Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhu cầu cà phê tại thị trường châu Âu
28 | 03 | 2018
Châu Âu là thị trường cà phê lớn nhất thế giới, chiếm đến khoảng 30% tiêu dùng cà phê toàn cầu.

Mặc dù tiêu dùng cà phê tại khu vực này đã bão hòa và dự báo chỉ duy trì ổn định trong dài hạn, châu Âu vẫn là một thị trường hấp dẫn. Brazil và Việt Nam là hai nhà cung cấp cà phê lớn nhất cho thị trường này, chiếm tổng cộng khoảng 50% nhập khẩu cà phê của châu Âu. Các nhà cung cấp nhỏ hơn đang tìm thấy cơ hội ngày càng lớn trên thị trường cà phê đặc sản. Tại phân khúc này, các nhà cung cấp cạnh tranh nhau về chất lượng và các mối quan hệ đối tác dài hạn, hơn là về giá.

Tiêu dùng cà phê tại châu Âu duy trì ổn định

Châu Âu chiếm gần 30% tiêu dùng cà phê toàn cầu và mức tiêu dùng cà phê tương đối ổn định trong giai đoạn 2013-16. Chỉ riêng tại châu Âu, tiêu dùng cà phê năm 2015 đã lên tới 2,5 triệu tấn (41,6 triệu bao loại 60kg). Thị trường cà phê châu Âu lớn nhưng đã bão hòa nên tiêu dùng cà phê dự báo duy trì ổn định về dài hạn.

Ở phạm vi toàn cầu, tiêu dùng cà phê dự báo tăng trưởng 2,2%/năm từ nay tới 2020. Tuy nhiên, năm 2015-16, tiêu dùng cà phê toàn cầu ổn định. Các thị trường mới nổi như Brazil, Trung Quốc, Nga, Indonesia và các thị trường khác dự báo chiếm 50% tổng tiêu dùng cà phê toàn cầu tới năm 2020. Cơ hội cho các nhà xuất khẩu có thể sẽ dịch chuyển sang các thị trường nội địa và khu vực khác. Do tăng trưởng của các tầng lớp trung-thượng lưu tại các thị trường nội địa và khu vực, cơ hội cho thị trường cà phê chất lượng cao và cà phê đặc sản ngày càng lớn.

Thị trường cà phê đặc sản tại châu Âu đang lớn mạnh

Thị trường cà phê đặc sản tại châu Âu đang tăng trưởng mạnh và mang lại cơ hội cho các nhà cung cấp loại cà phê chất lượng cao. Phân khúc cà phê đặc sản là thị trường ngách nhưng yêu cầu chất lượng cao – giá trị cao.

Trong khi thị trường cà phê phổ thông tăng trưởng trên phạm vi toàn cầu, tiêu dùng các loại cà phê phối trộn chất lượng cao hơn, bao gồm các loại cà phê Arabica đặc sản và đắt đỏ, đang tăng trưởng với tốc độ cao tại châu Âu. Mối quan tâm ngày càng lớn đối vứi cà phê đặc sản phảm ánh ở số lượng ngày càng nhiều bar và chuỗi cà phê, các nhà rang xay nhỏ, các thương hiệu nội địa nhỏ và số lượng barista. Ví dụ, các cửa hàng cà phê đặc sản là phân khúc nhà hàng tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2016, tăng 9,1% so với năm 2014-15.

Phân khúc cà phê đặc sản đặc biệt phát triển mạnh tại Bắc Tây Âu, chủ yếu do mức thu nhập và nhận thức của người tiêu dùng cao, cũng như văn hóa cà phê phát triển cao hơn. Tại các thị trường Bắc Âu, tăng trưởng mạnh tiêu dùng ngoài hộ gia đình đồng thời với việc các cửa hàng cà phê tiên phong giới thiệu các loại cà phê chất lượng cao hơn. Tại Anh, nơi tiêu dùng cà phê đang tăng trưởng với tốc độ 10%/năm, tăng trưởng tiêu dùng cà phê đặc sản lên tới 13%/năm. Tại Đức, thị trường có truyền thống tiêu dùng cà phê tại nhà, cà phê đặc sản không tăng trưởng cao đến vậy. Tuy nhiên, sự phát triển của các cửa hàng cà phê và nhu cầu của người tiêu dùng muốn đến quán thưởng thức cà phê thay vì tại nhà đang đóng góp vào tăng trưởng của phân khúc cà phê này.

Tại Đông Âu, thị trường cho cà phê đặc sản nhỏ bé hơn, nhưng đang tăng trưởng, đặc biệt tại các thành phố có văn hóa cà phê như Krakow (Ba Lan), Prague (Séc) và Vilnius (Lithuania). Sự phát triển của các lễ hội cà phê, các nhà rang xay cà phê quy mô nhỏ hơn và các tổ chức giáo dục về cà phê (ví dụ như Coffee Embassy tại Séc) cho thấy tiềm năng của các thị trường này.

