Giá hạt điều trên thị trường thế giới đã giảm gần một nửa kể từ tháng 3. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam muốn trả thấp hơn mức giá mà chính phủ Bờ Biển Ngà áp dụng cho vụ mùa hiện tại.
“Những hợp đồng đã ký giờ đang bị bỏ ngỏ vì các doanh nghiệp chế biến Việt Nam nhận thấy biên lợi nhuận của họ bị giảm”, ông Adama Coulibaby, Tổng giám đốc Hội đồng bông và hạt điều Bờ Biển Ngà nói. Ông cho biết chính phủ nước này đang thảo luận lại với phía Việt Nam, yêu cầu các doanh nghiệp tuân thủ các cam kết trong tháng 2.
Nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết Bờ Biển Ngà vẫn còn khoảng 150.000 – 200.000 tấn hạt điều chưa thể bán vì bên mua không muốn trả theo giá chính phủ quy định. Tại các kho trữ ở thủ đô Abidjan, hàng nghìn túi hạt điều thô vẫn đang nằm chờ người mua. Trong khi đó, nông dân cho biết sẽ xem xét chuyển sang trồng cây khác nếu tình trạng này tiếp diễn.
Ngành điều là một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Bờ Biển Ngà từ sau khi nội chiến kết thúc vào năm 2011. Chính phủ nước này kỳ vọng có thể tăng năng suất chế biến hạt điều từ mức 100.000 tấn/năm hiện tại lên ít nhất 300.000 tấn/năm vào năm 2020 nhằm giảm bớt mức độ phụ thuộc vào thị trường thế giới, ông Coulibaby cho hay.
Bờ Biển Ngà là nước sản xuất hạt điều lớn nhất thế giới với sản lượng năm 2018 ước đạt 770.000 tấn. 70% tổng sản lượng điều của nước này được xuất khẩu sang Việt Nam, quốc gia có ngành công nghiệp chế biến điều lớn.
Nguồn: NDH