Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Dân lo "sốt vó” vì mía đến kỳ thu hoạch mà nhà máy vẫn chưa thu mua
29 | 03 | 2018
Hàng trăm ha mía đã đến kỳ thu hoạch nhưng phía nhà máy đường vẫn chưa có lệnh chặt và thu mua. Sự việc khiến hàng trăm hộ dân ở các xã Tân Xuân, Giai Xuân, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) vô cùng lo lắng.
Hàng trăm ha mía của người dân xã Giai Xuân, Tân Xuân (huyện Tân Kỳ) vẫn chưa được thu mua.

Mía trổ cờ trắng đồng

Thời gian gần đây, nhiều người dân trên địa bàn các xã Tân Xuân, Giai Xuân (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) phản ánh việc thu mua mía chậm của Nhà máy đường Sông Con khiến họ vô cùng lo lắng.

Trước thực trạng trên, không chỉ thấp thỏm lo sợ trọng lượng mía giảm, người trồng mía tại huyện Tân Kỳ còn mất ăn mất ngủ, xót xa nhìn hàng trăm ha mía trổ cờ trắng đồng, xốp ruột... và có nguy cơ không bán được.

Theo thời vụ, cứ đến khoảng giữa tháng11 hàng năm, người trồng mía đã thu hoạch để bán cho Công ty CP mía đường Sông Con (Nhà máy đường Sông Con). Năm nay, gần đến tháng 3/2018, người dân vẫn thấp thỏm lo sợ nhìn mía trổ cờ trắng đồng, tuy nhiên họ vẫn chưa được nhà máy cấp lệnh để thu hoạch.

Nhiều diện tích mía đã trổ bông trắng xóa.

Có mặt trực tiếp tại các cánh đồng mía của 2 xã Giai Xuân, Tân Xuân, theo ghi nhận của PV cho thấy hàng chục ha mía đã trổ cờ trắng xóa bạt ngàn.

Mặc dù đang là thời kỳ mùa vụ nhưng trên các cánh đồng vẫn im lìm, tiếng xe cộ vắng tanh, lâu lâu mới thấy bóng dáng của một số người dân kéo xe chặt tỉa ít ngọn về cho trâu bò.

Ông Trương Văn H. (SN 1971, trú ở xã Tân Xuân, huyện Tân Kỳ) cho biết: “Gia đình ông trồng mía từ nhiều năm nay với hơn 10 sào, thế nhưng khi cây mía thu mua không đảm bảo, giá cả bấp bênh nên gia đình ông chuyển sang trồng cây sắn. Chỉ còn khoảng 2 sào để trồng mía giống; vì theo ông H. ông đã sợ cảnh trồng mía nhiều để rồi phụ thuộc, ăn ngủ không yên”.

Việc thu mua mía chậm khiến người dân lo lắng về năng suất bị sụt giảm

Ông H. cũng lo lắng khi người con rể của ông đã chặt hàng tấn mía, nhưng gần 2 tuần chưa được nhà máy bốc, nên phải để ngoài đồng.

Chia sẻ với PV, ông Lê Hồng Văn – Chủ tịch UBND xã Tân Xuân cho biết: “Toàn xã Tân Xuân có 422 ha trồng mía, hiện còn gần 100 ha vẫn chưa thu hoạch. Khi thu hoạch, phía nhà máy đường dồn lệnh thu hoạch nên số lao động để thu hoạch mía không thể đáp ứng được”.

“Trước tết, lao động về ăn tết cũng nhiều, ra giêng cũng thế, vì thế phía nhà máy nên ưu tiên cho vùng trồng mía ở địa phương thu hoạch đúng dịp để đáp ứng lao động. Khi đến mùa vụ, nhiều trường hợp con đi lao động thì cha lại ở nhà thuê người làm công” – ông Văn nói.

Người dân lo lắng nguy cơ cháy mía.

Anh Nguyễn Văn V. (SN 1971, trú ở xã Giai Xuân) nhìn nhiều diện tích mía đã trổ cờ, xốp ruột, anh không khỏi xót xa: “Chắc chắn trọng lượng mía sẽ giảm rất nhiều, nhưng lo nhất vẫn là nguy cơ cháy mía, bên cạnh đó nếu khi nhà máy có lệnh thì không gì riêng tôi và toàn thể nhân dân phải hối hả chặt gấp thì lúc đó chẳng khác gì nhà máy làm khó chúng tôi”.