Dữ liệu cụ thể về mức tiêu dùng cà phê đặc sản trên toàn châu Âu hiện không có , phần nào do sự thiếu thống nhất của ngành cà phê về một định nghĩa ngắn gọn, rõ ràng về thế nào là cà phê đặc sản.

Cà phê có chứng nhận có tăng trưởng thị trường cao trong những năm gần đây

Phân khúc thị trường cũng tăng mạnh trong những năm gầnd dây là cà phê chứng nhận các tiêu chuẩn bền vững như UTZ, Rainforest Alliance, hữu cơ và Fairtrade. Cả sản xuất và kinh doanh cà phê sản xuất bền vững đều tăng mạnh hơn phân khúc cà phê phổ thông. Thị trường châu Âu chiếm vị thế lớn trên thị trường cà phê chứng nhận. Thậm chí, chứng nhận trở thành một yêu cầu của một số nhà nhập khẩu và bán lẻ.

Đức, Ý và Pháp là các thị trường tiêu dùng cà phê lớn nhất trong châu Âu

Đức chiếm khoảng 20% tổng tiêu dùng cà phê của châu Âu, theo sau là Ý (13%). Các thị trường tiêu dùng cà phê lớn khác là Pháp (13%), Tây Ban Nha (8%) và Anh (8%) (ICO, 2016). ICO nhấn mạnh rằng EU là một thị trường chung và không thể chỉ ra chính xác nơi nào cà phê nhập khẩu thực sự được tiêu dùng.

Châu Âu có mức tiêu dùng cà phê trên đầu người lớn nhất thế giới

Châu Âu có mức tiêu dùng cà phê trên đầu người lớn nhất thế giới, lên đến khoảng 5kg/người/năm. Tuy nhiên, mức tiêu dùng cà phê trên đầu người tại các nước rất khác nhau.

Tại Anh, tiêu dùng cà phê trên đầu người hiện khoảng 3,3 kg/người/năm, thấp hơn nhiều mức trung bình toàn châu Âu. Tăng trưởng cà phê tại thị trường Anh đánh đổi bằng mức tiêu dùng chè giảm 19% từ năm 2010 đến nay. Phân khúc cà phê đặc sản đag đặc biệt thu hút người tiêu dùng tại thị trường Anh.

Tiêu dùng cà phê cũng tăng trưởng ổn định tại một số thị trường Trung và Đông Âu, như Ba Lan. Tại Ba Lan, tăng trưởng tiêu dùng cà phê lên tới 80% trong 10 năm qua. Tuy nhiên, mức tiêu dùng cà phê trên đầu người tại Ba Lan chỉ ở mức 2,3 kg/người/năm, thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn châu Âu. Khoảng 74% người tiêu dùng tại thị trường này chọn cà phê hòa tan. Đồng thời, triển vọng tăng trưởng phân khúc cà phê đặc sản vẫn tích cực khi các quán cà phê và các nhà rang xay cà phê nhỏ tham gia thị trường.

Các thị trường Bắc Âu như Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy và Iceland có mức tiêu dùng cà phê trên đầu người cao nhất, hơn 8kg/người/năm. Đây là các thị trường ổn định, nơi tiêu dùng cà phê trung bình trên đầu người sẽ không biến động mạnh. Lựa chọn loại cà phê chất lượng cao và tăng trưởng tiêu dùng ngoài hộ gia đình cho thấy những thay đổi trong thói quen uống cà phê tại các thị trường này.

Nhập khẩu cà phê của châu Âu tăng chậm, giá trị nhập khẩu giảm

Châu Âu không sản xuất cà phê. Thuần túy là một thị trường tiêu dùng, châu Âu phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cà phê nhập khẩu từ các nước sản xuất cà phê. Tuy nhiên, châu Âu có một ngành rang xay cà phê rất mạnh.

Năm 2016, châu Âu nhập khẩu 3,4 triệu tấn cà phê xanh. Giai đoạn 2012-16, lượng nhập khẩu cà phê tăng nhẹ với tốc độ tăng trung bình hàng năm 1,6%; trong khi đó, giá trị nhập khẩu cà phê giảm với tốc độ 3,1%/năm từ năm 2011 đến nay.

Khoảng 91% nhập khẩu cà phê xanh của châu Âu đến thẳng từ các nước sản xuất. Thương mại nội khối châu Âu chiếm khoảng 13% nguồn cung.

Đức, Ý và Bỉ là ba nước nhập khẩu cà phê lớn nhất từ các nước đang phát triển

Đức là nước  nhập khẩu cà phê xanh trực tiếp lớn nhất từ các nước đang phát triển trong năm 2016, chiếm 35% tổng nhập khẩu cà phê xanh của châu Âu (1,1 triệu tấn).

