Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Liệu cuộc chiến thương mại có đẩy ngành chế biến thủy sản ra khỏi Trung Quốc không?
01 | 08 | 2018
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc hiện nay, với việc Mỹ áp thuế nhập khẩu đối với phần lớn thủy sản từ Trung Quốc (nhưng không áp dụng đối với sản phẩm chế biến tái xuất), đang khiến nhiều công ty chế biến thủy sản tại Trung Quốc đánh giá lại xem liệu có nên dời các cơ sở sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc hay không.

Nhiều công ty chế biến thủy sản hiện đang đánh giá lại liệu có nên chuyển sang một nước châu Á khác có lương và chi phí sản xuất thấp hơn. Thậm chí trước khi cuộc chiến thương mại nóng lên giữa Mỹ và Trung Quốc, một thực tế phổ biến là chi phí kinh doanh tại Trung Quốc tăng ổn định qua từng năm. Hiện lương trung bình của lao động tại Trung Quốc gấp đôi lao động Việt Nam.

Có rất nhiều nơi sẵn sàng tiếp nhận hoạt động chế biến thủy sản được dời khỏi Trung Quốc, bắt đầu với những gì các nhà tư vấn khu vực châu Á ám chỉ đến “Big 5” mới về hả năng cạnh tranh sản xuất châu Á. Chỉ số Khả năng Cạnh tranh Sản xuất Toàn cầu 2016 của Deloitte chỉ ra Big 5 là: Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam.

Tất cả các nước trong Big 5 đều có những cải cách giúp cải thiện thứ hạng, như tạo ra hệ thống xếp hạng tín dụng quốc gia cho phép các nhà đầu tư dễ dàng kiểm tra các đối tác địa phương tiềm năng và các cải cách quy định giúp các công ty hoạt động dễ dàng hơn tại các nước này. Ngoài ra, một số nước ASEAN đang tập trung cải thiện kết nối các dịch vụ công tót hơn, nổi bật là Indonesia. Việt Nam đã tạo ra hệ thống thủ tục một cửa cho cấp phép kinh doanh và thuế; trong khi Malaysia đặt trọng tâm vào quy trình trực tuyến. Ấn Độ và Thái Lan đang nỗ lực tinh giản các hệ thống cấp phép xuất nhập khẩu.

Hệ thống xếp hạng thuận lợi hóa hoạt động kinh doanh của World Bank, tính đến các yếu tố như mức độ thuận lợi thành lập doanh nghiệp, tiếp cận tín dụng và các giấy phép, cũng như mức độ thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa ra vào một nước, cho thấy Ấn Độ và Thái Lan (và Việt Nam) có thể cải thiện vị trí của họ nhờ các hoạt động tinh giản hệ thống cấp phép xuất nhập khẩu hiện nay và trong nheièu trường hợp, đưa các hệ thống này vào hoạt động trực tuyến.

Là một thay thế hợp lý cho Trung Quốc, Ấn Độ đang tìm cách tận dụng lợi thế quy mô dân số (và thị trường) cực lớn bằng cách nới lỏng tiếp cận tín dụng và khởi nghiệp. Kết quả là Ấn Độ đã nhảy vọt từ vị trí 130 lên 100 trong bảng xếp hàng các quốc gia cạnh tranh nhất trong báo cáo Mức độ thuận lợi kinh doanh của World Bank.

Ở vị trí 26, Thái Lan dẫn đầu các nước ASEAN trong danh sách này, một phần do các nỗ lực hướng đến nền sản xuất công nghệ cao hơn. Các nhà máy chế biến thủy sản của Thái Lan đang chứng tỏ khả năng sống sót tốt hơn nhờ khả năng thu hút nguồn lao động giá rẻ từ nước láng giềng Myanmar và cơ sở hạ tầng tương đương với Trung Quốc để vận chuyển hàng hóa. Nhưng Thái Lan có cấu trúc chi phí tương đương Trung Quốc và mong muốn thu hút các hoạt động kinh doanh công nghệ cao hơn – chế biến thủy sản có thể không phải là một trong số này.

Báo cáo của World Bank cũng khiến nhiều nước trong khu vực bừng tỉnh, khi Bangladesh gây sốc vì đứng ở vị trí 177, xếp dưới cả Myanmar trong danh sách xếp hàng 180 nước. Lào và Campuchia – các địa điểm di dời ưa thích của các doanh nghiệp dệt may Trung Quốc – lần lượt đứng ở vị trí 141 và 135. Cả hai đều vay mượn mô hình kinh tế Trung Quốc (và xét trên khía cạnh nào đó, cả về chính trị), nhưng thiếu nền tảng cơ sở hạ tầng, quy mô, động lực và kết nối cảng vốn là các lợi thế khiến Trung Quốc thu hút các nhà chế biến.

Mặc dù đầy triển vọng, xếp hạng thấp của Myanmar càng bất lợi khi xét đến vấn đề thiếu nguồn cung TACN và chi phí sản xuất thủy sản nguyên liệu cao tại nước này. Theo Zaw Lin,  lãnh đạo Hiệp hội Thủy sản Myanmar, giá đầu vào truyền thống như lúa mỳ làm TACN đang buộc các doanh nghiệp thành viên Hiệp hôi phải bán nguồn thủy sản nguyên liệu của họ. Các vấn đề trong ngành thủy sản Myanmar rất nhiều và chưa có những tiến triển rõ rệt trong 5 năm qua bất chấp các nhà đầu tư Trung Quốc rất quan tâm tới nuôi trồng thủy sản của nước này, đặc biệt khi xét đến đường bờ biển dài của Myanmar.

Các nhà đầu tư và các doanh nghiệp chế biến luôn lo ngại về rủi ro. Các chứng nhận Trung Quốc yêu cầu để bán sản phẩm tại các thị trường nước ngoài có thể hoặc không chuyển đổi được sang các địa điểm như Myanmar hay Bangladesh – vốn là các nước đang phát triển được tiếp cận dễ dàng hơn với cac thị trường phương Tây. Ngoài ra, Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) năm 2016 xếp hạng Myanmar, Indonesia và Việt Nam là các nước tham nhũng nặng nề nhất trong khối ASEAN. Các bê bối tai tiếng về điều kiện làm việc và lao động trẻ em tại Bangladesh và Thái Lan gây ra những lo ngại lớn. Dịch chuyển hoạt động sản xuất sang một nước khác gây khó khăn trong việc đạt được các tiêu chuẩn lao động tuân thủ theo các yêu cầu của các cơ chế chứng nhận bền vững nhất – hiện là tiền đề cho kinh doanh với rất nhiều nhà bán lẻ phương tây. Và tại tất cả các nước ASEAN, quy trình kinh doanh và logistics đều kém phát triển hơn Trung Quốc và cần cải thiện thêm rất nhiều.

Tất cả các yếu tố này phát đi thông điệp rằng các doanh nghiệp chế biến sẽ không vội vàng di chuyển các cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Câu hỏi thẳng thừng mà một nhà chế biến đưa ra là: “Nếu tôi còn đang phải chật vật để tồn tại ở đây thì làm sao tôi có đủ nguồn lực để di chuyển toàn bộ máy móc thiết bị để mua hoặc xây dựng mới một nhà xưởng tại Việt Nam hay Campuchia?”

Theo Seafood Source (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường