Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành cà phê từng bị lãng quên của Myanmar đang trỗi dậy
15 | 03 | 2018
Quốc gia Đông Nam Á Myanmar đang tạo sóng trong ngành kinh doanh cà phê, nhờ lợi thế khí hậu – thổ nhưỡng cùng với công nghệ mới từ nước ngoài giúp cải thiện chất lượng hạt cà phê tại nước này. Diễn biến mới này đã mang đến cho Myanmar sự công nhận của thế giới là nước sản xuất loại cà phê đặc sản, chất lượng cao, với hương vị độc đáo.

Đầu tháng 2/2018, 35 thành viên của Hiệp hội những người rang cà phê Nhật Bản, một hiệp hội ngành, đã tới thăm một nhà máy chế biến tại Pyin Oo Lwin, một làng trên vùng cao nguyên 1.100m trên mực nước biển, khoảng 70km về phía đông thành phố Mandalay. Chuyến thăm này dẫn đầu bởi Yutaka Shibata, chủ tịch công ty Key Coffee.

Mandalay Coffee Group, thành lập năm 2014, vận hành nhà máy này. Nhóm này có hai chức năng hoạt động. Một mặt, Mandalay Coffee chế biến hạt cà phê. Tổ chức này thu mua cà phê từ nông dân trong khu vực và bang láng giềng Shan. Quả cà phê chính đỏ được bóc đến cùi – phần đệm ngay dưới lớp vỏ ngoài và bao lấy hạt cà phê – được sấy khô và xát. Quả cà phê qua nhiều bước chế biến, tạo ra hương vị đặc trưng cho mỗi loại cà phê. Chức năng khác là đánh giá chất lượng hạt cà phê. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia từ Hiệp hội cà phê đặc sản Mỹ, công ty đã phát triển những cách chế biến cà phê từ mỗi trang trại một cách riêng rẽ và phân loại chúng.

Một phương pháp được gọi là “cupping”, để đánh giá mùi thơm và vị của cà phê được ủ dưới các điều kiện nhất định, quá trình gần giống với cách những người thử rượu vang làm với rượu vang. Trong chuyến thăm của nhóm phái đoàn Nhật Bản trên, một thành viên đã thử vài loại cà phê, mô tả hương vị với những lời ngợi khen như “thoảng vị ngọt giống như chocolate hoặc những loại hạt”, “độ chua nhẹ giống như táo hoặc chanh”.

Một khi những tiêu chuẩn được đặt ra, chất lượng bắt đầu được cải thiện. Năm 2016, Myanmar đã sản xuất loại cà phê đầu tiên vượt 80 điểm theo thang điểm cupping của SCAA và được công nhận là một loại “cà phê đặc sản”.

Myanmar có lịch sử lâu đời là một nước sản xuất cà phê, sản xuất cả loại cà phê chất lượng thấp và cao, theo Amy VanNocker, một chuyên gia SCAA được gửi đến làm việc với Mandalay Coffee Group cho biết. Bằng cách đưa vào hệ tiêu chí đánh giá rõ ràng, việc lựa chọn hạt cà phê trở nên khắt khe hơn và chất lượng được cải thiện nhanh chóng.

Tại các nước tiêu thụ cà phê phát triển, người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới “làn sóng thứ ba” của cà phê cao cấp với các đặc điểm hương vị độc đáo.

Chỉ vài năm trước đây, hầu như không ai coi Myanmar là một nước sản xuất cà phê đáng chú ý. Nhưng quan niệm này đang thay đổi: “Tôi có ấn tượng mạnh rằng Mandalay Coffee Group đang giới thiệu những phương pháp mới – một nỗ lực đuổi kịp thế giới”, theo nhận định của ông Shibata sau chuyến thăm nhà máy.

Do nhu cầu tăng lên, giá cà phê Myanmar cũng tăng lên. Theo một tờ báo địa phương, giá cà phê xuất khẩu đang tăng hơn gấp đôi so với 2 năm trước, lên 3.000 – 7.000 USD/tấn.

Nhưng sản xuất cà phê tại Myanmar vẫn bị phủ bóng bởi những nước láng giềng. Trong năm tài khóa 2016, Myanmar sản xuất 8.500 tấn cà phê, so với sản lượng 1,7 triệu tấn tại Việt Nam và 650.000 tấn tại Indonesia, theo dữ liệu chính thức của chính phủ Myanmar. Chính phủ nước này hy vọng sẽ tăng diện tích trồng cà phê lên 80.000ha đến năm 2030, tăng từ 12.000ha hiện nay, đưa cà phê trở thành mặt hàng xuất khẩu chính.

Sản lượng cà phê đang tăng trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là tại Đông Nam Á. Theo FAO, sản xuất cà phê toàn cầu tăng 13% trong giai đoạn 2006 – 2016 lên 9,22 triệu tấn. Tại Đông Nam Á, sản xuất tăng gần gấp đôi mức tăng trên, đạt 25% trong cùng giai đoạn, lên 2,36 triệu tấn trong năm 206, nhờ các thị trường đang tăng trưởng nhanh như Trung Quốc. Khu vực này hiện chiếm 25% tổng sản lượng cà phê toàn cầu và tăng trưởng nhanh gấp hai lần tăng trưởng sản lượng tại châu Phi – cái nôi của cà phê thế giới.

Việt Nam là ngôi sao đang lên. Sản xuất cà phê tại Việt Nam có hệ số tăng 58 trong 30 năm qua. Việt Nam đã vượt qua Indonesia và Philippines vào thập niên 1990s và trở thành nước sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới, sau Brazil. Lào cũng đang tăng vị thế sản xuát cà phê, với sản lượng tăng hơn gấp đôi, lên 140.000 tấn trong 5 năm vừa.

Mặc dù những loại cà phê đặc sản của Myanmar đang ngày càng thu hút sự chú ý, “sản lượng cà phê còn quá nhỏ” cho các công ty cà phê lớn thu mua để sử dụng trong các công thức phối trộn của họ và các sản phẩm khác, theo chủ tịch Key Coffee nhận định. Vấn đề chính là năng suất. Theo FAO, năng suất cà phê của Myanmar chỉ bằng khoảng 26% năng suất cà phê Việt Nam. Tuy nhiên, Myanmar vẫn còn diện tích cao nguyên rất rộng, phù hợp cho canh tác cà phê. Với công nghệ tốt hơn từ nước ngoài, ngành cà phê Myanmar có thể thăng hoa.

Theo Nikkei Asia (gappingworld.com)

 



Báo cáo phân tích thị trường