Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vai trò của TMĐT trong tăng trưởng bao trùm tại Trung Quốc và phát triển nông thôn
16 | 04 | 2018
Thương mại điện tử (TMĐT) đang đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế và tạo việc làm tại khu vực nông thôn của Trung Quốc. Hai ví dụ sau đây là các điển hình cho nhận định trên

Từ một doanh nghiệp địa phương tới một cụm công nghiệp: Đồ gỗ nội thất tại Shaji

Sun Han, một sinh viên đai học quay trở lại quê nhà sau khi tốt nghiệp vào năm 2007, bắt đầu bán đồ gỗ nội thất dễ lắp đặt trên mạng và đã mở rộng kinh doanh thành công. Thông tin truyền miệng của thành công Sun Han nhanh chóng lan ra khắp Shaji, mang lại một hiệu ứng lan tỏa. Sau đó, nhiều gian hàng trực tuyến đã mở ra tại làng Dongfeng, cũng bán đồ gỗ nội thất. Năm 2008, doanh số kinh doanh trực tuyến của địa phương này đã đạt khoảng 6,2 triệu USD và sau đó, kinh doanh ngành này đã cất cánh. Với sự hỗ trợ mạnh từ chính quyền địa phương, các ngành sản xuất thượng nguồn/hạ nguồn đã phát triển nhanh, bao gồm gỗ nguyên liệu, hậu cần, thiết bị phụ tùng, các dịch vụ kinh doanh mạng và ngay cả kinh doanh trực tuyến. Từ năm 2010, các nhà sản xuất đã bắt đầu bán đồ gỗ nội thất thông qua Taobao, JB và các sàn TMĐT khác.

Các nhà sản xuất bắt đầu tập trung vào thương hiệu, xây dựng thương hiệu Shaji cho tất cả các đồ nội thất sản xuất tại đây. Đến cuối năm 2015, Shaji đã có hơn 4.000 nhà giao dịch trực tuyến, hơn 3.000 gian hàng trực tuyến, 302 nhà sản xuất đồ nội thất, 38 nhà giao hàng nhanh cho các dịch vụ hậu cần, sản lượng đầu ra hàng tháng gần 40.000 sản phẩm và tuyển dụng 15.300 lao động. Những bài học từ câu chuyện đồ gỗ nội thất Shaji:

  • Sử dụng các sàn giao dịch điện tử và nắm bắt cơ hội

Cụm công nghiệp đồ gỗ nội thất Shaji được phát triển thông qua Taobao. Các doanh nhân đã nắm bắt cơ hội kinh doanh trực tuyến mà Taobao cung cấp như một sàn dịch vụ TMĐT khiến khả năng các nhà sản xuất đồ gỗ nội thất tại khu vực nông thôn có thể tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng, vượt trên các phương thức kinh doanh truyền thống.

Với cơ hội này, giá được điều chỉnh dựa trên doanh số bán hàng trực tuyến, phản ứng của người tiêu dùng được cải thiện và các nhà sản xuất tối ưu hóa được lợi nhuận.

  • Thích ứng sản phẩm với nhu cầu thị trường

Sản phẩm đồ gỗ nội thất Shaji dễ dàng thích ứng với nhu cầu của TMĐT do quy trình sản xuất đơn giản và phù hợp với sản xuất hàng loạt, sản phẩm dễ đóng gói, vận chuyển và lắp ghép. Sự phát triển nhanh chóng của mô hình Shaji cũng được thúc đẩy bởi chi phí lao động rẻ tại các khu vực nông thôn Trung Quốc.

  • Thúc đẩy tinh thần kinh doanh

Với sự phát triển của internet, nhiều sinh viên đại học Trung Quốc và người lao động di cư đã trở về các khu vực nông thôn để phát triển kinh doanh trực tuyến. Từ kinh nghiệm sống và làm việc tại các thành phố, họ có kiến thức và kỹ năng áp dụng cho TMĐT. Sự thành công của những người tiên phong đã nhanh chóng được nhân rộng nhờ internet.

  • Sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương

Chính quyền địa phương của Shaji đã thiết lập Con đường doanh nhân mạng và Mô hình doanh nhân mạng. Họ cũng hỗ trợ các nhà sản xuất trong tiếp cận tín dụng và các nhà máy, cung cấp các ưu đãi thuế.

