Bán cà phê chất lượng cao với giá cà phê thường
Đầu năm 2017, UBND xã Ia Krêl (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) phối hợp Phòng NN&PTNT huyện vận động người dân thôn Ia Gôn sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP. Tổng cộng có 60 hộ tham gia tổ hợp tác sản xuất cà phê vối VietGAP với diện tích 100ha. Nhưng khi thu hoạch xong, một số hộ vẫn phải “cắn răng” bán cà phê chất lượng cao bằng với giá cà phê thường.
|
Vườn cà phê đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của hộ ông Lê Viết Hợp |
Quyết không xuất bán, gia đình ông Nguyễn Sĩ Hậu vẫn đang cất giữ 7 tấn cà phê nhân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. “Sản xuất cà phê VietGAP chi phí đầu tư rất cao, nhưng giá bán lại bằng cà phê thường. Không đành lòng bán rẻ, gia đình để trong kho từ lúc thu hoạch đến giờ. Sắp tới nếu giá cà phê VietGAP vẫn không tăng, thì tôi không theo mô hình này nữa”, ông Hậu quả quyết nói.
Ngược lại với ông Hậu, ông Lê Viết Hợp cho biết: "Tôi đăng ký sản xuất 1,5ha cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP, quá trình làm đã tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn về bón phân, thời gian cách ly, cách bảo quản... Để đảm bảo chất lượng, tôi còn chi hơn 10 triệu đồng xây dựng thêm sân xi măng để phơi cà phê. Vậy mà đến lúc thu hoạch, tôi đành bán toàn bộ 6 tấn cà phê VietGAP với giá 36,8 triệu đồng/tấn, bằng với giá cà phê thường".
|
Cà phê VietGAP của ông Hậu vẫn cất trong kho vì giá bán không tương xứng mức đầu tư. |
Được biết, việc sản xuất cà phê VietGAP của người dân xã Ia Gôn đảm bảo đúng quy chuẩn, tổng sản lượng thu hoạch trên 100ha là 500 tấn nhân. Đến thời điểm này, người dân đã bán khoảng 150 tấn với mức giá bằng cà phê thường, còn 350 tấn dân vẫn đang giữ lại chờ tổ hợp tác làm việc với các doanh nghiệp với hi vọng bán được giá cao hơn.
Có nên tiếp tục sản xuất cà phê VietGAP?
Trao đổi với PV, ông Siu Luynh - Chủ tịch UBND xã Ia Krêl, cho biết trước đây bà con sản xuất cà phê theo phương thức truyền thống nên chất lượng, sản lượng không cao nên xã phối hợp với Phòng NN&PTNT mới vận động dân liên kết thành tổ và hướng người dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngay khi thành lập tổ, ngành chức năng đã liên hệ trước với doanh nghiệp để thu mua sản phẩm VietGAP cho bà con.
Các doanh nghiệp như Cà phê CLASSIC đã khá hài lòng với quy trình sản xuất của bà con, hứa thu mua nhưng hiện tại vẫn không thấy. Trước tình trạng này, xã cũng đã làm việc với Doanh nghiệp Cà phê NESTLE Gia Lai nhưng doanh nghiệp này cũng chỉ thu mua manh mún, nhỏ lẻ.
|
Vườn cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình ông Hoàng Xuân Thủy. |
“Hiện tại, xã đang tiếp tục vận động người dân sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời phối hợp với Phòng NN&PTNT, UBND huyện mở ra các phương thức quảng bá, kêu gọi các doanh nghiệp thu mua, bao tiêu sản phẩm cà phê VietGAP cho dân”, ông Luynh cho biết thêm.
Theo ông Lê Huy Toàn - Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản Gia Lai cho hay, năm 2017 diện tích cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh là 130ha, tập trung ở huyện Đức Cơ 100ha và 30 ha còn lại ở TP.Pleiku. Đây là phương thức sản xuất tiên tiến, vừa đảm bảo chất lượng, thân thiện với môi trường... nên cần khuyến khích".
“Còn giá cả là theo thị trường, không thể can thiệp được. Chúng tôi hướng người dân làm theo tổ hợp tác để có cơ chế kiểm soát chéo, đảm bảo chất lượng trước khi đưa ra thị trường, sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức các buổi chợ phiên, hoặc mời người mua gặp gỡ người bán để liên kết với nhau, tạo thành chuỗi".
Theo Dân Việt