Giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tháng 9/2018 ước đạt 799 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 6,4 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2017. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường xuất khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2018, chiếm 54,1% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong 8 tháng đầu năm 2018, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Hà Lan (tăng 28,2%), Hồng Kông ( tăng 23,6%) và Anh (tăng 19,9%).
Giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản của Việt Nam tháng 9/2018 ước đạt 117 triệu USD, đưa tổng giá trị thủy sản nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2018 lên 1,26 tỷ USD, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2017. Năm thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất trong 8 tháng đầu năm 2018 là Ấn Độ, Nauy, Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản chiếm thị phần lần lượt là 21,9%,10,3%, 6,6%, 6,5% và 6,5%. So với cùng kỳ năm ngoái, 8 tháng đầu năm 2018 giá trị nhập khẩu thủy sản tăng ở hầu hết các thị trường chính như Indonesia (tăng 87,1%), Nauy (tăng 66,7%) và Hàn Quốc (tăng 66,6%). Ngoại trừ Trung Quốc (giảm 4,3%) và Ấn Độ (giảm 2,7%).
Giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong tháng 9 có xu hướng xu hướng tăng so với tháng trước, mức giá trung bình hiện trong khoảng 30.000-32.000 đ/kg (cá loại I, 700-900g/con) tại các vùng sản xuất như An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp…; tăng khoảng 3.000 đ/kg so với tháng trước. Giá cá tra nguyên liệu tăng do nguồn cung khan hiếm đồng thời nhu cầu thu mua cá nguyên liệu để sản xuất phục vụ cho xuất khẩu đang tăng cao. Trong khi đó, giá tôm thẻ chân trắng tăng giá do nguồn cung thấp. Tại Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Bến Tre tôm sú ướp đá nguyên liệu cỡ 20-40 con/kg dao động 155.000-200.000 đ/kg, giảm 15.000 đ/kg so với tháng trước. Giá tôm thẻ ướp đá cỡ tăng khoảng từ 10.000-15.000 đ/kg so với tháng trước cụ thể tôm thẻ ướp đá cỡ 50 con/kg đạt 120.000-125.000 đ/kg, cỡ 70 con/kg đạt 100.000-105.000 đ/kg, cỡ 100 con/kg đạt 88.000-90.000 đ/kg.
Ngày 10/9/2018, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thông báo kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12- POR12 là 4,58%. Như vậy, mức thuế cuối cùng này thấp hơn rất nhiều so với mức sơ bộ 25,39% mà Bộ Thương mại Mỹ thông báo ngày 8/3/2018. Kết quả này cũng khả quan hơn so với mức thuế cuối cùng của giai đoạn POR11. Ngoài ra theo Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thông báo kết quả sơ bộ của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 14 đối với sản phẩm cá tra là 2,39 USD/kg mức thuế này giảm khá mạnh so với con số 3,87 USD/kg so với đợt trước. Mỹ hạ thuế chống bán phá giá đối với tôm và cá tra tạo điều kiện lớn cho xuất khẩu tôm và cá tra sang thị trường này trong thời gian tới. Ngoài ra, do nhu cầu tiêu thụ cuối năm tăng cao đối với cả mặt hàng tôm và cá tra trong khi đó sản lượng tôm ở Ấn Độ và Thái Lan giảm, dự báo trong thời gian tới giá tôm và cá tra sẽ tăng do các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu.
Đối với chương trình thanh tra cá da trơn do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ thực hiện, ngày 19/9/2018, Văn phòng Đăng ký Liên bang (Federal Register) của Hoa Kỳ đã đăng bản Dự thảo quyết định công nhận tương đương hệ thống kiểm ATTP cá bộ Siluriformes của Việt Nam để lấy ý kiến công chúng trong trong thời gian 30 ngày. Cùng với Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc cũng được đề xuất công nhận tương đương. Tuy nhiên, chỉ có Việt Nam được đề xuất công nhận ngay mà không phải thanh tra lại (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã thanh tra lại Thái Lan vào tháng 8/2018 và sẽ thanh tra lại Trung Quốc vào tháng 11/2018).
Ngành cá tra và tôm của Việt Nam cần chủ động có kế hoạch cụ thể khi Mỹ quyết định giảm thuế chống bán phá giá cho hàng xuất khẩu. Để tận dụng lợi thế này, các doanh nghiệp và người nuôi cần liên kết chặt chẽ với nhau để đảm bảo nguồn nguyên liệu, chủ động đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng cuối năm.
Theo IPSARD-MARD