Trên thị trường cà phê nội địa, giá quay đầu giảm trong tháng 5. So với cuối năm 2017, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên giảm 400 – 600 đồng/kg xuống còn 35.100 – 35.500 đồng/kg, đánh dấu mức giá thấp nhất trong gần 2 tháng qua. Giá cà phê giảm là do thời tiết tại Brazil đang rất thuận lợi cho vụ cà phê hiện tại. Bên cạnh đó, Indonesia đã bắt tay vào thu hoạch vụ mới, gây áp lực lên giá cà phê. Theo Bộ Nông nghiệp, người trồng cà phê Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng bán cà phê ở mức giá hiện hành.
|
Xuất khẩu nông sản chính trong tháng 5. Nguồn: Bộ Nông nghiệp. |
Dự báo, giá cà phê trong tháng 6 sẽ khó khởi sắc do hiện tại thị trường cà phê chưa thấy có tín hiệu làm giá cà phê đi lên. Nguồn cung cấp cà phê toàn cầu trong nửa cuối năm nay vẫn dồi dào. Các yếu tố thời tiết có thể đe doạ nguồn cung toàn cầu trong thời gian trung hạn và ngắn hạn nhưng khả năng không có tác động nghiêm trọng.
Tương tự, giá hồ tiêu trong nước cũng biến động theo xu hướng giảm trong tháng 5. So với cuối năm 2017, giá hồ tiêu tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Bà Rịa Vũng Tàu và Đồng Nai giảm 11.000 – 13.000 đồng/kg xuống còn 58.000 – 61.000 đồng/kg. Giá tiêu giảm do nguồn cung vẫn dồi dào trong khi nhu cầu yếu. Dự báo thị trường hồ tiêu trong tháng 6 vẫn trầm lắng do mâu thuẫn cung – cầu quá lớn.
|
Nhập khẩu nông sản chính trong tháng 5. Nguồn: Bộ Nông nghiệp |
Trong khi đó, giá điều nguyên liệu trên thị trường nội địa diễn biến trái chiều trong tháng này. Tại Bình Phước, giá điều tươi tiếp tục giảm 800 đồng/kg từ 30.000 đồng/kg xuống còn 22.000 đồng/kg; giá điều khô tăng 600 đồng/kg lên mức 47.000 đồng/kg. Tại Đồng Nai, giá hạt điều khô tăng 300 đồng/kg, từ 46.000 đồng/kg lên 49.000 đồng/kg. Giá điều nhân tại Bình Phước ổn định, với điều nhân loại W240 ở mức 285.000 đồng/kg; điều nhân loại W320 đạt 275.000 đồng/kg.
Lũy kế đến tháng 5, giá điều khô trong nước diễn biến không đồng nhất, với giá tăng tại Đồng Nai khoảng 700 – 800 đồng/kg, và giảm 300 – 400 đồng/kg tại Bình Phước.
Cao su nguyên liệu là nông sản duy nhất ghi nhận giá ổn định trong tháng 5, sau khi tăng nhẹ vào cuối tháng 4, ở mức 13.200 đồng/kg. Thị trường cao su Bình Phước đang chững vì cây cao su bước vào thời kỳ rụng lá, hoạt động khai thác mủ tạm dừng. Tính trong 5 tháng đầu năm, thị trường cao su trong nước diễn biến trầm lắng, giá mủ tăng khoảng 2.000 đồng/kg.
Theo báo cáo, thị trường cao su trong tháng 6 dự kiến không có sự biến động bởi hiện chưa có một dấu hiệu nào về biến động thị trường mặt hàng này.
Khối lượng xuất khẩu gạo, cà phê, hồ tiêu giảm mạnh trong tháng 5
Trong tháng 5, khối lượng xuất khẩu gạo đạt 452.000 tấn; cà phê 135.000 tấn; cao su 93.000 tấn; chè 9.000 tấn; hạt điều đạt 33.000 tấn; hồ tiêu 22.000 tấn; còn sắn và sản phẩm từ sắn 200.000 tấn.
Theo đó, khối lượng xuất khẩu gạo giảm 32,54%; cà phê giảm 16,67%; hồ tiêu giảm 21,43%. Trong khi, xuất khẩu cao su, sắn và các sản phẩm từ sắn tăng lần lượt 47,62% và 3,63%. Khối lượng xuất khẩu của chè không đổi so với tháng 4.
Tính đến tháng 5, khối lượng xuất gạo tăng 13,9% lên 2,66 triệu tấn; cà phê tăng 16% lên 820.000 tấn; cao su tăng 17,4% lên 424.000 tấn; chè giảm 12,3% xuống 44.000 tấn; hạt điều tăng 19,1% lên 139.000 tấn; hồ tiêu tăng 5,4% lên 108.000 tấn; sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 25,6% xuống 1,3 triệu tấn.
Báo cáo cho biết, giá xuất khẩu trung bình 4 tháng đầu năm của cà phê, cao su và hồ tiêu tiếp tục giảm, lần lượt giảm 14,8% xuống 1.936 USD/tấn; 27,1% xuống 1.469 USD/tấn; và 42% xuống 3.537 USD/tấn.
Ngược lại, giá xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm của gạo, chè và hạt điều đồng loạt tăng, lần lượt tăng 12,9% lên 503 USD/tấn; 7,9% lên 1.565 USD/tấn; và 6,4% lên 10.011 USD/tấn.
Nhập khẩu điều tăng đột biến 100% trong tháng 5
Theo đó, nhập khẩu lúa mì, cao su và hạt điều tăng trong tháng 5, với khối lượng nhập khẩu lúa mì tăng 25,1% lên 708.000 tấn; cao su tăng 12,2% lên 46.000 tấn; và hạt điều tăng mạnh 100% so với tháng 4 lên 104.000 tấn. Còn nhập khẩu đậu tương và ngô ngược lại ghi nhận giảm lần lượt 11,76% xuống 15.000 tấn; và 28,42% xuống 859.000 tấn.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng