Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lao đao vì giá nông sản giảm
30 | 10 | 2008
Trước tác động của tình hình kinh tế thế giới, nông sản xuất khẩu của Việt Nam đã rớt giá trong vòng một tháng qua. Tuần rồi, giá lúa gạo, cà phê và cao su đã giảm sâu hơn nữa, và lan sang nhiều mặt hàng khác như hạt điều, hạt tiêu.
Cà phê rớt giá mạnh

Ông Lương Văn Việt là chủ ba héc ta trồng cà phê ở Đắk Lắk. Vào đầu năm nay, khi giá vật tư phân bón đang ở mức cao kỷ lục, ông Việt đã phải chi tới 75 triệu đồng tiền phân bón để chăm bón cho vườn cà phê của mình trong một mùa, cao gần gấp đôi năm ngoái.

Giờ đây, đã là cuối tháng 10, vườn cà phê nhà ông Việt bắt đầu thu hoạch rộ cho mùa vụ 2008 - 2009 thì người nông dân này lại lo lắng khi cà phê liên tục rớt giá, từ 30.000 đồng/kg hồi cuối tháng 9 xuống 26.000 đồng/kg rồi trong tuần này chỉ còn 23.000 đồng/kg.

“Với giá này thì người trồng cà phê lỗ nặng nếu so với chi phí bỏ ra mua vật tư phân bón cao ngất ngưởng trước đây”, ông Việt ngao ngán nói. Điều làm ông lo hơn chính là giá cà phê giảm không có dấu hiện dừng lại.

Tại Đắk Lắk, nơi mệnh danh là thủ phủ cà phê của Việt Nam khi mà sản lượng cà phê của tỉnh này chiếm tới gần 50% sản lượng cả nước, giá thu mua cà phê nhân của các doanh nghiệp chỉ còn 23.500 - 24.000 đồng/kg vào hôm 29-10. Nếu so với hồi quí 1 năm nay, khi giá cà phê lên cao tới đỉnh điểm 42.000 đồng/kg thì tính ra, mỗi kg cà phê nhân, nông dân ở Đắk Lắk mất hơn 18.000 đồng.

Một cán bộ Sở Công Thương tỉnh này cho biết, hiện một số doanh nghiệp, đại lý thu mua cà phê xuất khẩu trong tỉnh đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ vì còn lượng hàng tồn kho quá lớn thu mua từ niên vụ trước (từ tháng 9 về trước) với giá cao, hơn 30.000 đồng/kg.

Theo dự báo, nông dân tỉnh Đắk Lắk sẽ trúng mùa cà phê niên vụ 2008 - 2009 với sản lượng ước đạt trên 400.000 tấn, cao hơn so với niên vụ trước trên 50.000 tấn. Như vậy, người trồng cà phê ở Đắk Lắk có khả năng bị mất khoảng 6.300 - 6.500 tỉ đồng (xấp xỉ 400 triệu đô la Mỹ).

Điệp khúc “được mùa, rớt giá” lại quay lại với người nông dân trồng cà phê nhưng lần này không phải đơn thuần do sản lượng tăng quá nhanh, mà do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới. Trên thị trường giao dịch thế giới, giá cà phê đã giảm mạnh chỉ còn 1.520 - 1.600 đô la Mỹ/tấn tại London vào phiên giao dịch ngày thứ ba (28-10), một mức giá thấp kỷ lục trong 17 tháng qua. Tình hình kinh tế thế giới hiện nay không có gì đảm bảo rằng giá cà phê không còn tụt giảm thêm nữa.

Đến lượt hạt tiêu

Hạt tiêu, mặt hàng xuất khẩu có sản lượng khiêm tốn nếu so với cà phê hay các mặt hàng khác nhưng vẫn không thể đứng ngoài vòng xoáy giảm giá hiện nay. Bà Trương Thị Thống, Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, đến thời điểm này, giá tiêu đã giảm từ 15-20% so với vài tháng trước.

