CP Prima không chắc về triển vọng giá tôm thế giới
Nhà sản xuất tôm lớn của Indonesia Central Proteina Prima (CP Prima) không chắc chắn về nhận định khi nào giá tôm thế giới sẽ chạm đáy. Arianto Yohan, giám đốc CP Prima cho biết các nhà nhập khẩu Mỹ đang yêu cầu mức chiết khấu 10 – 20%. Năm 2017, Indonesia là nước cung cấp tôm lớn thứ hai cho thị trường Mỹ và thường theo sát diễn biến giá của nước cung cấp lớn nhất là Ấn Độ. Tại Indonesia, giá tôm nguyên liệu đang tăng, với giá cổng trại cho loại 50 con/kg, nguyên vỏ nguyên đầu (HOSO) dao động từ 4,89 – 5,04 USD/kg. “Giá tôm thế giới đang ở mức tương đương trước khi dịch bệnh tôm chết sớm (EMS) bùng phát năm 2013. Giá tôm đã đi trọn một chu kỳ giá”. Ông Yohan cho rằng giá tôm giảm là do tồn kho tại Mỹ cao. Dự báo diễn biến giá tôm trong thời gian tới rất khó, ông cho biết: “Chúng tôi đã cố gắng dự báo giá tôm năm 2017 và cho rằng giá sẽ tiếp tục tăng. Thực tế là giá tôm lại giảm”.
Indonesia nâng tiêu chuẩn thịt gia cầm để thúc đẩy xuất khẩu
Bộ Nông nghiệp Indonesia sẽ cải thiện chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm thủy sản thông qua triển khai các thực hành chăn nuôi tốt, các tiêu chuẩn phúc lợi đọng vật và chứng nhận thú y. Tính đến tháng 4/2018, một số công ty chăn nuôi gia cầm bao gồm Japfa Comfeed Indonesia, Sierad Produce, Charoen Pokphand Indonesia và Unggas Lestari Unggul đã bắt đầu xuất khẩu các sản phẩm gia cầm (thực phẩm chế biến, TACN và trứng). “Các thực hành chăn nuôi và các tiêu chuẩn là chìa khóa để khai phá các thị trường xuất khẩu mới”, theo I Ketut Diarmita, lãnh đạo cơ quan chăn nuôi và thú y Indonesia cho biết. Ông cho hay chứng chỉ sạch dịch cúm là một yếu tố quan trọng cho các sản phẩm gia cầm Indonesia giành được quyền tiếp cận thị trường quốc tế. Cho đến nay, Bộ Nông nghiệp Indonesia đã cấp chứng nhận cho 77 cơ sở chăn nuôi tại 9 tỉnh. Indonesia xây dựng 6 cơ sở cung cấp gà giống ông bà, 51 cơ sở cung cấp gà giống bố mẹ, 15 cơ sở chăn nuôi thương phẩm và 5 cơ sở ấp.
Masan chuẩn bị giới thiệu sản phẩm thịt lợn ướp lạnh tươi
Masan Customer Holdings (MCH) sẽ giới thiệu sản phẩm thịt sạch trong năm 2018. Hiện Masan đang hợp tác với một đối tác Hàn Quốc về công nghệ sản xuất các sản phẩm thịt này. “Sản phẩm thịt lợn ướp lạnh tươi được cung cấp từ chuỗi sản xuất khép kín của Masan. Để đảm bảo sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn, chúng tôi đã phát triển một tổ hợp sản xuất chăn nuôi lợn tại tỉnh Nghệ An với công suất 10.000 lợn nái, 100.000 lợn thịt hàng năm và chúng tôi cũng hợp tác với những nhà chăn nuôi quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu của chuỗi cung ứng thịt lợn Masan trong 3 năm tới”, theo ông Nguyễn Đăn Quang, chủ tịch kiêm sáng lập Masan Group. Phụ thuộc vào sự phục hồi của thị trường TACN, doanh thu thuần của Masan dự báo duy trì ở mức 859 – 878 triệu USD trong năm 2018.
Thái Lan trì hoãn nhập khẩu thịt lợn Mỹ
Bộ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác Nông nghiệp Thái Lan Kritsada Boonrat khẳng định nước này vẫn chưa có kết luận cuối cùng về cho phép nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ. Bộ này cần thêm ít nhất 1 năm để nghiên cứu tác động tới sức khỏe người tiêu dùng Thái Lan. Sau cuộc gặp với Đại sứ Mỹ tại Thái Lan Glyn T Davies, ông Kritsada cho biết: “Người Thái không chỉ tiêu dùng thịt mà còn tiêu dùng nội tạng lợn. Thịt lợn Mỹ bao gồm các chất kích nạc và chúng tôi không biết về tác động lâu dài của chất này”.
Theo Asian Agribiz (gappingworld.com)