Từ bán tới mua: Trường hợp của Taobao vùng nông thôn

Năm 2014, tập đoàn Alibaba đã thành lập Rural Taobao để chính thức đưa sàn TMĐT Taobao về các vùng nông thôn. Mục tiêu là để thành lập các trung tâm giao dịch TMĐT trên khắp các khu vực nông thôn và các trạm dịch vụ tại làng nhằm xây dựng các hệ thống dịch vụ TMĐT và kết nối người sản xuất ở các khu vực nông thôn với người tiêu dùng. Đến cuối năm 2015, Taobao Villages trên toàn Trung Quốc đã đạt con số 780, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập nông thôn. Theo AliResearch, một Taobao Village được định nghĩa là có hơn 100 gian hàng trực tuyến hoạt động trên khắp Taobao hoặc nơi có tổng số gian hàng trực tuyến hoạt động vượt 10% số hộ gia đình của khu vực nhất định, với tổng doanh thu TMĐT hàng năm của một khu vực nhất định đạt 15 triệu USD.

Kết nối khu vực nông thôn thông qua TMĐT cũng giúp tăng tiêu dùng. Theo thống kê từ Trung tâm Thông tin mạng internet Trung Quốc (CNNIN), tính đến tháng 12/2014, có 649 triệu người thường xuyên sử dụng mạng internet tại Trung Quốc, 178 triệu người (27,5%) sống tại các khu vực nông thôn. Năm 2014, số lượng dân cư nông thôn giao dịch trực tuyến đạt 77 triệu người, với tốc độ tăng trưởng hàng năm 41%.

Theo báo cáo của AliResearch, mua sắm trực tuyến của Trung Quốc tại các khu vực nông thôn đạt khoảng 54,3 tỷ USD trong năm 2015 và dự kiến đạt 73,8 tỷ USD trong năm 2016. Tiêu dùng trực tuyến tại nông thôn đang dịch chuyển từ bán sang mua do:

  • Thu nhập của nông dân tăng

Theo Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, tiêu dùng khả dụng đầu người của cư dân thành thị là khoảng 4.436 USD trong năm 2014, tăng 7% so với năm 2013. Trong khi đó, thu nhập khả dụng của cư dân nông thôn năm 2014 là 1.614 USD, tăng 9% so với năm 2013.

Tăng trưởng thu nhập của cư dân nông thôn là yếu tố chính trong sự phát triển của tiêu dùng trực tuyến tại nông thôn.

  • Nhu cầu của người tiêu dùng nông thôn tăng

Các kênh bán lẻ truyền thống tại các khu vực nông thôn cung cấp lựa chọn hàng hóa hạn chế, với giá cao. Sự sẵn có của các lựa chọn rất cạnh tranh thông qua TMĐT đã thúc đẩy nhu cầu hàng hóa chất lượng cao hơn của những người tiêu dùng nông thôn.

  • Hỗ trợ từ chính sách quốc gia

Chính phủ Trung Quốc đã có những chính sách thúc đẩy sử dụng internet tại các cộng đồng nông thôn. Năm 2014, Bộ NN Trung Quốc đã triển khai một dự án tại làng và hộ gia đình trong tiếp cận thông tin và thiết lập các trạm dịch vụ thông tin tại 10 tỉnh thử nghiệm và các khu vực trực thuộc chính quyền trung ương, bao gồm Bắc Kinh, Liêu Ninh và Cát Lâm. Bộ Thương mại cũng triển khai một chương trình giới thiệu TMĐT cho vùng nông thôn.

  • Kết nối kinh tế mạnh giữa các thành viên gia đình tại thành thị và nông thôn

Phần lớn các đơn hàng trực tuyến được đặt bởi thế hệ trẻ hơn làm việc tại thành thị và gửi tới bố mẹ hoặc ông bà họ tại khu vực nông thôn. Kết nối kinh tế mạnh giữa các thành viên gia đình là một trong những động lực chính cho mua sắm trực tuyến tại nông thôn.

Khuynh hướng tiếp theo trong TMĐT nông thôn: Sự nổi lên của hàng hóa nông sản

Bất chấp nhu cầu ngày càng tăng với hàng hóa nông sản tại thành thị, thương mại trực tuyến các sản phẩm nông sản vẫn là một thách thức do tính dễ hỏng, GTGT thấp và chi phí vận chuyển cao. Để giải quyết các thách thức này, Bộ Thương mại Trung Quốc đã ban hành những chính sách thúc đẩy sự tham gia của nông sản trong TMĐT và thành lập các hệ thống truy xuất trực tuyến cho các sản phẩm này. Nhờ hỗ trợ của chính phủ, nhiều gian hàng trực tuyến hiện đã bắt đầu bán các sản phẩm nông sản tươi.

Theo ITC (gappingworld.com)

 

 



Báo cáo phân tích thị trường