Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chung tay tái canh cây cà phê Tây Nguyên: Khó nhất là vốn!
04 | 06 | 2018
Thủ phủ cà phê Tây Nguyên, phần lớn được trồng từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, đến nay đã có tuổi đời từ 25 đến trên 30 năm. Nhiều vườn đã già cỗi, thoái hóa, năng suất, chất lượng thấp.

Việc tái canh, cải tạo vườn cây là nhu cầu hết sức bức thiết mà cả nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông cần chung tay…

Phần lớn các công ty cà phê ở Tây Nguyên (thuộc Tổng Cty cà phê Việt Nam) đều có nhu cầu tái canh vườn cây. Tuy nhiên, vốn phục vụ tái canh vẫn là bài toán khó.

Nỗ lực tái canh

Một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc triển khai chương trình tái canh vườn cà phê, phải kể đến Cty TNHH MTV Cà phê 706 (sau đây gọi tắt là Cty 706). Tổng diện tích vườn cây của công ty là 722 ha, trong đó có 520 ha đang trong thời kỳ kinh doanh. Đứng chân trên địa bàn xã Ia Sao (huyện Ia Grai, Gia Lai), Cty 706 có nhiều lợi thế bởi đây là vùng đất rất thích hợp đối với cây cà phê. Suốt một thời gian dài, những vườn cà phê nơi đây đã làm thay đổi rất lớn diện mạo nông thôn vùng sâu, tạo nên những thị tứ sầm uất, những con đường nhựa, đường bê tông trải dài, vắt qua thảo nguyên mênh mông, đưa đến cho người dân cuộc sống no đủ, thậm chí là sung túc...

Tuy nhiên, cây cà phê cũng có... "thì" - như Giám đốc Cty Lê Trung Nguyên nói. Theo ông Nguyên thì cà phê của Cty chủ yếu được trồng từ năm 1982 - 1984. Thời đó, giống cây chưa được chuẩn, kỹ thuật cũng chưa được như bây giờ, vườn cây chủ yếu trên 30 năm tuổi, phần lớn đã thoái hóa, cho năng suất thấp... Do đó, nhu cầu tái canh của Cty là... toàn bộ diện tích vườn cây. Ngay từ năm 2006, Cty 706 đã chủ động triển khai công tác tái canh vườn cây. Đến nay, đã thực hiện tái canh được 540 ha, trong đó có 340 ha cà phê tái canh đã đi vào kinh doanh, còn khoảng 180 ha mà theo Giám đốc Nguyên: "Sẽ hoàn thành vào năm 2020".

Nhận xét về vườn cây tái canh của Cty, ông Lê Trung Nguyên cho biết: Do thực hiện nghiêm túc các khâu trong kỹ thuật tái canh, nguồn giống đảm bảo nên diện tích tái canh của Cty phát triển và sinh trưởng tốt. Đối với diện tích đã cho thu hoạch thì năng suất đạt cao, 20 - 25 tấn quả tươi/ha (khoảng 5 tấn nhân/ha). Có một vài vườn, năng suất chỉ đạt 14 - 15 tấn quả tươi/ha, do ngoài suất đầu tư của Cty, hộ nhận khoán không có khả năng đầu tư thêm nên vườn cây phát triển hạn chế.

Cũng đứng chân trên địa bàn huyện Ia Grai, Cty TNHH MTV Cà phê Ia Grai có 7 đội sản xuất và Nông trường Cà phê Chư Prông. Tổng số lao động hơn 1.000, trong đó có gần 400 công nhân lao động là đồng bào dân tộc thiểu số. Cty quản lý trên 1.500 ha cà phê, trong đó cà phê của Cty 1.008 ha, còn lại là cà phê hộ gia đình công nhân. Trong 1.008 ha cà phê tập thể của Cty có 300 ha được trồng từ những năm 1982 đến năm 1987 (đã qua 25 đến 30 năm khai thác). Để đảm bảo năng suất chất lượng vườn cây, đảm bảo thu nhập cho người lao động thì diện tích này bắt buộc phải thực hiện tái canh. 2008 là năm đầu tiên, Cty tái canh được 30 ha cà phê già cỗi. Đến nay, Cty đã thực hiện tái canh trồng mới được 133,445 ha cà phê.

Ông Nguyễn Văn Phú - Giám đốc Cty, cho biết: Vườn cây tái canh sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 97%, trong đó đã có hơn 100 ha đưa vào kinh doanh, năng suất đạt bình quân 3,5 tấn nhân/ha. Đặc biệt có một số diện tích đạt trên 4 tấn nhân. Nhìn chung, kết quả tái canh đã mang lại hiệu quả cao, cả về mặt kinh tế lẫn xã hội.  

Khó chung: Vốn!

Giám đốc Cty Cà phê 706 - ông Lê Trung Nguyên, cho biết: Công ty là một trong những đơn vị có thâm niên trồng và thực hiện tái canh cà phê, người lao động ở đây lại rất cần cù. Do vậy vấn đề tái canh sẽ rất thuận tiện, nếu giải quyết được bài toán về vốn. Tại vườn cây của Cty 706, để thực hiện tái canh cho 1 ha cà phê, cần đến 220 - 240 triệu đồng. Cũng theo Giám đốc Nguyên thì hiện Cty đang quan hệ với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, chịu lãi suất cao. Trả lời câu hỏi "Sao không quan hệ với hệ thống Ngân hàng NN-PTNT?", ông Nguyên cho biết: Đơn vị không thể tiếp cận được với nguồn vốn từ hệ thống Ngân hàng NN-PTNT bởi ngay từ đầu, đơn vị đã quan hệ với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, toàn bộ tài sản đã thế chấp vào đây. "Mà tài sản của công ty duy nhất chỉ là vườn cây! Tôi mong muốn Nhà nước và ngành Ngân hàng "gỡ" giúp cho bài toán này, để công ty sớm hoàn thành tốt nhiệm vụ tái canh" - ông Nguyên nói.

Không khác gì Cty 706 hoặc các công ty khác trong vấn đề tái canh vườn cà phê, ở Cty TNHH MTV Cà phê Ia Grai, cái khó nhất trong quá trình thực hiện tái canh vẫn là vốn. Giám đốc Cty TNHH MTV Cà phê Ia Grai - ông Nguyễn Văn Phú: "Đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương và các ngân hàng thương mại có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người trồng cà phê được vay vốn ưu đãi, lãi suất thấp. Hiện đang cho vay lãi suất vẫn còn quá cao, thời gian vay từ 7 - 10 năm, mà 4 năm ngân hàng đã thu hồi vốn vay thì việc thu hồi vốn là quá nhanh!".

Theo NNVN



Báo cáo phân tích thị trường