Cụ thể, nông dân trước đây bán tiêu xô trên 55.000 đồng/kg thì giữa tháng 10 còn 39.000 - 40.000 đồng. Trong tuần cuối cùng của tháng 10 này, giá hạt tiêu tại Tây Nguyên chỉ còn 33.000 đồng/kg. Do hy vọng giá sẽ cải thiện trong thời gian tới, nên nhiều nông dân và vựa tiêu đã giữ lại hàng khiến doanh nghiệp chế biến xuất khẩu không thu mua được.

Trong khi đó, các nhà xuất khẩu đều đã ký hợp đồng với khách hàng, nên thị trường hạt tiêu hiện nay đang xảy ra hiện tượng khách hàng nước ngoài khiếu nại chuyện giao hàng trễ.

Nghịch lý ở chỗ, nông dân và đại lý găm hàng chờ giá lên làm nguồn cung thị trường trong nước sụt giảm, nhưng giá tiêu xuất khẩu vẫn tiếp tục giảm. Đầu năm nay, giá tiêu loại 500 gam/lít bán 3.900 đô la Mỹ/tấn; tiêu loại 550 gam/lít bán 4.100 đô la Mỹ/tấn, thì đến giữa tháng 10 giảm gần 1.000 đô la Mỹ cho mỗi loại.

Một doanh nghiệp xuất khẩu hạt tiêu có các cơ sở thu mua ở Tây Nguyên cho biết điều đáng lo ngại hiện nay là nhiều nông dân không còn mặn mà đầu tư chăm sóc tiêu, nên sâu bệnh hoành hành dẫn đến năng suất, sản lượng có thể càng bị giảm mạnh.

Một số địa phương như Quảng Trị, do giá tiêu giảm cộng với nông dân nợ tiền vay ngân hàng nên nhiều người đã bỏ vườn tiêu, làm sản lượng giảm mạnh; có huyện trong tỉnh có sản lượng giảm tới 70%.

Hạt điều cũng không hơn

80% doanh nghiệp chế biến điều tạm ngưng hoạt động vì thiếu ngoại tệ để nhập nguyên liệu - Ảnh: Hồng Văn.
Hạt điều cũng đang trong tình cảnh không sáng sủa gì hơn. Mặc dù mùa vụ thu hoạch hạt điều trong nước đến tháng 2 năm tới mới bắt đầu nhưng nếu so với giá nhân điều xuất khẩu đang giảm hiện nay, giả định bây giờ thu hoạch, nông dân chỉ bán được 14.000 đồng/kg điều thô đã khô, trong khi đầu năm nay khi thu hoạch là 17.000 - 17.200 đồng/kg.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Quyền chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cho biết giá nhân điều trên thị trường thế giới có xu hướng giảm theo đà suy giảm chung của kinh tế thế giới, do vậy rất có khả năng năm tới, khi nông dân vào vụ thu hoạch, giá sẽ biến động mạnh.

Một doanh nghiệp hội viên của Vinacas, cho biết thị trường xuất khẩu nhân điều hiện đang ảm đạm, các doanh nghiệp xuất khẩu đang rất lo lắng khi khách hàng bỏ hợp đồng không nhận hàng. Bên cạnh đó, nhiều lô hàng xuất khẩu bị thanh toán tiền chậm, cùng với việc thiếu nguyên liệu (do doanh nghiệp khó khăn tài chính trong nhập nguyên liệu điều thô), nên có đến 80% các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Long An đã tạm thời đóng cửa, cho công nhân về quê nghỉ Tết sớm.

Đầu tuần trước, ông Nguyễn Đức Thanh đã ký công văn gửi Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đề nghị hỗ trợ các giải pháp để cứu ngành điều xuất khẩu. Theo công văn này thì sắp tới có thể các doanh nghiệp sẽ bị lỗ nặng vì giá cả biến động bất lợi. Thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp chế biến điều đã buộc phải bán tháo hàng với giá thấp để trả vốn và lãi ngân hàng, càng khiến giá điều trong nước giảm mạnh vào vụ thu hoạch tới đây.




Nguồn: Kinh tế Sài Gòn
Báo cáo phân tích thị trường