Đức có ngành rang xay cà phê lớn và phần lớn cà phê xanh được vận chuyển qua cảng Hamburg, điểm trung chuyển cà phê lớn nhất tại châu Âu. Cảng Brêmn cũng được dùng là điểm cập cảng cà phê tại Đức. Các công ty rang xay cà phê lớn của Đức là Tchibo, Melitta, Jacobs và Dallmayr.

Ý là nước nhập khẩu trực tiếp lớn thứ hai từ các nước đang phát triển, chiếm 18% trong năm 2016. Từ năm 2011, nhập khẩu cà phê xanh của Ý tăng mạnh 4,1%/năm về lượng nhưng duy trì ổn định về giá trị nhập khẩu. Ý có những công ty cà phê nổi tiếng nhất thé giới, như Illy, Lavazza và Segrafredo. Ý nhập khẩu một tỷ trọng tương đối lớn cà phê Robusta, vốn được dùng làm cà phê nền cho các công thức phối trộn để pha espresso.

Các nước nhập khẩu cà phê xanh lớn khác là Bỉ, Tây Ban Nha, Pháp và Anh. Năm 2016, Bỉ nhập khẩu 268.000 tấn cà phê xanh từ các nước đang phát triển. Nhập khẩu cà phê của Tây Ban Nha trong cùng năm là 237.000 tấn, của Pháp là 183.000 tấn và Anh là 173.000 tấn.

Ý và Đức là các nước có ngành rang xay cà phê lớn nhất châu Âu

Năm 2016, tổng sản lượng cà phê rang xay tại châu Âu được định giá hơn 11 triệu Euro. Ý và Đức là các nhà sản xuất cà phê rang xay lớn nhất, với thị phần lần lượt là 37% và 16%. Pháp (12%) và Tây Ban Nha (9%) là các nước rang xay cà phê lớn khác tại châu Âu.

Brazil và Việt Nam là các nước cung cấp cà phê chính cho châu Âu

Brazil là nước cung cấp cà phê lớn nhất cho châu Âu, theo sau là Việt Nam và Colombia. Nhỏ hơn nhưng quan trọng không kém là Honduras, Indonesia và Ấn Độ.

Các nhà cung cấp mới nổi là Ethiopia và Peru mới chiếm một thị phần nhỏ nhưng dự báo sẽ tăng trưởng tốt ở các phân khúc cà phê chất lượng cao/đặc sản. Peru đặc biệt có tiềm năng trong phân khúc cà phê hữu cơ, hiện là nước sản xuất – xuất khẩu cà phê chứng nhận hữu cơ lớn thứ 2 thế giới – chỉ sau Mexico. Ethinopia nổi tiếng là cái nôi của cà phê và là một trong những nguồn cà phê chất lượng cao được ưa thích tại châu Âu. Ethiopia cũng có kế hoạch tăng mạnh xuất khẩu cà phê trong những năm tới.

Mỗi nước cung cấp đều có vị thế và thế mạnh của riêng mình tại châu Âu nói riêng và ngành cà phê nói chung. Brazil là nước cung cấp lớn cả cà phê Robusta và Arabica. Việt Nam, Ấn Độ và Uganda đều có vị thế lớn trong sản xuất cà phê Robusta. Colombia nổi tiếng với cà phê Arabica, tương tự với Honduras.

Đức và Ý dẫn đầu xuất khẩu cà phê rang xay Ba Lan ngày càng khẳng định vị thế xuất khẩu

Các nhà xuất khẩu cà phê rang xay lớn nhất tại châu Âu là Đức và Ý. Năm 2016, Đức xuất khẩu 214.000 tấn cà phê đã rang, theo sau là Ý với 189.000 tấn.

Ba Lan là nhà xuất khẩu cà phê rang đầy triển vọng. Năm 2016, nước này xuất khẩu 61.000 tấn, tăng nhẹ so với năm 2015. Tuy nhiên, giai đoạn 2011-15, xuất khẩu cà phê rang của Ba Lan tăng mạnh, cho thấy triển vọng tăng trưởng dài hạn. Phần lớn xuất khẩu cà phê rang của Ba Lan là sang Séc, Đức và Pháp. Nhỏ nhưng cũng quan trọng là các nhà xuất khẩu cà phê rang: Hà Lan (66.000 tấn), Bỉ (65.000 tấn) và Thụy Sĩ (65.000 tấn).

Phần lớn cà phê rang được giao dịch nội khối châu Âu. Xuất khẩu cà phê rang nội khối tại châu Âu chiếm tới 88% kim ngạch xuất khẩu. Ngoài EU, các thị trường xuất khẩu cà phê rang chính của khối này là Nga, Mỹ, Ukraine và Úc.

Theo CBI (gappingworld.com)

 



Báo cáo phân tích thị trường