Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bản tin phân tích thị trường thủy sản tháng 7/2018
03 | 08 | 2018
Bản tin phân tích thị trường thủy sản tháng 7/2018

Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 7 năm 2018 ước đạt 663 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 7 tháng đầu năm 2018 ước đạt 4,63 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2017. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường xuất khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018, chiếm 53,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong 6 tháng đầu năm 2018, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Hà Lan (tăng 56%), Đức (tăng 27,2%), Hồng Kông (tăng 23,9%), Anh (tăng 16,8%), Thái Lan (tăng 16,6%) và Trung Quốc (tăng 12,1%).

Thị trường tôm nguyên liệu tại ĐBSCL có xu hướng tăng giá đối với tôm sú và ổn định giá đối với tôm thẻ chân trắng sau khi tăng nhẹ vào tháng trước. Tại Bạc Liêu, tôm sú cỡ 30-40 con/kg dao động 170.000-190.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg so với tháng trước. Giá tôm thẻ cỡ 50 con/kg đạt 105.000 đồng/kg, cỡ 60 con/kg đạt 95.000 đồng/kg, cỡ 100 con/kg đạt 72.000-75.000 đồng/kg. Tại Sóc Trăng, Bến Tre tôm thẻ chân trắng cỡ 50 con/kg đạt 113.000 đồng/kg, cỡ 70 con/kg đạt 100.000 đồng/kg, cỡ 100 con/kg đạt 80.000-83.000 đồng/kg. Dự báo giá tôm vẫn tiếp tục phục hồi và tăng trong những tháng cuối năm do nhu cầu thị trường tăng cao.

Thuế nhập khẩu cá tra vào thị trường Trung Quốc đã được điều chỉnh giảm khoảng 3 -4% kể từ ngày 01/7/2018 cụ thể: Thuế nhập khẩu philê cá tra đông lạnh mã 03046290, sẽ giảm từ 10% xuống còn 7%, thuế suất cá tra tươi hoặc ướp lạnh sẽ giảm từ 12% xuống 7%. Mặt khác, việc Mỹ áp thuế 10% đối với tất cả các sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ, kết hợp với thuế suất 25% đối với các sản phẩm thủy sản của Mỹ dự kiến sang Trung Quốc đã có hiệu lực sẽ tạo cơ hội để doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường này.

Lưu ý:

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ có nhiều khởi sắc trong những tháng tới, đặc biệt tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU. Tuy nhiên, tại một số thị trường ngách (Ả-rập xê út, Cô-oét) đã có những biện pháp gia tăng kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh đối với các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc nhập khẩu từ Việt Nam. Do vậy, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp thủy sản cần có các biện pháp tăng cường giám sát, đảm bảo chất lượng, an toàn dịch bệnh và tháo gỡ khó khăn vướng mắc từ các thị trường này.

Theo IPSARD - MARD



Báo cáo phân tích thị trường