Chính phủ Thái Lan ấm lòng khi nhận được báo cáo từ tờ South China Morning Post rằng khoảng 80.000 quả sầu riêng Monthong, tổng cộng 200 tấn, đã được mua sạch chỉ trong vòng 60s mở bán trên trang Tmall. Trong suốt chuyến thăm của chủ tịch điều hành Alibaba Group Jack Ma ngày 19/4, Bộ Thương mại và Alibaba Group đã hợp tác tổ chức một chiến dịch bán gạo và sầu riêng Thái Lan trên trang Tmall.com – sàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc – mang lại quyền tiếp cận hơn 1,4 tỷ người tiêu dùng Trung Quốc cho nông sản Thái Lan.
Người phát ngôn chính phủ Sansern Kaewkamnerd, một trang giới thiệu riêng nông sản Thái Lan cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc ưa thích nông sản Thái Lan, đặc biệt là gạo Hom Mali và sầu riêng. Với sự bùng nổ gần đây của thương mại điện tử tại Trung Quốc đại lục, gạo Hom Mali và sầu riêng trở nên rất đắt hàng.
Tôi (người viết là ông Soonruth Bunyamanee – phó tổng biên tập Bangkok Post) đồng ý với chính phủ rằng thỏa thuận với Alibaba có thể tạo ra những cơ hội rất lớn cho các nhà kinh doanh địa phương nhưng đối với nông dân, tôi không chắc chắn lắm. Sức mạnh hoạt động thương mại của Alibaba đã được chứng minh khi bán được tới 80.000 trái sầu riêng chỉ trong vòng 1 phút trên Tmall. Nhưng chính phủ cũng không nên ngây thơ bởi không bao giờ có bữa trưa miễn phí. Một số có thể cho rằng nông dân không được hưởng phần từ thương vụ thương mại điện tử này mà thậm chí đây còn không phải là con đường trải hoa hồng đối với họ.
Theo Bộ trưởng Thương mại Sontirat Sontijirawong, đợt bán thần tốc trên Tmall đã giúp đẩy giá đặt hàng trước đối với sầu riêng hạng A tại vườn thêm 10 Baht/kg, lên mức cao 80 Baht/kg. Phần lớn các vườn trái cây tại Thái Lan hiện ký hợp đồng bán buôn với những người mua Trung Quốc theo cơ sở đặt hàng trước để bán tại Trung Quốc theo các kênh bán lẻ trực tuyến.
Trên Tmall, đơn hàng cho sầu riêng Monthong 4,5-5kg có giá 199 NDT, tương đương khoảng 992 Baht, tức khoảng 198 – 220 Baht/kg. Thương nhân Trung Quốc mua sầu riêng từ các nhà vườn Thía Lan với giá 70 – 80 Baht/kg nên có lợi nhuận khoảng 10 – 11 triệu Baht khi tiêu thụ được 80.000 trái sầu riêng trên Tmall – chỉ trong vòng 1 phút. Tmall cho biết hơn 2 triệu trái sầu riêng đã được bán trên sàn thương mại điện tử này kể từ khi mở bán đến nay. Thử tưởng tượng các thương nhân Trung Quốc có thể thu lợi nhuận bao nhiêu khi Bộ Thương mại Thái Lan hạnh phúc thông báo có thể tăng giá bán trực tuyến thêm 10 Baht/kg.
Đây là vấn đề cơ bản sẽ không được giải quyết bởi thỏa thuận giữa chính phủ Thái Lan và Alibaba.
Chính phủ Thái Lan có vẻ quá lạc quan khi cho rằng thỏa thuận này sẽ giúp cải thiện sinh kế của nông dân khi có thể tự mình chào bán hàng hóa qua mạng, nhưng tôi tự hỏi liệu bao nhiêu nông dân đủ sành công nghệ để tận dụng cơ hội này, đặc biệt là trong ngắn hạn.
Đặc biệt trong trường hợp của Tmall, vốn hoạt động theo một thỏa thuận cam kết giữa chính phủ Trung Quốc và Alibaba. Đây là một sàn thương mại B2C nên các cá nhân không thể bán hàng hóa trên trang này. Hệ quả là phần lớn nông dân muốn bán sản phẩm cho khách hàng Trung Quốc qua kênh này không có lựa chọn nào khác là phải thông qua các trung gian hoặc thương nhân Trung Quốc. Bị trung gian phân phối lợi dụng là vấn đề dai dẳng của nông dân Thái Lan và chính phủ không nên khoe khoang về thành công của thỏa thuận với Alibaba trừ khi vấn đề này được giải quyết thành công.
Dù vậy, tôi đồng ý rằng kiểu hợp tac này có khả năng là một cơ hội tốt cho các nhà kinh doanh Thái Lan, đặc biệt là SMEs. Hơn nữa, một số chuyên gia thương mại điện tử Thái Lan cảnh báo rằng các doanh nghiệp Thái Lan sẽ bị tác động bởi các thỏa thuận kinh doanh với Alibaba. Họ lo ngại các sản phảm Trung Quốc có thể tràn vào thị trường Thái Lan và đánh bại hàng hóa nội địa. Hoạt động đầu tư của Alibaba cũng có thể đánh bật các trung gian thương mại Thái Lan và đẩy các trung gian thương mại Trung Quốc vào độc quyền hóa thị trường. Cuối cùng, các nhà sản xuất Thái Lan có thể sẽ bị đẩy ra khỏi thương trường bởi hàng hóa Thái Lan không thể cạnh tranh về giá khi lợi thế giá thành sản xuất thuộc về các nhà sản xuất Trung Quốc.
Bất chấp những lo ngại này, chính phủ bảo vệ cho thỏa thuận hợp tác với tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc khi cho rằng đây là cơ hội lớn cho người Thái, đặc biệt là nông dân có thể tự mình bán sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Điều này là đúng nhưng không đủ.
Thực tế, có hay không có thỏa thuận với Alibaba, hàng hóa Trung Quốc đã tràn ngập thị trường Thái Lan.
Trước khi thỏa thuận này được ký kết, các khách hàng lẻ có thể dễ dàng đặt hàng từ các websites thương mại điện tử Trung Quốc, nhất là Tmall, Taobao và JD.com.
Nhiều nhà kinh doanh vận tải Thái Lan đã cung cấp dịch vụ để giúp khách hàng Thái Lan mua được hàng loạt hàng hóa từ các trang thương mại điện tử Trung Quốc – từ sách báo, nội thất tới thực phẩm.
Như vậy, các nhà sản xuất kinh doanh Thái Lan chắc chắn sẽ bị tác động bởi hàng hóa Trung Quốc giá rẻ hơn. Họ phải điều chỉnh để tăng chất lượng sản xuất, ngay cả nếu Alibaba không lựa chọn đặt toàn lực vào xâm chiếm thị trường. Đây là vấn đề sống còn.
Theo Bangkok Post (gappingworld.com)