Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), cá ngừ là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 3 sau tôm và cá tra, góp phần không nhỏ vào tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản cả nước.
Xuất khẩu sang EU tăng mạnh
Tháng 7/2018, xuất khẩu cá ngừ ước đạt 48,4 triệu USD; cộng dồn 7 tháng ước đạt 351 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ. Với đà tăng như hiện nay, 5 tháng còn lại xuất khẩu cá ngừ có khả năng đạt mục tiêu của năm 2018.
Riêng tại thị trường EU, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng. Giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU trong tháng 7 đạt 12,6 triệu USD, nâng tổng giá trị xuất khẩu sang thị trường này 7 tháng đầu năm nay lên 83,7 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh Việt Nam đang bị cảnh báo thẻ vàng, cạnh tranh tại thị trường này đang tăng cao, đây là tín hiệu đáng mừng.
Ba thị trường nhập khẩu lớn nhất trong khối là Đức, Hà Lan và Italy. Trong quý II, xuất khẩu sang Đức và Italy giảm lần lượt là 4,6% và 10,4%, trong khi xuất khẩu sang Hà Lan tăng 61%.
Nửa đầu năm nay, xuất khẩu các sản phẩm thăn/philê cá ngừ đông lạnh và cá ngừ chế biến khác của Việt Nam sang EU tăng, trong khi xuất khẩu cá ngừ đóng hộp và các sản phẩm cá ngừ tươi sống đông lạnh khác giảm.
Đáng chú ý, xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ chế biến khác của Việt Nam sang thị trường này tăng ấn tượng 337%, xuất khẩu thăn/philê cá ngừ là sản phẩm xuất khẩu chủ lực sang EU trong giai đoạn này tăng 34,7%.
Năm nay, các nước EU có xu hướng giảm nhập khẩu cá ngừ đóng hộp trong khối. Theo số liệu thống kê mới nhất của Eurostat, các nước EU đã nhập khẩu gần 135.600 tấn các sản phẩm cá ngừ đóng hộp từ các nước trong 3 tháng đầu năm nay, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2017.
VASEP cho hay, nhìn chung mức thuế suất 24% đối với các sản phẩm cá ngừ đóng hộp là nguyên nhân khiến cạnh tranh tại các thị trường trong khối EU trở nên gay gắt, tuy nhiên các nhà chế biến Thái Lan đang đóng vai trò quan trọng trong giao thương các sản phẩm cá ngừ câu cần và được chứng nhận MSC trong khu vực này.
Trong những tháng gần đây, sản lượng khai thác cá ngừ tại các vùng biển lớn thấp và nguồn cung cho khu vực sản xuất chính như Manta, Ecuador và Bangkok, Thái Lan thấp hơn. Đây chính là nguyên nhân khiến giá cá ngừ tăng cao trong tháng đầu năm, và điều này ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ của thị trường cuối cùng.
Bên cạnh đó, việc Ecuador hoàn tất Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với EU, bao gồm Peru và Colombia đã đã khiến quốc gia châu Mỹ Latinh này cố gắng tăng cường hoạt động xuất khẩu của mình. Các nhà sản xuất đồ hộp tại Ecuador có thể tiếp cận được nguồn nguyên liệu có xuất xứ thuần túy, do nguồn nguyên liệu khai thác bởi các đội tàu của Peru và Colombia cũng được miễn thuế khi chế biến và xuất khẩu từ Ecuador.
Ngoài các ưu đãi miễn thuế, mà hầu hết các nhà cung cấp cá ngừ đóng hộp cho EU đều được hưởng, mức giá CFR cạnh tranh của Ecuador cũng là động lực chính để nước này đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian gần đây. Điều này đang tạo cho Ecuador lợi thế cạnh tranh tốt hơn so với các nước Châu Á như Thái Lan hay Việt Nam tại khối thị trường này.
Tiềm năng "về đích"
Theo các doanh nghiệp, thông thường việc cảnh báo thẻ vàng sẽ làm hạn chế xuất khẩu của nước bị cảnh báo sang EU. Tuy nhiên, do nguồn nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu từ trong nước không nhiều, chủ yếu là từ nguồn nhập khẩu nên thời gian qua các Việt Nam vẫn đẩy mạnh được xuất khẩu cá ngừ sang EU.
Ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký Vasep cho biết, với giá trị xuất khẩu trong 7 tháng qua và những tháng còn lại trong năm, có nhiều khả năng xuất khẩu cá ngừ sẽ đạt mục tiêu 500 triệu USD và về đích như kế hoạch của cả năm 2018.
Hiện trong top 3 thị trường nhập khẩu cá ngừ hàng đầu của Việt Nam, duy chỉ thị trường Mỹ bị giảm kim ngạch, 2 thị trường còn lại đều tăng trưởng tốt. Theo đó, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Mỹ trong 7 tháng đầu năm đạt 116,3 triệu USD, chiếm tỷ lệ 32,9%, giảm 8,9% so với cùng kỳ 2017.
Xuất khẩu cá ngừ sang Israel đang được coi là thị trường tiềm năng khi tháng 7 vừa qua đạt tốc độ tăng trưởng cao 55,7% so với cùng kỳ, giá trị xuất khẩu ước đạt 42,35 triệu USD, chiếm tỷ lệ 12,2% và đang trở thành thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 3 của Việt Nam.
Có sự tăng trưởng vượt bậc này là do các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu cá ngừ chế biến đóng hộp sang đây. Trước đây, cá ngừ Việt Nam thường xuất khẩu thô. Giá trị xuất khẩu dòng sản phẩm này sang Israel trong nửa đầu năm 2018 đạt hơn 29 triệu USD, tăng gần 96% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ khác sang Israel cũng tăng so với cùng kỳ.
Ông Hoè cũng thông tin, các thị trường nhập khẩu chính cá ngừ của Việt Nam những tháng cuối năm là vào mùa lễ Tết nhu cầu chắc chắn sẽ tăng và các nhà nhập khẩu ở các thị trường này sẽ đẩy mạnh mua vào phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao.
"Đặt mục tiêu là vậy nhưng phải xem lại nguồn cung cấp của chúng ta như thế nào, vì hiện nay nguồn cung cấp chính cá ngừ của Việt Nam là từ đánh bắt nội địa và vẫn phải nhập khẩu. Vì vậy, cần quan sát thêm và phải đợi đến hết quý 3/2018 mới có nhận định chính xác hơn về thị trường", ông Hoè nhấn mạnh.
Theo DĐDN