Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường hạt tiêu thế giới tháng 9-10/2008
11 | 11 | 2008
Giá giảm khoảng 300 – 400 USD/tấn; Cung và cầu đều thấp; Triển vọng giá hồi phục nhẹ trong những tháng cuối năm.
Giá hạt tiêu thế giới giảm mạnh trong hai tháng qua, do nhu cầu thấp trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu, mặc dù nguồn cung không mấy dồi dào. Lúc này chỉ có thị trường Ấn Độ sôi động bởi giá hạt tiêu Ấn Độ rẻ nhất trong số các xuất xứ, và nhu cầu tiêu thụ nội địa ở Ấn Độ mạnh trong mùa lễ hội và trước thềm Năm Mới.

Thị trường tiêu kỳ hạn tại Ấn Độ đang diễn biến theo chiều hướng xấu, giá các hợp đồng đều sụt giảm khá mạnh,, kết quả của tình trạng tài chính thế giới hết sức bất ổn. Nhập khẩu tiêu vào hai thị trường tiêu thụ chính là Mỹ và Đức gần đây đều giảm.

Xuất khẩu tiêu từ các nước xuất khẩu chính trong 9 tháng đầu năm 2008 đều giảm đi. Theo Liên hiệp Thương mại Hạt tiêu Brazil, xuất khẩu tiêu của nước này từ tháng 1 đến tháng 9 vừa qua đã giảm tới 25% so với cùng kỳ năm 2007. Tiêu xuất khẩu của Ấn Độ giảm khoảng 16%. Xuất khẩu tiêu Việt Nam giảm ít nhất, mức giảm chỉ vào khoảng 2%.

Về phía các nước nhập khẩu: Mỹ là nhà tiêu thụ hạt tiêu đen chính với khối lượng nhập khẩu khoảng 65.000 tấn mỗi năm. Trong 8 tháng đầu năm 2008, tổng lượng nhập khẩu tiêu của nước này đã giảm 7%, trong đó nhập từ Ấn Độ, Malaysia, Braxin và Việt Nam giảm sút còn nhập khẩu tiêu từ Inđônêsia vẫn gặp thuận lợi và tăng gấp đôi so với năm trước. Braxin là nước có lượng tiêu xuất sang Mỹ giảm mạnh nhất, vào khoảng 70%. Đáng chú ý là nhập khẩu tiêu Việt Nam của Mỹ đã giảm liên tục trong 3 năm qua: 8 tháng đầu năm 2006 đạt 13.000 tấn, trong 8 tháng đầu năm 2007 giảm còn 5.445 tấn và đến năm 2008 con số này còn đạt 4.690 tấn. Chuyến viếng thăm của phái đoàn các nhà xuất khẩu tiêu Việt Nam đến Mỹ gần đây là cần thiết để cải thiện tình trạng kể trên.

Từ tháng 1 đến tháng 8/08, Đức đã nhập khẩu 18.930 tấn hạt tiêu (16.977 tấn tiêu nguyên hạt và 1.952 tấn tiêu bột), giảm 16% (3.593 tấn) so với 22.523 tấn (20.067 tấn tiêu nguyên hạt và 1.852 tấn tiêu bột) của cùng kỳ năm trước. Việt Nam và Braxin là hai đối tác cung cấp tiêu nguyên hạt chính cho thị trường Đức, tiếp theo là Inđônêsia và Ấn Độ, còn với tiêu bột thì nguồn hàng chính từ Braxin và Ấn Độ.

Tuy nhiên, các nhà kinh doanh hạt tiêu cho rằng thị trường từ nay tới cuối năm sẽ hồi phục trở lại, bởi nhu cầu sử dụng nguyên liệu hạt tiêu để chế biến thực phẩm sẽ tăng lên trong những tháng tới. Một số nhà kinh doanh hạt tiêu từ Mỹ và Châu Âu đang tiến hành tích luỹ hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho dịp lễ vào tháng 12 tới.

Lúc này Indonexia đã bán hầu hết sản lượng hạt tiêu vụ này. Lợi thế thuộc về Ấn Độ. Các nhà xuất khẩu hạt tiêu Ấn Độ đang tích cực mua hàng vào để xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. Hiện họ đang có lượng đơn đặt hàng tổng cộng 1.500 tấn hạt tiêu đen. Nhu cầu trong nước tại Ấn Độ cũng sôi động vì đang mùa lễ hội và sắp đến Tết.

Nguồn cung của Việt Nam cũng không còn nhiều. Lượng hạt tiêu xuất khẩu sẽ tiếp tục giảm mạnh trong những tháng cuối năm và đó sẽ là yếu tố hỗ trợ giá. Dự báo, do nguồn cung trong nước không còn nhiều nên lượng hạt tiêu xuất khẩu trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục trong xu hướng giảm. Ước trong tháng 9/2008, lượng hạt tiêu xuất khẩu của nước ta sẽ giảm xuống còn 6,6 nghìn tấn. Theo dự báo mới nhất sản lượng hạt tiêu của nước ta trong năm 2008 ước đạt 84.000 tấn, giảm 14% so với năm 2007. Như vậy, tính đến hết tháng 9/2008, lượng hạt tiêu dành cho xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng còn lại chỉ còn trên 12.000 tấn.

Giá hạt tiêu thế giới thời gian qua thấp không phải do thừa cung, mà do thiếu cầu. Trên thực tế, nguồn cung hạt tiêu thế giới đang rất hạn hẹp. Uỷ ban Hạt tiêu Quốc tế (IPC) dự báo thị trường hạt tiêu thế giới năm nay sẽ thiếu hụt 54.000 tấn. Sản lượng hạt tiêu Indonexia năm nay chỉ khoảng 10.000 tấn, giảm 10 – 15 % so với mức 20.000 – 25.000 thông thường, và đã được bán gần hết. Sản lượng hạt tiêu Braxin vào khoảng khoảng 25.000 – 30.000 tấn trong năm nay.

Nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu thế giới thường tăng cao vào các dịp lễ hội cuối năm. Vào những tháng tới, nguồn cung hạn hẹp sẽ là yếu tố giúp nâng đỡ giá hạt tiêu, nhưng giá hàng hoá thế giới nói chung giảm sút sẽ bất lợi cho giá mặt hàng này.


Loại/xuất xứ
Giá 29/10
29/8
Việt nam , V Asta
2.700 USD/tấn (FOB)
3.025
Indonexia, L Asta
3.100 USD/tấn (FOB)
3.500-3.600
Braxin, Asta
2.500 USD/tấn (FOB
2.900



Nguồn: vinanet
Báo cáo phân tích thị trường