Giá xuất khẩu liên tục lao dốc
Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu hạt điều tháng 7 đạt 30.000 tấn, trị giá 267 triệu USD, giảm 7,2% về lượng và giảm 8,9% về trị giá so với tháng 6. So với cùng kỳ năm 2017, xuất khẩu hạt điều giảm 18,1% về lượng và giảm 29,5% về trị giá.
Tính chung 7 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt điều đạt 205.000 tấn, trị giá 1,96 tỷ USD, tăng 9,4% về lượng và tăng 6,5% về trị giá so với 7 tháng năm 2017.
Giá điều xuất khẩu bình quân mặt hàng hạt điều tháng 7 đạt 8.900 USD/ tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2016, giảm 1,9% so với tháng 6, và giảm 13,9% so với cùng kỳ năm 2017.
Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 7/2018, giá xuất khẩu bình quân hạt điều đạt khoảng 9.582 USD/tấn, giảm 2,7% so với 7 tháng năm 2017.
Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm thị phần lần lượt là 38,1%, 12,9% và 10,5%.
Trên thực tế, Bộ NN&PTNT nêu rõ, không phải chỉ riêng giá xuất khẩu điều nhân trong tháng 7 giảm so với tháng 6 mà giá hạt điều xuất khẩu ghi nhận liên tiếp giảm từ đầu năm đến nay. Tình trạng giảm giá cộng với nguồn cung thiếu hụt khiến cho nhiều doanh nghiệp chế biến trong nước phải tạm dừng hoạt động.
Dự báo trong những tháng cuối năm, thị trường xuất khẩu điều nhân Việt Nam sẽ thuận lợi. Theo yếu tố chu kỳ, các nhà nhập khẩu thường đẩy mạnh mua nhân điều phục vụ cho nhu cầu tăng cao vào cuối năm.
Liên quan tới câu chuyện xuất khẩu hạt điều, Bộ An toàn thực phẩm Hàn Quốc vừa ra thông báo, bước sang năm 2019 quốc gia này sẽ áp dụng hệ thống quản lý danh mục dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với sản phẩm nông sản nhập khẩu, trong đó có hạt điều của Việt Nam.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đánh giá: Đây là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp sản xuất và chế biến điều xuất khẩu trong nước. Yêu cầu đặt ra cho các doanh nghiệp là cần nắm bắt kịp thời cơ chế chính sách của các nước nhập khẩu lớn, nâng cao giá trị sản phẩm.
Hướng đi nào cho hạt điều
Hiệp hội Điều Việt Nam, khó chồng khó nên nhiều doanh nghiệp (DN) đã phải đóng cửa. Tại Bình Phước, 70% - 80% số nhà máy chế biến hạt điều ngừng hoạt động. Ở tỉnh Long An, trong tổng số 33 cơ sở, thì hiện chỉ còn 12 cơ sở hoạt động cầm chừng. Tính chung trên phạm vi cả nước, có khoảng 80% nhà máy, cơ sở chế biến điều đã tạm dừng hoạt động. Đa số các nhà máy chế biến hạt điều phải đóng cửa đều là các DN, cơ sở nhỏ lẻ, không có sự liên kết hay sáp nhập nên khó cạnh tranh trên thị trường.
Dù Hiệp hội Điều Việt Nam khẳng định, hầu hết các DN đóng cửa là DN nhỏ, sức cạnh tranh kém, hoạt động tự phát nên gặp rủi ro khi thị trường biến động, nhưng thực trạng này cũng đặt ra yêu cầu cấp bách về việc Việt Nam phải tìm cách chủ động hơn về nguồn nguyên liệu, tránh phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu. Chưa kể, châu Phi là khu vực mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất, cũng đang hướng đến việc tự sản xuất điều nhân chứ không xuất điều thô nữa, gây áp lực lên nguồn cung nguyên liệu cho các DN trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia, để giải quyết thực trạng này, giải pháp quan trọng là phải hình thành được các chuỗi liên kết giữa DN và các vùng nguyên liệu. Hiện nay, chỉ tính riêng ở Bình Phước, nhiều DN thành lập các hợp tác xã trồng điều sạch, điều organic để phục vụ cho XK. Đây cũng là một hướng đi nhằm phát triển mạnh về chất cho ngành điều Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Điều Việt Nam đang nỗ lực vận động DN thực hiện truy suất nguồn gốc từ trang trại đến bàn ăn, sản xuất sạch hơn, chế biến sâu hơn, phát triển mạnh hơn thị trường nội địa. Bên cạnh đó, xây dựng các nhà máy lớn, chú trọng đầu tư cho thương hiệu, từ đó nâng cao giá trị hạt điều, định vị thương hiệu điều Việt Nam trên thế giới, đưa giá trị thương mại của toàn ngành lên khoảng 4 tỷ USD trong năm 2019.
Trước tình hình giá điều nhân xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang trong xu hướng giảm, cơ quan quản lý khuyến cáo các doanh nghiệp chế biến trong nước cần giảm công suất, liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao, tập trung vào chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp