Trong một nỗ lực cắt giảm chi phí và thúc đẩy các chính sách khác, nông dân sẽ nhận thấy các khoản trợ cấp giảm rõ rệt trong giai đoạn 2021 – 2027 khi tổng gói trợ cấp ở mức 365 tỷ Euros (438 tỷ USD), giảm 5% so với giá trị gói CAP hiện nay, tức chưa đến 30% tổng ngân sách 1.279 tỷ Euro, giảm từ tỷ trọng hơn 45% hồi 20 năm trước. “Để giải quyết khoảng trống do Brexit để lại và tài trợ cho các ưu tiên mới nổi lên, ngân sách CAP sẽ giảm 5%”, theo Ủy viên châu Âu về Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phil Hogan cho biết.
Pháp – cho tới nay là nước hưởng lợi lớn nhất từ CAP, cho rằng các đề xuất này là không thể chấp nhận được. “Đối với Stephane Travert, Bộ trưởng Nông nghiệp và Thực phẩm, mức cắt giảm mù quáng, cực lớn này đơn giản không thể chấp nhận được”, thông cáo báo chí của Bộ này phẫn nộ cho hay. “Đề xuất này đặt ra rủi ro chưa từng có tiền lệ với sự thịnh vượng của nông nghiệp khi gây thiệt hại nghiêm trọng cho thu nhập của nông dân – những người mà trợ cấp trực tiếp là lưới an sinh thiết yếu. Pháp không chấp nhận bất cứ động thái giảm trợ cấp trực tiếp nào cho nông dân”.
Trong các đề xuất – cần được tất cả các nước thành viên thông qua – các nước EU sẽ phải giới hạn trợ cấp cho các trang trại lớn hoặc áp mức thanh toán giảm dần phụ thuộc vào quy mô trang trại, với phần còn lại được tái phân bổ cho các trang trại quy mô vừa và nhỏ. “Trợ cấp trực tiếp cho nông dân sẽ tiếp tục là một phần không thể thiếu của chính sách này, nhưng sẽ được tinh giản và xác định đối tượng tốt hơn”, Ủy ban châu Âu viết trong đề xuất. Các mức trợ cấp trực tiếp trên mỗi ha cho các nước thành viên sẽ tiếp tục được dồn về mức trung bình của EU.
Ủy ban cũng đặt mục tiêu đưa ra các điều kiện lớn hơn đối với trợ cấp trực tiếp, với một phần lớn của gói trợ cấp sẽ được sử dụng để hành động hướng tới các vấn đề thời tiết, môi trường và phát triển nông thôn. “Hệ thống này sẽ cung cấp sự linh động lớn hơn cho các nước thành viên, cho phép họ đặt các mục tiêu môi trường tốt hơn và tham vọng hơn”.
Đề xuất này cũng mở rộng phạm vi hoạt động cho các nước thành viên tự tính toán, nhưng bị các liên đoàn nông nghiệp chỉ trích do ý tưởng ban đầu của CAP là một chính sách chung. Ủy ban cũng đề xuất một quỹ dự phòng mới để giải quyết các cuộc khủng hoảng lớn do các diễn biến bất thường trên thị trường quốc tế.
Nông dân ở khắp các ngành nông nghiệp từ sữa tới ngũ cốc và đường, đã chịu thiệt hại lớn do giảm mạnh doanh thu trong những năm gần đây khi tình trạng dư cung liên tục diễn ra trên thị trường thế giới. Một nhóm nông dân EU COPA-COGECA, phản ứng trên Twitter, bày tỏ “sự thất vọng lớn với đề xuất cắt giảm này. “Một khoản ngân sách lớn là cần thiết cho một nền nông nghiệp EU hiện đại, bền vững”.
Theo Reuters (gappingworld.com)