chuyển nhằm giảm giá thành vận chuyển để chiếm lĩnh thị trường.
Ông Roberto Benvenuti, Phó chủ tịch phụ trách kinh doanh và marketing Bertuzzi Food Processing (Italia), cho hay: Giá nhập khẩu chanh leo cô đặc ở châu Âu là trên 2.000 USD/tấn; ổi cô đặc bán ở thị trường châu Âu với giá 1.000 - 1.200 USD/tấn... Hiện chỉ có Ấn Độ chế biến ổi, nước này cung cấp số lượng lớn sản phẩm cho châu Âu. Đây là những cơ hội và tiềm năng lớn cho ngành trái cây Việt Nam. Do đó, việc thay đổi áp dụng, đầu tư công nghệ mới trong sản xuất nhằm tăng tính hiệu quả và đảm bảo chất lượng sản phẩm là việc mà các DN chế biến trái cây Việt cần làm ngay lúc này.
Để nâng cao giá trị XK trái cây, ông Nguyễn Hữu Đạt, Tổng Thư ký Vinafruit, nhấn mạnh: Năm 2018, các DN cần cố gắng cải thiện hơn nữa vấn đề chất lượng trái cây, an toàn thực phẩm để có mức giá tại các thị trường truyền thống được cao hơn, từ đó tăng kim ngạch XK. Đồng thời, cần chuyển đổi đầu tư vào chế biến, đây là giải pháp giúp ổn định hàng hóa, có quanh năm và bán được giá trị cao hơn...
Theo Kinh tế nông thôn