Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trung Quốc sắp vượt Mỹ trở thành thị trường lớn nhất của Starbucks chỉ trong 10 năm
09 | 04 | 2018
Cứ mỗi 15 giờ, một cửa hàng Starbucks mới lại được mở ra tại Trung Quốc và thị trường này đang trên đà vượt Mỹ trở thành thị trường lớn nhất của Starbucks chỉ trong vòng 1 thập kỷ, theo thông tin từ chính lãnh đạo Starbucks cho hay.

Chuỗi cửa hàng cà phê Mỹ này đã hiện diện hoạt động tại Trung Quốc gần 20 năm, đang nhận thấy triển vọng sáng lạn tại thị trường này. Đây là những lời phát biểu nổi bật trong lễ khai trương cửa hàng lớn nhất thế giới của Starbucks tại Thượng Hải vào tháng 12/2017. Cửa hàng Starbucks Thượng Hải này có công suất phục vụ tới 7.000 khách mỗi ngày.  Trong những ngày đầu tiên hoạt động, cửa hàng Starbucks Shanghai Roastery đã trở thành cửa hàng bận rộn nhất của Starbucks trên toàn thế giới, với số lượng giao dịch trung bình mỗi ngày gấp đôi số giao dịch của cửa hàng rất thành công Starbucks Roastery tại Seattle, và giá trị giao dịch trung bình là 29 USD.

Hiện với hơn 3.200 cửa hàng trên khắp 139 thành phố tại Trung Quốc, Starbucks phục vụ 6,4 triệu khách hàng mỗi tuần, và đặt mục tiêu mở 5.000 cửa hàng đến năm 2021. Phát biểu trong buổi họp toàn thể của Starbucks tại Seattle vừa qua, CEO Starbucks Trung Quốc Belinda Wong gửi lời cảm ơn của đông đảo đội ngũ nhân viên Starbucks Trung Quốc tới công ty đã mang lại những phúc lợi rất hào phóng cho họ. “Chúng tôi mở cửa hàng mới mỗi 15 giờ. Nhưng điều khiến tôi hào hứng hơn là cách chúng sử dụng quy mô tăng trưởng để làm lợi cho chính các cộng đồng chúng ta phục vụ”, bà Wong phát biểu.

Một hương vị Mỹ

Từ khắp Thái Bình Dương tới bang Washington, khách hàng cùng xếp hàng để vào cửa hàng Starbucks trên đường Nam Kinh có diện tích tới 29.000 feet – gấp đôi quy mô cửa hàng lớn nhất của Starbucks tại Mỹ. Không giống như những chuỗi nhà hàng phục vụ nhanh kiểu Mỹ rất phổ biến tại Trung Quốc như Pizza Hut và KFC, thương hiệu cà phê này duy trì thực đơn đậm chất quốc tế và rất ít điều chỉnh theo khẩu vị địa phương. Đây là thực tế, bất chấp cà phê không phải là đồ uống truyền thống tại Trung Quốc – đất nước tiêu dùng chè gấp 10 lần cà phê, theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho hay, mặc dù tăng trưởng tiêu dùng cà phê trên đầu người dự báo lên tới 18%/năm trong những năm tới.

Trong khi Pizza Hut cung cấp các thực đơn đầy đủ cùng với rượu vang và đưa cả vịt quay Bắc Kinh là nguyên liệu cho món pizza, và KFC phục vụ theo khẩu vị địa phương với thịt lợn quay, cà ri và cháo cùng với các món gà truyền thống, Starbucks xác lập vị thế riêng bằng cách đẩy mạnh khẩu vị nguyên bản của phương Tây. Qua đó, cùng với không gian dành cho vô số nhóm khách hàng tụ tập và tán gẫu trong những cửa hàng rộng rãi, Starbucks Trung Quốc đã tìm thấy cho mình một thị trường ngách trong chính những khẩu vị địa phương, các chuyên gia nhận định. Dễ dàng tìm thấy một chỗ ngồi tại những đại siêu thị Trung Quốc không phải là một việc dễ dàng.

Chăm sóc cho đội ngũ nhân viên

Khách hàng Trung Quốc cũng đánh giá cao cách mà Starbucks chăm sóc cho đội ngũ nhân viên đông đảo lên tới 65.000 người và các nhà cung ứng tại Trung Quốc. Tại buổi họp toàn thể vừa qua, bà Wong tái khẳng định sẽ dành 20 triệu USD để chăm sóc cho đội ngũ nhân viên, bao gồm bảo hiểm y tế quan trọng, trong 5 năm tới. “Tôi ước các bạn có thể thấy phản ứng của nhân viên lễ tân khi chúng tôi thông báo Starbucks sẽ mua bảo hiểm y tế quan trọng cho họ. Đó là những giọt nước mắt của cả niềm vui và tâm trạng gần như không thể tin được. Điều này làm tôi thậm chí còn phấn khích hơn, về cách chúng ta sử dụng quy mô tăng trưởng để làm lợi cho các cộng đồng chúng ta phục vụ”. Gần 93% số nhân viên chính thức của Starbucks Trung Quốc đã đăng ký chương trình này, cùng với 14.000 cặp phụ huynh của họ, cũng được cung cấp dịch vụ bảo hiểm này. “Nhưng chúng tôi còn có những tham vọng cao hơn – chúng tôi muốn truyền cảm hứng cho các công ty khác”, bà Wong nhấn mạnh – đồng thời cho biết bà đã gặp gỡ các công ty Trung Quốc khác để thảo luận về kế hoạch phúc lợi cho các bậc cha mẹ, và một số cũng đang có kế hoạch triển khai các chương trình tương tự.

Đồng thời, Trung tâm hỗ trợ nông dân Starbucks đã hợp tác với 17.000 nông dân tại khu vực trồng cà phê Vân Nam để cải thiện các thực hành canh tác bền vững. Trước khi chương trình này bắt đầu triển khai trong năm 2017, chất lượng cà phê Trung Quốc chuyển tới các nhà máy chế biến rất không đồng nhất, thậm chí còn có cả đá dăm lẫn trong cà phê.

Starbucks Trung Quốc đã phát triển các khoảnh vườn cà phê chất lượng cao, Starbucks Reserve Yunnan Yellow Honey Coffee, từ Vân Nam để cung ứng cho các quán Starbucks, bao gồm cả Shanghai Roastery. “Chúng tôi đã triển khai những bước chủ chốt để hoàn thiện hành trình từ hạt cà phê thô đến một cốc cà phê pha chế tại Trung Quốc”, bà Wong phát biểu.

Theo giám đốc điều hành toàn cầu Kevin Johnson, “Starbucks đã mở khóa thị trường Trung Quốc” và thương hiệu này đang gây dựng nền tảng cùng với tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo tại Trung Quốc và GDP tiếp tục tăng trưởng. “Hoạt động kinh doanh của chúng tôi tại Trung Quốc là động lực tăng trưởng lớn của Starbucks và giúp công ty giảm phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh tại Mỹ”, ông phát biểu trong buổi thông cáo kết quả hoạt động kinh doanh quý 1/2018. “Giờ đây, chúng tôi có hai động lực mạnh mẽ, độc lập nhưng bổ sung cho nhau, thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu của Starbucks trong dài hạn với cơ hội rõ ràng tại Trung Quốc”.

Theo Food Navigator (gappingworld.com)

 



Báo cáo phân tích thị trường