“Người dân chúng tôi mong muốn phía nhà máy thu mua kịp thời và nhanh chóng để đảm bảo thời vụ cho bà con” – anh V. mong muốn.

Còn ông Nguyễn Hữu Triển – Phó chủ tịch UBND xã Giai Xuân bức xúc: “Toàn xã Giai Xuân hiện còn khoảng 24.000 tấn với hơn 400 ha mía chưa thu hoạch. Khi đến kỳ thu hoạch, việc dồn lệnh của nhà máy, một ngày khoảng 60 xe nên không đủ nhân lực để làm việc”.

“Vừa rồi UBND xã đã có báo cáo việc này trực tiếp lên huyện, hi vọng công ty sẽ có giải pháp tốt nhất cho bà con”, ông Triển mong muốn.

Mỗi lúc nhà máy dồn lệnh, thì số lao động thu hoạch mía không thể đáp ứng

Nhà máy nói "do trục trặc kỹ thuật"

Trước tình hình trên, nhiều hộ dân trên địa bàn bức xúc cho biết, trong thời gian tới sẽ chuyển diện tích trồng mía sang trồng sắn hoặc loại cây trồng khác.

“Đã nhiều năm gắn bó với cây mía nhưng với đà này, sắp tới tôi sẽ chuyển sang trồng sắn. Trồng sắn đỡ lo lắng hơn, nhiều công ty, nhiều người thu mua, hợp giá thì mình bán, còn trồng mía phải lệ thuộc vào công ty mà năm nào cũng gây khó dễ ” – một người dân ở xã Tân Xuân cho biết.

Trao đổi vế vấn đề này, ông Nguyễn Công Trung – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Kỳ cho biết: “Về phía huyện đã nhận được phản ánh của nhiều bà con trồng mía trên địa bàn. Trước mắt huyện đã xuống trực tiếp để chỉ đạo bà con đồng thời yêu cầu nhà máy đường phải có trách nhiệm thu mua kịp thời cho người dân không để tình trạng mía phải chặt ra rồi dồn ứ”.

“Mặc dù từ ngày 13/3 nhà máy đã có lệnh thu mua cho người dân nhưng vẫn còn lẻ tẻ. Nếu tình trạng thu mua như hiện nay thì đến khoảng giữa tháng 4 e rằng nguồn mía của dân vẫn còn tồn đọng” - ông Trung phân vân.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Bá Quý – Phó Giám đốc Công ty CP mía đường Sông Con (đóng tại huyện Tân Kỳ) giải thích: “Từ ngày 12/3, chúng tôi phát hiện ống lò hơi bị thủng (công suất 100 tấn/giờ), nên phải giảm công suất ép xuống để đảm bảo an toàn.

Còn trước đó lại bị sự cố máy ép nên công ty cũng phải dừng lại. Lệnh thu mua mía thì đã cấp cho dân, nên người dân thu hoạch rồi lại phải dồn lại ở đó. Về vấn đề này, công ty sẽ hỗ trợ 100 nghìn đồng/ngày cho người dân, còn việc mía bị ảnh hưởng thì công ty sẽ không tiến hành phân loại”.

Ông Quý phân trần: “Công ty tổ chức thu mua theo kế hoạch, bình thường bắt đầu vào mùa vụ là tháng 11 hàng năm; có người chặt tháng 11, có người chặt vào tháng 4 (năm sau), chứ người dân không thể chặt toàn bộ vào một lúc và nhà máy không thể giải quyết nổi. Trong khi vào đầu vụ, người dân cũng không muốn chặt vì sợ mía đang còn non, mà để cuối vụ thì cũng không muốn vì quá lâu.

Vùng nguyên liệu mía của nhà máy không chỉ có ở mỗi huyện Tân Kỳ mà còn có ở các huyện khác như Thanh Chương, Yên Thành và Đô Lương. Theo kế hoạch, dự kiến đến ngày 15/4 sẽ thu mua hết, về phía công ty sẽ có biện pháp tốt nhất để thu mua, đảm bảo thời vụ cho người dân” – ông Quý nói.

Theo Bảo Trâm (Infonet)

 

 



Báo cáo phân tích thị trường