Lọt vào Top 3
Kết thúc năm 2017, XK rau quả của Việt Nam đạt trên 3,5 tỷ USD, đứng thứ 4 trong nhóm các mặt hàng nông lâm thủy sản chủ lực, đứng sau thủy sản, gỗ và hạt điều. Trong 2 tháng đầu năm nay, giá trị XK rau quả đạt 649,601 triệu USD, tăng 54,3% so cùng kỳ 2017. Với giá trị XK như trên, lần đầu tiên trong 2 tháng đầu năm, rau quả lọt vào Top 3 các mặt hàng nông lâm thủy sản XK (2 tháng đầu năm 2017, đứng trong Top 3 là gỗ, thủy sản và cà phê).
Quả vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị XK rau quả. Trong tháng 1, giá trị XK rau quả là 383,725 triệu USD, thì mặt hàng quả chiếm tới 80,3% (308,2 triệu USD). Hầu hết các mặt hàng quả chủ lực đều tăng mạnh về giá trị XK. Trong tháng 1: giá trị XK sầu riêng tăng tới 440,1% so với tháng 1/2017; xoài tăng 423,7%; dừa tăng 274,8%; mít tăng 238,7%; chuối tăng 232,8%; măng cụt tăng 118,2%; chanh tăng 64,4%… 2 loại trái cây co giá trị XK lớn nhất là thanh long và nhãn cũng tăng trưởng ấn tượng trong tháng 1: thanh long đạt 114,825 triệu USD (tăng 31,5%); nhãn đạt 67,177 triệu USD (tăng 22,1%).
Theo nhận định của một số thương nhân ngành rau quả, năm nay, XK rau quả của Việt Nam vẫn rất thuận lợi và nhiều khả năng tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao. Trước hết là nhờ nhu cầu về rau quả tiếp tục tăng trên toàn cầu. Bên cạnh đó, việc nhiều loại trái cây Việt Nam được cấp phép NK vào những thị trường khó tính, không chỉ giúp cho rau quả Việt Nam có thêm nhiều cơ hội đẩy mạnh XK vào những thị trường này, mà cũng là sự quảng bá rất tốt cho trái cây Việt Nam tới nhiều thị trường khác.
Thị trường lớn nhất của rau quả Việt Nam là Trung Quốc, vẫn tiếp tục tăng NK rau quả, khi mà sản xuất ở nước này không theo kịp nhu cầu. Tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và việc xuất hiện một thế hệ người tiêu dùng mới quan tâm nhiều hơn tới các thực phẩm có lợi cho sức khỏe, càng làm gia tăng mạnh nhu cầu NK trái cây của nước này.
Triển vọng từ thị trường Mỹ
Kết thúc năm 2017, Mỹ là thị trường lớn thứ 3 của rau quả Việt Nam với kim ngạch hơn 102 triệu USD, tăng 20,9% so năm 2016. Tuy nhiên, trong tổng giá trị rau quả XK của Việt Nam, Mỹ chỉ chiếm một tỷ trọng rất khiêm tốn là 2,92%. Sang đầu năm nay, XK rau quả Việt Nam sang Mỹ tiếp tục tăng trưởng tốt. Trong tháng 1, giá trị XK rau quả sang Mỹ đạt 11,322 triệu USD, tăng 37,5% so cùng kỳ 2017.
Theo đánh giá của một số doanh nhân ngành hàng rau quả, Mỹ đang có những động thái mở cửa nhiều hơn đối với rau quả Việt Nam.
Ông Nguyễn Đình Tùng, GĐ Cty TNHH Thương mại Dịch vụ XNK Vina T&T, cho biết, dấu hiệu rõ nhất là lô hàng vú sữa đầu tiên của Việt Nam vừa được Mỹ cho phép NK vào nước này hồi tháng 12 năm ngoái, thì dự kiến vào tháng 4 tới lô trái xoài đầu tiên của Việt Nam sẽ được cấp phép XK sang Mỹ. 2 loại trái cây Việt Nam được Mỹ cấp phép cho NK vào nước này trong vòng chưa đầy nửa năm là điều chưa từng xảy ra trước đây. Những lần trước, sau khi cấp phép cho 1 loại trái cây này, phải nhiều năm sau, Mỹ mới lại cấp phép cho một loại trái cây khác của Việt Nam.
Theo Bộ Công thương, người tiêu dùng tại Mỹ đang có xu hướng quan tâm nhiều hơn tới trái cây từ Việt Nam. Trong tháng 1 năm nay, thống kê của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ cho thấy, giá trị NK quả và quả hạch (hạt điều, dừa…) của Mỹ là 1,8 tỷ USD. Trong đó, NK từ Việt Nam là 99,7 triệu USD, tăng 22,3% so cùng kỳ 2017. Qua đó, Việt Nam đứng hàng thứ 5 trong số những nước cung cấp quả và quả hạch cho thị trường Mỹ.
Phản ứng tích cực của người tiêu dùng Mỹ đối với các loại trái cây từ Việt Nam, cũng tạo niềm tin không nhỏ cho các DN trái cây. Theo tin từ ông Nguyễn Đình Tùng, khi những lô hàng vú sữa đầu tiên của Việt Nam được bán tại nhiều siêu thị ở Mỹ, đã tạo được sự chú ý đặc biệt đối với nhiều người tiêu dùng nước này, nhất là những người gốc Á. Ở nhiều siêu thị, đã xuất hiện hình ảnh người tiêu dùng phải xếp hàng để tới lượt mua vú sữa, dù giá bán lẻ không hề rẻ chút nào. Tuy nhiên, đã có một số lô hàng vú sữa có vấn đề về chất lượng, nên cơ quan chức năng Việt Nam đang xiết chặt lại việc kiểm tra chất lượng vú sữa XK sang Mỹ, đồng thời yêu cầu các DN ưu tiên cho chất lượng hơn là số lượng, nhằm giữ uy tín cho mặt hàng này.
Theo Nông nghiệp Việt Nam