Ngành hạt điều Ấn Độ vẫn có thể đối phó với sự cạnh tranh từ Việt Nam hồi năm 2014-15. Nhưng với thỏa thuận ASEAN, nguồn hạt điều vỡ chất lượng thấp từ Việt Nam đang bị cáo buộc tìm đường thâm nhập vào thị trường nội địa Ấn Độ, được trộn với vỏ để nhập lậu vào Ấn Độ, sử dụng mã HS của điều thô để hưởng thuế nhập khẩu thấp, theo Cơ quan Xúc tiến ngành điều Ấn Độ tuyên bố. Cơ quan này khuyến nghị nhập khẩu hạt điều chất lượng thấp từ Việt Nam cần chấm dứt và các chính sách cần thiết phải được ban hành để bảo vệ ngành hạt điều nội địa Ấn Độ.
Từ tháng 4 – 12/2017, nhập khẩu hạt điều của Ấn Độ đạt hơn 500.000 tấn và vấn đề này đã được nêu ra bởi Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Điều Ấn Độ (CEPCI) lên chính phủ Ấn Độ về sự khôi phục mong manh của ngành hạt điều Ấn Độ.
Trong ngắn hạn, CEPCI kêu gọi chính phủ áp lệnh cấm hoàn toàn hoặc áp thuế 100% với giá sàn nhập khẩu (MIP) tăng, cũng như đưa nhập khẩu vỏ điều vào danh sách đen. RK Bhoodes, Chủ tịch CEPCI, cho biết thuế nhập khẩu điều thô nên đưa trở lại mức 0% như trước đây để giúp các cơ sở sản xuất không xuất khẩu, có quy mô nhỏ. Các chính sách như vậy nên được tiến hành cho tới khi sản xuất hạt điều nội địa đủ tự cung tự cấp cho nhu cầu sản xuất – tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Trong ngắn hạn, CEPCI đề xuất cơ giới hóa và tự động hóa để tăng hiệu quả ngành hạt điều Ấn Độ. CEPCI chỉ ra rằng đây là lý do chính giúp Việt Nam có thể thu mua điều thô với mức giá cao. Các nhà sản xuất được cơ giới hóa chế biến 80kg điều thô chỉ với chi phí 19,3 – 22,27 USD, trong khi các nhà sản xuất thủ công có chi phí lên tới 44,5 – 59,4 USD. Chính phủ Ấn Độ nên thúc đẩy cơ giới hóa thông qua mở rộng các khoản vay ưu đãi, giúp tăng quy mô sản xuất và mở ra thêm các cơ hội việc làm.
Hoạt động trồng điều đã được thúc đẩy trên khắp Ấn Độ để đạt mục tiêu tự cung tự cấp điều thô. Sản xuất điều thô tại Ấn Độ hiện chỉ đạt 700.000 tấn, so với nhu cầu 1,6 triệu tấn, khiến nước này phải nhập khẩu 900.000 tấn. CEPCI chỉ ra đây là nguyên nhân chính dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện nay của ngành điều Ấn Độ. Các gói hỗ trợ cũng được cho là cần thiết và CEPCI đề xuất chính phủ triển khai trở lại chính sách trợ cấp xuất khẩu 5% để giúp tăng nguồn vốn lưu động.
Theo The Hindu Business Line (gappingworld.com)