Theo ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất – xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), bất ổn trên thị trường thủy sản thế giới và dư cung tôm là các nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thủy sản. “Xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2018 có thể đạt 9 tỷ USD nhưng khó đạt mục tiêu 10 tỷ USD. Tuy nhiên, chúng tôi đang nỗ lực hết sức”. Vị lãnh đạo này cho biết tôm, cá tra và cá ngừ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam và suy giảm tăng trưởng xuất khẩu của một trong 3 nhóm thủy sản này sẽ tác động tới kết quả kinh doanh của toàn ngành.
Thống kê từ VASEP cho thấy xuất khẩu tôm trong quý 2/2018 giảm 4,9% xuống còn 893 triệu USD do biến động giá tôm nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, nhờ tăng trưởng mạnh tới 20% trong quý 1/2018, tăng trưởng xuất khẩu thủy sản trong nửa đầu năm 2018 vẫn đạt 5,1% lên 1,6 tỷ USD. Với nhu cầu tôm dự báo tăng trong nửa cuối năm 2018, xuất khẩu tôm Việt Nam dự báo đạt khoảng 4 tỷ USD.
Ngược với tình trạng khó khăn trong xuất khẩu tôm, xuất khẩu cá tra tăng trưởng gần 20% trong nửa đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm 2017 lên hơn 1 tỷ USD. Tăng trưởng xuất khẩu cá tra mạnh nhất sang thị trường Trung Quốc (+46,7% lên hơn 251 triệu USD), theo sau là EU (+16,2% lên 117 triệu USD) và Mỹ (+11,6% lên 197 triệu USD).
Trong 6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam tăng 12% lên 303 triệu USD. Xuất khẩu cá ngừ sang Israel dự báo tăng, và xuất khẩu cá ngừ sang EU cũng sẽ thuận lợi nhờ cả hai bên đang hoàn tất các đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do. Tuy nhiên, xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ gặp khó khăn do cạnh tranh khốc liệt và nhu cầu đang giảm.
Theo FIS