“Chúng tôi xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc vài năm qua”, theo Kanjana Yaemprai, chủ tịch Queen Frozen Fruit. “Nhu cầu lớn đối với sầu riêng Thái Lan diễn ra quanh năm nên chúng tôi bắt đầu sản xuất sầu riêng đông lạnh kể từ quý 4/2017. Chỉ trong quý 1/2018, chúng tôi đã có doanh thu tới 800 triệu Baht từ sầu riêng đông lạnh”.
Năm 2018, công ty dự báo xuất khẩu 400 containers sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, mức cao nhất kể từ năm 2015. Mỗi container có 7.000 quả sầu riêng. “Đây là cơ hội lớn cho sầu riêng Thái Lan tại Trung Quốc do loại trái cây này hiện đang rất nổi tiếng và được ưa chuộng tại 10 thành phố, bao gồm Thượng Hải, Bắc Kinh, Côn Minh, Thâm Quyến và Quảng Châu”, bà Kanjana cho biết.
Trong một động thái tiếp cận mạnh hơn tới các khách hàng Trung Quốc, công ty đã ký một biên bản ghi nhớ (MoU) với Beijing Jingdong Century Trade Co, công ty vận hành trang thương mại điện tử JD.com, để mua sầu riêng từ Queen Frozen Fruit và bán qua JD tại Trung Quốc. MoU này bao gồm sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh và sầu riêng chế biến cho JD. Các sản phẩm sầu riêng đông lạnh cung cấp cho JD với thương hiệu Peacock. Bà Kanjana không tiết lộ giá trị theo MoU.
Phát biểu tại chuyến thăm tới Thái Lan gần đây, James Ye, chủ tịch của JD Fresh thuộc JD Group, cho biết công ty sẽ mua hơn 2.500 trái sầu riêng cả tươi và đông lạnh từ Thái Lan trong năm 2018, với một phần đến từ Queen Frozen Fruit. “Sầu riêng Thái Lan đang trở nên rất được ưa chuộng đối với người tiêu dùng Trung Quốc trong vài năm vừa qua”, ông Ye cho biết. “Doanh thu sầu riêng Thái Lan bán trên trang JD.com năm 2017 tăng 4 lần so với năm 2016, và chỉ trong 4 tháng đầu năm 2018 tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017. Ước tính 300 triệu Trung Quốc đang chờ đợi để thưởng thức sầu riêng Thái Lan, và do đó chúng tôi đang đặt mục tiêu tăng nhập khẩu sầu riêng Thái Lan bán qua JD.com tai Trung Quốc thêm 100 lần trong 5 năm tới”. Trước đó, công ty đã mua sầu riêng Thái Lan từ 8 nhà cung cấp khác nhau.
Với sự ưa thích ngày càng tăng đối với sầu riêng Thái Lan, JD có kế hoạch tăng mua sầu riêng từ JD Central, liên doanh giữa JD và Central Group, trong nửa cuối năm 2017. Sầu riêng là sản phẩm đầu tiên mà công ty sẽ mua thông qua JD Central, cùng với mãng cầu xiêm, nhãn, dừa và gạo đóng gói trong thời gian tới.
Theo bà Kanjana, Queen Frozen Fruit cũng có kế hoạch lập liên doanh với SunMoon Distribution & Trading Pte Ltd tại Singapore, công ty con của Alibaba Group và Xing Ye Yuan Group, một công ty phân phối tại Trung Quốc, đang vận hành hoạt động giao nhận hàng trái cây. Mỗi bên sẽ nắm giữ 50% cổ phần trong liên doanh này.
Queen Frozen Fruit sẽ xử lý các nguồn hàng trái cây nhiệt đới Thái Lan, đặc biệt là sầu riêng, trong khi SunMoon sẽ chịu trách nhiệm marketing, vận hành mạng lưới 12 chuỗi bán lẻ tại Trung Quốc – bao gồm 400 cửa hàng Walmart, 100 Sam’s Clubs và 200 cửa hàng Carrefour – sẽ chịu trách nhiệm phân phối. Bà Kanjana cho biết Queen Frozen Fruit sẽ chi 700 – 800 triệu Baht để xây dựng 1 nhà máy trên diện tích 7 rai đất sau Talad Thai tại Pathum Thani. Nhà máy mới này sẽ bắt đầu sản xuất sầu riêng đông lạnh và chế biến trong tháng 10/2018. Công ty cũng có kế hoạch chi khoảng 1 tỷ Baht để xây dựng hai trung tâm phân phối trên diện tích 34 rai tại Chanthaburi và 10 rai tại Chumpon.
Queen Frozen Fruit hiện có 4 nhà máy sản xuất trái cây nhiệt đới cho cả tiêu dùng nội địa và xuất khẩu sang hơn 30 nước. Đối với sầu riêng, Trung Quốc chiếm 80% thị trường xuất khẩu của công ty, với Mỹ, Canada và các thị trường khác chiếm thị phần còn lại.
Công ty mua gần 200 tấn mỗi ngày từ nông dân trên khắp đất nước, nhưng lượng cung này không thể đáp ứng nhu cầu lên tới 400 – 500 tấn mỗi ngày. “Mặc dù Trung Quốc là cơ hội lớn, cạnh tranh đang ngày càng tăng từ nguồn cung trái cây Việt Nam”, bà Kanjana cho biết. “Chúng tôi cần thêm hỗ trợ từ phía chính phủ để thuận lợi xuất khẩu”.
Theo Bangkok Post (gappingworld.com)