Sản xuất hồ tiêu sạch
Hơn 5 năm qua, gia đình ông Nguyễn Ngọc Thắng (thôn Hòa Bình, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) chuyên tâm trồng 3.000 trụ hồ tiêu giống Vĩnh Linh trên diện tích 1,5 ha theo phương thức sử dụng giá thể sống và phân hữu cơ vi sinh. Ông Thắng trồng cây keo Cuba làm trụ thể cho hồ tiêu leo, đồng thời tận dụng lá cây keo làm thức ăn cho đàn dê 20 con.
|
Vườn rau sạch của Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú. Ảnh: Đức Thụy |
Lượng phân dê lại được tái sử dụng bằng cách ủ men vi sinh, trộn bùn trấu theo tỷ lệ thích hợp để bón lại cho cây. 2 vụ vừa qua, mỗi vụ gia đình ông thu 5-6 tấn hạt tiêu khô/1.300 trụ hồ tiêu kinh doanh. Theo chia sẻ của ông Thắng, mỗi trụ hồ tiêu cần được bón phân 3 lần/năm và chỉ sử dụng loại phân hữu cơ sinh học hiệu Ong Biển, sản xuất chuyên dùng cho cây hồ tiêu để dưỡng cây, tăng đề kháng và cho nhiều trái. Với mô hình này, việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật chăm sóc là cần thiết để đảm bảo cây sạch bệnh, sinh trưởng phát triển ổn định, cho sản lượng tốt. Đồng thời, không được lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật vì cây hồ tiêu được trồng trên giá thể sống, tận dụng lá cây để nuôi đàn dê.
Cũng triển khai trên địa bàn huyện Chư Pưh là dự án trồng rừng xen cây hồ tiêu, kết hợp chăn nuôi do Tập đoàn Olam đầu tư tại địa bàn xã Ia Le với tổng vốn đầu tư lên đến 400 tỷ đồng trên tổng diện tích đất 697,54 ha. Quy mô của dự án bao gồm 325 ha hồ tiêu kinh doanh; vườn giống hồ tiêu đầu dòng diện tích 1 ha/9.950 trụ, năng lực sản xuất 1.500.000 hom/năm và 2 nhà kính có diện tích 0,5 ha. Đối với vườn hồ tiêu kinh doanh được sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân và phòng trừ sâu bệnh hại bằng công nghệ Israel; hệ thống máy cảm biến theo dõi sinh trưởng phát triển của cây hồ tiêu, theo dõi độ ẩm đất, nhu cầu lượng nước của mỗi cây; vườn cây sạch bệnh, năng suất mục tiêu là 6 tấn/ha. Đối với vườn cây ươm giống được doanh nghiệp đầu tư vốn 9 tỷ đồng. Vườn cây mẹ sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân; cây giống sạch bệnh, quy trình chăm sóc, quản lý sâu bệnh hại nghiêm ngặt.
Ông Ling Aiah Velus Wamy-Giám đốc dự án, cho biết: “Chúng tôi chọn Chư Pưh để thực hiện dự án vì có quỹ đất rộng, phù hợp. Mục tiêu của dự án là xây dựng vùng nguyên liệu hồ tiêu bền vững, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, giảm thiểu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho sản phẩm, đồng thời mang lại lợi ích cho người dân trong vùng dự án”. Trước khi thực hiện, Công ty đã lấy mẫu đất đưa đi kiểm tra, phân tích đánh giá tại Malaysia, Ấn Độ. Trong quá trình trồng, chăm sóc, Công ty chỉ sử dụng phân hữu cơ có nguồn gốc từ phế phẩm sinh học, phân bò bón cho cây hồ tiêu, có đánh giá cụ thể việc cung cấp dinh dưỡng cho cây. Cũng theo ông Ling Aiah Velus Wamy, để sản xuất ra hồ tiêu chất lượng cao thì nguồn giống rất quan trọng, tạo nên sự khác biệt. Từ nguồn giống hồ tiêu đầu tiên được mua tại Bình Phước, Công ty đã đưa đi kiểm nghiệm, phân tích mẫu. Cây giống tại vườn cây mẹ đảm bảo sạch bệnh, sạch vi rút.
Đẩy mạnh đầu tư nông nghiệp công nghệ cao
Trong chuyến công tác tại Gia Lai cuối tháng 9-2017, qua tìm hiểu, tham quan một số mô hình kinh tế hộ, doanh nghiệp thực hiện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhìn nhận: “Dự án trồng rừng xen cây hồ tiêu, kết hợp chăn nuôi của Tập đoàn Olam hoàn toàn phù hợp với xu thế, chiến lược phát triển nông nghiệp của Việt Nam hiện nay. Đáng quan tâm hơn cả khi dự án hướng đến việc mang lại kiến thức trồng trọt cho người dân trong vùng, giảm thiểu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm hồ tiêu, khắc phục tình trạng thiếu nước bằng công nghệ tưới tiết kiệm Israel.
Bên cạnh đó, chính sách thu mua sản phẩm tại vùng nguyên liệu hồ tiêu cũng là vấn đề cần được lưu tâm”. Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, sản xuất nông nghiệp đang đứng trước những thách thức lớn về thị trường, giá cả, chất lượng và năng suất. Gia Lai cần phát huy thế mạnh về đất đai, khí hậu, truyền thống sản xuất nông nghiệp nhưng cần định hướng phát triển theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, giảm sự tác động của hóa chất. Tỉnh cũng cần có quy hoạch, phát triển hợp lý các loại cây trồng, chuyển đổi mô hình có chiều sâu và gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, tạo ra chuỗi giá trị trong liên kết “4 nhà”.
Ở một phương diện khác, nguồn vốn ưu đãi đầu tư cho sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao vẫn luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của nông hộ lẫn doanh nghiệp khi bắt tay thực hiện. Liên quan đến vấn đề này, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh tích cực chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn triển khai chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Quyết định số 813/QĐ-NHNN ngày 24-4-2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tuy nhiên, đến nay, trên địa bàn chưa phát sinh dư nợ. Riêng về cho vay ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Quyết định 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14-3-2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, đến tháng 8-2017, dư nợ đạt 197 tỷ đồng/1 khách hàng doanh nghiệp. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh, cho biết, thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình tín dụng, chính sách ưu đãi; đẩy mạnh việc mở rộng đầu tư tín dụng, nhất là đối với các lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.