Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá hạt tiêu thế giới hồi phục nhờ nhu cầu mạnh
19 | 07 | 2007
Giá hạt tiêu kỳ hạn trên thị trường thế giới giảm trong những ngày đầu tuần qua song tăng trở lại vào cuối tuần bởi nhu cầu mạnh từ Mỹ và châu Âu, nhất là đối với hạt tiêu Asta của Ấn Độ.
Hiện loại hạt tiêu Asta của Ấn Độ có giá 3.700 USD/tấn (C&F), trong khi hạt tiêu cùng loại của Braxin giá 3.800 USD/tấn (FOB). Hạt tiêu V Asta của Việt Nam và L Asta của Indonexia giá chào bán 4.000 USD/tấn, FOB. Hạt tiêu 500 GL của Việt Nam hiện có giá 3.400 USD/tấn, FOB.
Hạt tiêu Ấn Độ đang ở mức giá hấp dẫn khách hàng. Tuy nhiên, nguồn cung các hợp đồng kỳ hạn gần đang rất hạn hẹp.
Trên thị trường nội địa, tại sở giao dịch NCDEX, hợp đồng kỳ hạn tháng 7 giá tăng 560 Rupi/100 kg lên 14.689 Rupi/100 kg. Các hợp đồng kỳ hạn khác giá tăng từ 486 đến 607 Rupi/100 kg. Tuy nhiên, việc đồng nội tệ của Ấn Độ tăng giá so với USD làm cho xuất khẩu hàng hoá của nước này trở nên đắt hơn, trong khi nhập khẩu lại trở nên rẻ hơn.
Theo dự báo của Cộng đồng hạt tiêu thế giới IPC và các nguồn tin khác, tình trạng khan hiếm cung dự kiến vẫn tiếp tục trong năm nay và vì thế thị trường đã có sự tăng giá mạnh mặc dù vụ thu hoạch ở Indonesia bắt đầu ở một vài nơi trong tháng tới, tiếp theo đó là vụ thu hoạch của Braxin. Chủ tịch Hiệp hội hạt tiêu Việt Nam, Đỗ Hà Nam, cho biết sự thiếu hụt trên sẽ dẫn tới việc giá hạt tiêu tăng. Dự đoán, giá xuất khẩu hạt tiêu có thể tăng từ 3.500 USD/tấn hiện nay lên 4.000 USD/tấn vào năm 2008, nếu thời tiết xấu và sâu bệnh tiếp tục hoành hành.
Nguồn cung hạt tiêu thế giới năm nay dự báo sẽ thiếu hụt khoảng 47.500 tấn do nguồn cung giảm tại các nước sản xuất lớn khác, trong khi nhu cầu về hạt tiêu vẫn đang tăng mạnh do nhu cầu lớn của ngành công nghiệp chế biến. Dự kiến, cung hạt tiêu toàn cầu năm 2007 sẽ đạt 329.000 tấn, trong khi nhu cầu toàn cầu lên tới 376.500 tấn, do nhu cầu tại Nga, Trung Quốc và Ấn Độ tăng, xuất phát từ ngành chế biến thực phẩm.
Việt Nam - nước xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới - dự kiến sẽ chiếm khoảng 33% (80.000-90.000 tấn năm 2007 so với 100.000 tấn năm 2006) tổng cung toàn cầu năm 2007, tiếp theo là Braxin với 15% (40.000 tấn) và Indonexia 13% (35.000 tấn). Việt Nam và Indonexia chủ yếu xuất khẩu hạt tiêu sang các nước châu Âu và Mỹ.
Sản lượng hạt tiêu Indonexia năm 2007 dự báo đạt 35.000 tấn, tăng 17% so với 30.000 tấn sản xuất được trong năm 2006 nhờ lượng tồn kho chuyển vụ lớn. Sở dĩ sản lượng hạt tiêu năm nay tăng là nhờ lượng tồn kho chuyển vụ trong nông dân và các nhà buôn lớn, hoàn toàn không phải do năng suất tăng. Tuy nhiên, sản lượng hạt tiêu Indonexia năm 2008 dự đoán giảm sẽ giảm 57% xuống chỉ còn 15.000 tấn do thời tiết bất lợi. Indonexia là nước sản xuất hạt tiêu lớn thứ 3 thế giới sau Việt Nam và Braxin.
Indonexia và Việt Nam, hai nước sản xuất hạt tiêu hàng đầu thế giới, sẽ hợp tác trong lĩnh vực marketing hạt tiêu đen. Đại diện của hai Hiệp hội hạt tiêu Việt Nam và Indonexia vừa gặp nhau tại Jakarta (Indonexia) để giải quyết những vấn đề thực tế trong việc thành lập một uỷ ban chung nhằm cải thiện hoạt động tiếp thị, cũng như chất lượng và nguồn cung cấp hạt tiêu cho thị trường quốc tế.  
Phát biểu sau cuộc họp, Chủ tịch Hiệp hội các công ty xuất khẩu hạt tiêu Indonexia (AELI), Hassan Widjaja, cho biết uỷ ban chung (dự kiến sẽ được thành lập vào cuối năm nay) có nhiệm vụ tập hợp các số liệu thống kê về cung-cầu hạt tiêu toàn cầu, nhằm tránh việc cung thừa có thể dẫn tới việc hạt tiêu giảm giá.
Theo đó, uỷ ban chung sẽ thu thập số liệu thống kê và thông tin liên quan đến lĩnh vực hạt tiêu, như sản lượng, giá cả, tiêu chuẩn chất lượng và các hợp đồng thương mại; giám sát những thay đổi về pháp lý và quy định tại các nước nhập khẩu; tổ chức các hội nghị hàng năm để thảo luận các điều kiện thị trường và tiêu chuẩn hóa các hợp đồng xuất khẩu.
Trung Quốc và Braxin – hai nước sản xuất lớn khác, hiện cũng đang xem xét việc tham gia uỷ ban chung trên, sau khi các đại diện của hai nước này tham dự cuộc họp này với tư cách quan sát viên.
Giá hạt tiêu thế giới:
Loại
Giá 13/7
Ấn Độ, Asta
3.700 USD/tấn (C&F)
Braxin, Asta
3.800 USD/tấn (FOB)
Việt Nam, V Asta
4.000 USD/tấn (FOB)
Việt Nam, 500 GL
3.400 USD/tấn (FOB)
 
 


Nguồn tin: Vinanet
Báo cáo phân tích thị trường