Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhập khẩu thủy sản của Mỹ năm 2017 cao kỷ lục
26 | 06 | 2018
Năm 2017, nhập khẩu thủy sản của Mỹ đã phá vỡ mọi kỷ lục trong lịch sử và thâm hụt thương mại ngành thủy sản Mỹ tiếp tục tăng lên, theo dữ liệu liên bang cho thấy.

Nhập khẩu thủy sản năm 2017 của Mỹ đạt 3 triệu tấn, trị giá 21,5 tỷ USD, theo dữ liệu của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) chuyên theo dõi ngành thủy sản Mỹ. Mỹ cũng xuất khẩu 1,8 triệu tấn thủy sản, trị giá khoảng 6 tỷ USD. Thâm hụt thương mại thủy sản diễn ra vào thời điểm Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, lãnh đạo cao nhất của cơ quan liên bang này bao gồm cả NOAA, đặt mục tiêu giảm thâm hụt làm ưu tiên của chính phủ.

Mỹ là thị trường của nhiều thủy sản thương phẩm chính như cá hồi Thái Bình Dương, tôm hùm New England và cá Pollock Alaska, nhưng nhập khẩu thủy sản chiếm hơn 90% tổng tiêu dùng nội địa Mỹ. Ông Ross và các nhà chức trách khác trong ngành thủy sản Mỹ đang tìm các chiến lược mới để cắt giảm thâm hụt, bao gồm tăng cường nuôi trồng thủy sản nội địa, theo người phát ngôn NOAA Jennie Lyons cho hay. Mỹ giao thương thủy sản với các nước trên khắp thế giới và các nước cung cấp chính cho thị trường thủy sản Mỹ bao gồm Canada, Trung Quốc và Chile; trong khi đó, các khách hàng chính của ngành thủy sản Mỹ bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Mặc dù ngư dân Mỹ có nhiệt tình với ngành thủy sản thương phẩm, điều quan trọng cần nhán mạnh là thủy sản nội địa và nhập khẩu đều là các thành phần quan trọng của chuỗi cung ứng và mang lại hàng ngàn việc làm cho nền kinh tế Mỹ, theo Gavin Gibbons, người phát ngôn cho National Fisheries Institute cho biết thêm rằng mất cân bằng thương mại không gây ra bởi tình trạng thiếu nguồn cung khai thác thủy sản từ các vùng nước của Mỹ, xét đến thông tin từ NOAA vào mùa xuân vừa qua cho biết nguồn lợi thủy sản bị khai thác quá mức đã giảm xuống mức thấp kỷ lục. “Nguồn lợi thủy sản đang được khai thác ở mức bền vững tối đa. Để cung ứng thủy sản cho người tiêu dùng Mỹ và nguồn cung nguyên liệu cho ngành chế biến tạo công ăn việc làm, chúng ta phải có nguồn thủy sản nhập khẩu”.

Một số mặt hàng thủy sản mà người tiêu dùng Mỹ đặc biệt ưa chuộng là cá hồi, cá ngừ và tôm, phụ thuộc lớn vào nguồn nhập khẩu để cung cấp cho các thị trường và các nhà hàng Mỹ. Một số loại thủy sản, như tôm hùm, được khai thác tại Mỹ và xuất khẩu sang các thị trường khác có công suất chế biến cao hơn, sau đó được tái xuất vào thị trường Mỹ. Do vậy, Mỹ và các đối tác thương mại phụ thuộc lẫn nhau để thỏa mãn nhu cầu quốc tế đối với các sản phẩm thủy sản, theo Geoff Irvine, giám đốc điều hành của Lobster Council tại Canada cho biết. “Quan hệ thương mại của chúng tôi cực kỳ phát triển, đó thực sự là một biểu tượng”.

Mỹ đang tăng mạnh nhập khẩu một số loại thủy sản trong những năm gần đây do nguồn cung nội địa cạn kiệt. Một ví dụ điển hình là cá tuyết Đại Tây dương, từng có sản lượng rất cao tại New England. Ngành khai thác thủy sản này đã sụp đổ do khai thác quá mức và những thay đổi về môi trường. Năm 2017, nhập khẩu cá tuyết của Mỹ đạt giá trị hơn 500 triệu USD, tăng từ mức chỉ hơn 100 triệu USD từ năm 2014, và nguồn cá tuyết từng cung ứng từ Massachusetts nay được thay thế bằng nguồn cung từ các nước như Iceland và Na Uy.

Xuất khẩu các loại thủy sản khác, như tôm hùm, tăng do các thị trường mới nổi tại châu Á có nhu cầu tốt, theo  Mike Tourkistas, nhà sáng lập East Coast Seafood tại Topsfield, Massachusetts. Xuất khẩu tôm hùm đã tăng hơn 250 triệu USD kể từ năm 2007, chủ yếu nhờ tăng trưởng nhu cầu tại Trung Quốc. “Với tôm hùng, chúng tôi biết rằng mình đã thu được món hời lớn”.

Theo Associated Press (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường