Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bản tin phân tích thị trường hạt điều tháng 7/2018
03 | 08 | 2018
Bản tin phân tích thị trường hạt điều tháng 7/2018

Trong tháng 7/2018, xuất khẩu điều nhân ước đạt 27 nghìn tấn với giá trị 238 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu điều nhân 7 tháng đầu năm ước đạt 202 nghìn tấn với giá trị 1,94 tỷ USD, tăng 7,7% về lượng và 5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm thị phần lần lượt là 38,1%, 12,9% và 10,5% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều. Sáu tháng đầu năm 2018, ngoại trừ Hà Lan và Úc, tất cả các thị trường xuất khẩu hạt điều chính của Việt Nam đều tăng mạnh.

Nhập khẩu điều thô tháng 7/2018 của Việt Nam ước đạt 174 nghìn tấn tương đương 323 triệu USD đưa tổng khối lượng và giá trị hạt điều nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm 2018 đạt 700 nghìn tấn và giá trị đạt 1,46 tỷ USD, giảm 22% về khối lượng và giảm 15,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Tính đến giữa tháng 7, giá điều nhân trên thị trường thế giới không có nhiều biến động. Tại cảng Delhi của Ấn Độ, giá điều nhân loại WW180 và loại WW210 ổn định ở 15.700 USD/tấn và mức 14.200 USD/tấn so với giữa tháng 6/2018; giá điều nhân vỡ hai mảnh giao dịch ở mức 10.900 USD/tấn, giảm nhẹ 0,11% so với giữa tháng 6/2018.

Giá xuất khẩu bình quân mặt hàng điều nhân Việt Nam trong tháng 7 đạt 8.895 USD/tấn, giảm 173 USD/tấn (giảm 1,9%) so với tháng 6. Trong khi đó, giá điều nhân ở thị trường trong nước lại diễn biến trái chiều. Giá điều nhân tại Bình Phước tăng nhẹ, với điều nhân loại W240 tăng 5.000 đồng/kg lên mức 290.000 đồng/kg; điều nhân loại W320 tăng 10.000 đồng/kg lên mức 285.000 đồng/kg.

Theo cập nhật thị trường, Bộ An toàn thực phẩm Hàn Quốc cũng vừa ra thông báo, bước sang năm 2019 quốc gia này sẽ áp dụng hệ thống quản lý danh mục dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đối với sản phẩm nông sản nhập khẩu trong đó có hạt điều của Việt Nam. Đây là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp sản xuất và chế biến điều xuất khẩu trong nước. Yêu cầu đặt ra cho các doanh nghiệp là cần nắm bắt kịp thời cơ chế chính sách của các nước nhập khẩu lớn, nâng cao giá trị sản phẩm thông qua tạo vùng nguyên liệu chất lượng cao, tập trung chế biến sâu sản phẩm để không mất đi tính cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Lưu ý:

Doanh nghiệp cần nắm bắt kịp thời cơ chế chính sách của các nước nhập khẩu lớn, đặc biệt quan tâm đến những tiêu chuẩn về dư lượng thuốc BVTV, nâng cao giá trị sản phẩm thông qua tạo vùng nguyên liệu chất lượng cao, tập trung chế biến sâu sản phẩm để tăng cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Theo IPSARD - MARD



Báo cáo phân tích thị trường