Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thời hoàng kim của hạt tiêu Kampot
16 | 11 | 2017
Hiệp hội Xúc tiến Hạt tiêu Kampot đã xuất khẩu 60 tấn hạt tiêu Kampot trong 9 tháng đầu năm 2017 và đặt mục tiêu sẽ xuất khẩu 80 tấn trong cả năm 2017.

Sản lượng tăng nhờ thời tiết thuận lợi và diện tích trồng mới tăng góp phần vào xuất khẩu hạt tiêu Kampot tăng mạnh trong năm 2017, theo Ngoun Lay, chủ tịch Hiệp hội cho biết. “Sản xuất hạt tiêu năm 2017 tốt hơn so với những năm trước đó do điều kiện thời tiết thuận lợi, mưa nhiều vào đầu năm. Số cây tiêu bắt đầu cho thu hoạch cũng tăng, củng cố mức tăng sản lượng”, ông Lay cho biết chi tiết.

Ông Lay cho biết thêm phần lớn sản lượng hạt tiêu mà Hiệp hội thu hoạch sẽ được xuất khẩu, với chỉ một phần nhỏ được giữ lại để cung ứng cho thị trường nội địa. Trong 9 tháng đầu năm 2017, EU, Mỹ và Nhật Bản là các thị trường lớn nhất của hạt tiêu Kampot. “Đến cuối năm 2017, chúng tôi kỳ vọng sẽ xuất khẩu được ít nhất 80 tấn nhờ sản lượng tăng”.

Hiệp hội đã xuất khẩu khoảng 60 tấn hạt tiêu trong những năm 2004 và 2005. Tuy nhiên, chỉ 53 tấn được xuất khẩu trong năm 2016 do điều kiện thời tiết bất lợi, bao gồm hạn hán nghiêm trọng trên khắp cả nước. Hạt tiêu đen Kampot có giá 15.000 USD/tấn, hạt tiêu đỏ và hạt tiêu trắng có giá lần lượt là 25.000 USD/tấn và 28.000 USD/tấn.

Đất phân bổ cho trồng hạt tiêu Kampot đã liên tục tăng từ năm 2009, khi Hiệp hội được thành lập, tăng từ 10ha năm 2009 với 100 nông dân lên 210ha năm 2017 và 387 nông dân tham gia.

Hạt tiêu Kampot đã được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý (GI) từ EU vào năm 2015, qua đó đảm bảo một mức giá nhất định trên các thị trường quốc tế. Tuy nhiên, các chuyên gia ngành cho rằng hạt tiêu Kampot còn có thể xuất khẩu với giá cao hơn nhiều nếu nhận được chứng nhận hữu cơ.

Song Saran, CEO của Amru Rice, công ty có 200 nông dân trên diện tích hơn 300ha hoạt động theo mô hình hợp đồng nông nghiệp, cho biết các kỹ thuật trồng hồ tiêu hữu cơ có thể khó triển khai do yêu cầu nhiều lao động có kỹ thuật cao. “Có chứng nhận hữu cơ có thể giúp giảm tình trạng dư cung, mở rộng thị trường và bán giá cao gấp đôi hiện nay. Nhưng nông dân cần được tập huấn nghiêm ngặt về các kỹ thuật mới”.

Ông Lay của Hiệp hội xúc tiến hạt tiêu Kampot cũng nghĩ rằng các kỹ thuật canh tác hữu cơ có thể quá đắt đỏ để đưa vào thực tế. “Các nhà giao dịch và các công ty xuất khẩu hạt tiêu muốn các sản phẩm hạt tiêu có nhãn hiệu hữu cơ bởi giúp tăng mạnh doanh thu. Tuy nhiên, chỉ có các trang trại lớn mới có thể nộp hồ sơ xét các chứng nhận như vậy bởi quy trình quá đắt đỏ”.

Hạt tiêu được trồng tại 19 tỉnh trên khắp cả nước, với Tbong Khmom, tỉnh miền Đông có biên giới với Việt Nam, đóng góp 75% tổng sản lượng hạt tiêu. Trong năm 2017, sản lượng hạt tiêu của Campuchia được dự báo tăng 70% so với năm 2016, từ 11.800 tấn năm 2016 lên 20.000 tấn năm 2017, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Campuchia.

Theo Khmer Times (gappingworld.com)

 



Báo cáo phân tích thị trường