Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trung Quốc trì hoãn công bố dữ liệu thương mại, chuẩn bị cho chiến lược mới
02 | 06 | 2018
Hơn 1 tuần qua, các nhà giao dịch hàng hóa trong tâm trạng chờ đợi việc Trung Quốc công bố dữ liệu xuất nhập khẩu hàng tháng muộn so với lịch trình thông thường, khiến nhiều nhà quan sát thị trường bối rối và làm dấy lên những đồn đoán về nguyên nhân chậm công bố. Trung Quốc là nước nhập khẩu hàng đầu thế giới các mặt hàng dầu mỏ, kim loại và các loại ngũ cốc. Việc chậm trễ công bố dữ liệu thương mại kéo dài diễn ra vào thời điểm các nhà đàm phán thương mại Mỹ sẽ nhóm họp tại Bắc Kinh trong vòng đàm phán mới nhằm tránh một cuộc chiến thương mại không ai thắng.

Dữ liệu tháng 4 ban đầu dự kiến công bố vào ngày 23/5, sẽ cho thấy mức độ tác động thương mại kể từ khi Washington và Bắc Kinh leo thang các đe dọa ăn miếng trả miếng, cuốn theo hàng loạt các hàng hóa vào cuộc chiến thương mại, bao gồm đậu tương, hạt kê và ngô. Các nhà giao dịch cho rằng dữ liệu chính thức tháng 4 sẽ cho thấy Trung Quốc đã ngừng mua các hàng hóa nông sản Mỹ hoặc bắt đầu chuyển sang tăng mua từ các nước khác, như Brazil, Nga và Úc.

Công ty chuyên thu thập và bán dữ liệu, China Cuslink Co Ltd, do các cơ quan hải quan vận hành, được yêu cầu hoãn công bố vô thời hạn bởi các nguyên nhân kỹ thuật, theo 3 lãnh đạo công ty đồng thuận cho hay. Một trong số 3 lãnh đạo này cho biết các chỉ đạo này đến từ các cơ quan hải quan, trong khi một người khác cho biết chỉ đạo này dến từ một cơ quan nhà nước khác. Người phát ngôn Tổng cục Hải quan Trung Quốc xác nhận việc hoãn công bố thông tin nhưng không đưa ra lý do.

Do thời điểm nhạy cảm của việc hoãn công bố dữ liệu thương mại, một số nhà giao dịch cho rằng Bắc Kinh có thể muốn giấu diếm số liệu thống kê làm giảm vị thế đàm phán của nước này với Mỹ.

Nhưng Michael Mao, nhà phân tích cấp cao ngành năng lượng tại China Sublime Information Group, lại đặt ra câu hỏi về mối liên hệ này. “Nếu Bắc Kinh muốn điều chỉnh dữ liệu tháng 4 để tạo thuận lợi cho các cuộc thảo luận thương mại, động thái này sẽ không mang lại kết quả như mong đợi bởi nhiều lý do rõ ràng. Nếu dữ liệu chính thức và số liệu vận tải hàng hóa không khớp, các nhà phân tích đủ thông minh để cáo buộc rằng chính phủ đã lũng đoạn dữ liệu chính thức”.

Các công ty cung cấp dữ liệu, các công ty truyền thống và các hãng tư vấn phải trả tiền để có số liệu thương mại chính thức, cung cấp số liệu chi tiết theo xuất xứ và các thị trường xuất khẩu tất cả các hàng hóa từ hạt kê tới khí tự nhiên và thép. Ông Mao cho rằng các đồn đoán đang lan khắp thị trường rằng Bắc Kinh đang xem xét việc ngừng bán dữ liệu cho một số công ty.

Các nhà giao dịch và phân tích tìm cách sử dụng dữ liệu thương mại này để vạch ra các chiến lược giao dịch bày tỏ sự lo ngại về việc trì hoãn và thiếu thông tin như hiện nay. “Việc trì hoãn công bố dữ liệu vì lý do chính trị thật chẳng ra sao”, một cựu giao dịch dầu mỏ tại Bắc Kinh phát biểu.

Không có gì bất thường nếu dữ liệu công bố muộn 1 – 2 ngày, và nhiều nhà phân tích lẫn chuyên gia thương mại từ lâu đều nghi ngờ tính chính xác của dữ liệu kinh tế chính thức từ Trung Quốc.

Việc trì hoãn công bố dữ liệu diễn ra khi các cơ quan hải quan Trung Quốc đang trải qua một đợt cải tổ lớn, được giao thêm các chức năng bổ sung, bao gồm quản lý an toàn nhập khẩu, trước đây thuộc trách nhiệm của một cơ quan khác, trong một nỗ lực đưa các cơ quan hoạch định chính sách Trung Quốc trở nên hiệu quả hơn. Dù vậy, việc trì hoãn không thời hạn công bố dữ liệu mà không có nguyên do rõ ràng là cực kỳ hiếm xảy ra, các chuyên gia cho hay.

Các số liệu sơ bộ cho thấy tổng các luồng xuất nhập khẩu công bố hồi đầu tháng này cho thấy sự biến động các luồng thương mại ngũ cốc, như hạt kê, vốn bị tác động tạm thời bởi các chính sách chống bán phá giá từ phía Trung Quốc.

Việc chờ đợi Trung Quốc công bố dữ liệu diễn ra khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross sắp sửa tới Bắc Kinh để thảo luận về giảm mức thặng dư thương mại trị giá 375 tỷ USD của Trung Quốc, một nỗ lực mà Washington hy vọng sẽ dẫn đến việc Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu hàng hóa nông sản và năng lượng Mỹ. Ông Ross sẽ ở Bắc Kinh từ ngày 2 – 4/6. Hôm 30/5, một phái đoàn gồm hơn 50 nhà chức trách Mỹ đã tới thủ đô của Trung Quốc để tham gia các cuộc thảo luận, theo Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay.

Michael Lion, chủ tịch Lion Consulting Asia tại Hong Kong, cho rằng việc trì hoãn công bố dữ liệu có thể là một quyết định chiến lược khi các cuộc thảo luận thương mại tiếp tục diễn ra. “Điều này không xa lạ gì với tôi khi các nhà chức trách Trung Quốc giữ rịt thông tin mà họ cho rằng có thể được các đối tác sử dụng trong các cuộc đàm phán”. Thậm chí một số nhà giao dịch đã từ bỏ việc chờ đợi kéo dài, như một nhà giao dịch dầu mỏ than thở: “Các cơ quan hải quan có thể sẽ hoãn công bố dữ liệu cho tới khi Trung Quốc giải quyết xong tranh chấp thương mại với Mỹ”.

Theo Reuters (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường