Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
FAO: Thế giới đang tiêu dùng thủy sản không bền vững
12 | 07 | 2018
1/3 đại dương đang bị khai thác thủy sản quá mức và tiêu dùng thủy sản đang ở mức cao kỷ lục, làm dấy lên lo ngại về tính bền vững của một trong những nguồn protein chính cho hàng triệu người trên thế giới, theo cảnh báo của Liên Hợp Quốc trong một báo cáo gần đây.

Khai thác thủy sản quá mức đặc biệt nghiêm trọng tại các khu vực thế giới đang phát triển – nơi nhiều người đang phải chật vật để hấp thụ đủ dinh dưỡng, theo báo cáo của FAO nêu ra. “Có quá nhiều áp lực lên các nguồn lợi biển và chúng ta cần cam kết mạnh mẽ hơn từ các chính phủ để cải thiện tình trạng nguồn lợi thủy sản”, theo Manuel Barange, giám đốc bộ phận thủy sản và nuôi trồng thủy sản tại FAO cho hay. “Chúng tôi dự báo rằng châu Phi sẽ sớm phải nhập khẩu thủy sản”, ông cho biết thêm rằng tình trạng thiếu hụt có thể dẫn tới giá tăng, tác động phần nào tới chính những người nghèo. Ông Barange cũng cho rằng châu Phi có tiềm năng nuôi trồng thủy sản rất lớn nhưng cần hỗ trợ về tài chính, thưc ăn thủy sản và nguồn cung giống.

Nuôi trồng thủy sản – phân ngành nông nghiệp tăng trưởng nhanh nhất trong 40 năm qua – chính là nguyên nhân khiến nguồn cung thủy sản tăng mạnh. SẢn lượng khai thác thủy sản biển liên tục giảm, ngày càng nhiều nước thúc đẩy nuôi trồng thủy sản. Tại Algeria, chính phủ đang khuyến khích nông dân tại sa mạc Sahara nuôi thủy sản để tăng thu nhập và tăng sản lượng thủy sản.

Các chỉ trích cho rằng hoạt động nuôi trồng thủy sản có thể hủy hoại môi trường và gây ra dịch bệnh cho các loài thủy sản trong môi trường tự nhiên, nhưng ông Barange cho rằng giải pháp cho các vấn đề này là phải có “hệ thống quy định, luật pháp và giám sát – kiểm soát phù hợp”. Các nước có tuyền thống khai thác thủy sản cũng đang thúc đẩy tiềm năng nuôi trồng thủy sản để cải thiện dinh dưỡng và chấm dứt nạn đói.

Trên toàn cầu, tỷ trọng các nguồn lợi thủy sản đang ở mức không bền vững tăng từ 10% năm 1974 lên 31,4% năm 2013 và 33,1% năm 2015. Tiêu dùng thủy sản đạt mức cao kỷ lục 20,2 kg/người/năm vào năm 2015, từ mức 9 kg/người/năm vào năm 1961, báo cáo của UN FAO cho thấy, và sẽ tiếp tục tăng khi những người tiêu dùng quan tâm tới sức khỏe ngày càng tăng tiêu dùng thủy sản. Hiện 3,2 tỷ người phụ thuộc vào nguồn thủy sản cho 20% lượng protein động vật mà họ hấp thụ.

Shakuntala Thilsted, trưởng nhóm nghiên cứu tại tổ chức phi lợi nhuận quốc tế WorldFish, cho rằng giảm thất thoát và lãng phí cũng là một cách để hướng tới thủy sản bền vững, khi ước tính tới 35% sản lượng thủy sản khai thác bị vứt bỏ. “Đầu cá, xương cá là các phần dinh dưỡng cao nhất. Tại sao chúng ta không có những giải pháp sáng tạo để chuyển các phần này thành các thực phẩm giàu dinh dưỡng?”, bà nêu ra câu hỏi.

Dưới đây là một số thông tin và dữ liệu từ báo cáo:

  • Sản lựng thủy sản toàn cầu đạt mức cao kỷ lục 171 triệu tấn năm 2016, trong đó 47% đến từ nuôi trồng thủy sản.
  • Các nguồn lợi thủy sản ở mức bền vững giảm từ 90% năm 1974 xuống 66,9% năm 2015.
  • Mức nguồn lợi thủy sản được khai thác dưới tiềm năng cũng giảm dần trong giai đoạn 1974 – 2015 và hiện ở mức 7% tổng các nguồn lợi thủy sản được đánh giá.
  • Tăng trưởng tiêu dùng thủy sản toàn cầu giai đoạn 1961 – 2015 là 3,2%/năm gấp đôi tăng trưởng dân số 1,6%/năm.
  • Năm 2015, thủy sản chiếm khoảng 17% tổng lượng protein động vật được tiêu dùng trên toàn cầu;
  • Tại Bangladesh, CAmpuchia, Gambia, Ghana, Indonesia, Sierra Leone, Sri Lanka và một số nước đang phát triển có nhiều đảo nhỏ, thủy sản chiếm 50% tổng tiêu dùng protein động vật.
  • Châu Âu, Nhật Bản và Mỹ chiếm 20% tổng tiêu dùng thủy sản toàn cầu – 149 triệu tấn trong năm 2015.
  • Trung Quốc là nước sản xuất – tiêu dùng thủy sản lớn nhất thế giới, chiếm 38% tổng tiêu dùng thủy sản toàn cầu năm 2015, chủ yếu do thu nhập tăng.
  • Thủy sản tạo công ăn việc làm cho 59,6 triệu người trên toàn cầu, trong đó gần 14% là phụ nữ.
  • Tổng lượng tàu khai thác thủy sản trên thế giới năm 2015, từ tàu nhỏ và không có động cơ đến tàu lớn khai thác quy mô công nghiệp, ước khoảng 4,6 triệu tàu.

Theo Reuters, FAO (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường