Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá cá ngừ sọc đông lạnh tăng vọt trên thị trường thế giới, nhu cầu vẫn cao
11 | 10 | 2017
Từ tháng 12/2016, giá cá ngừ sọc đông lạnh đã duy trì ở mức cao nhất trong vòng 4 năm, đạt 1.600 USD/tấn vận chuyển tới Thái Lan. Tuy nhiên, nhập khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp tại Mỹ và EU tiếp tục tăng trong suốt quý 1/2017. Trong khi đó, nhu cầu bắt đầu giảm nhiệt tại châu Á và Trung Đông.

Tình hình nguồn cung cá ngừ sọc năm 2017

Năm 2017, sản lượng khai thác cá ngừ tiếp tục ở mức thấp tại khu vực tây và trung Thái Bình Dương. Để bổ sung nguồn cung, một số tàu chuyên chở từ Ấn Độ Dương đã vận chuyển cá tới cho các nhà đóng hộp Thái Lan. Đến giữa tháng 7 vừa qua, giá cá ngừ sọc đã lên tới gần 2.000 USD/tấn.

Tăng trưởng khai thác chậm lại cũng diễn ra ở phía Đông Thái Bình Dương, nơi giá cá ngừ sọc cũng tăng theo khuynh hướng giá trên thị trường Bangkok. Tồn kho nguyên liệu thô đang ở mức tốt tại Ecuador trong khi các nhà chế biến cá ngừ nước này đang hưởng lợi do nhu cầu tăng tại EU và được hưởng ưu đãi phi thuế.

Tại Ấn Độ Dương, sản lượng khai thác cá ngừ sọc đi ngang và các nhà đóng hộp tại khu vực này cũng đang có tồn kho nguyên liệu thô dồi dào. Tuy nhiên, giá cá ngừ tiếp tục tăng do Thái Lan có nhu cầu tốt.

Khai thác tại Đại Tây Dương cũng ở mức bình thường đến thấp do điều kiện thời tiết xấu, nhu cầu đối với nguyên liệu thô cho các nhà máy đóng hộp địa phương coa. Do nguồn cung toàn cầu giảm, giá cá ngừ sọc và cá ngừ vây vàng tăng mạnh đối với các nhà chế biến đóng gói châu Âu.

Trong năm 2017, nhập khẩu cá ngừ nguyên liệu của Thái Lan, nước đóng hộp cá ngừ lớn nhất thế giới, thấp hơn so với những năm khác. Nhập khẩu cá ngừ sọc đông lạnh trong quý 1 hàng năm thường đạt trung bình khoảng 120.000 – 130.000 tấn. Nhưng trong quý 1/2017, nhập khẩu giảm xuống chỉ còn 97.000 tấn do tồn kho nguyên liệu thô của các nhà chế biến đóng gói không đủ, giá cá ngừ tăng và nhu cầu thấp đối với cá ngừ đóng hộp từ các thị trường nhập khẩu trong những tháng đầu năm 2017.

Khai thác cá ngừ Nhật Bản trong quý 1/2017 cũng giảm 5% do sản lượng khai thác cá ngừ sọc và cá ngừ mắt to từ các vùng nước xa bờ giảm. Tuy nhiên, sản lượng cá ngừ mắt to, vây vàng và albacore cập cảng lại cải thiện và gia nhập hoạt động giao dịch sashimi và sushi tươi nội địa.

Thị trường cá ngừ tươi và đông lạnh (không đóng hộp) tại Mỹ

Thị trường cá ngừ không đóng hộp tại Mỹ tiếp tục duy trì ổn định nhu cầu đối với cá ngừ phile và cá ngừ nguyên con bỏ đầu. Nhập khẩu cá ngừ không đóng hộp tại Mỹ đạt tổng cộng 13.400 tấn trong quý 1/2017, so với mức 12.900 tấn trong cùng kỳ năm 2016. Trong 3 tháng đầu năm 2017, nhập khẩu cá ngừ tươi/ướp lạnh (nguyên con/bỏ đầu) của Mỹ là 5.600 tấn, tương đương mức nhập khẩu cùng kỳ năm 2016; nguồn cung cá ngừ vây vàng tươi/ướp ạnh từ Brazil, Maldives và Fiji tăng.

Đáng chú ý là nhu cầu đối với cá ngừ phile đông lạnh tăng, với mưc tăng 6,8% đạt 7.800 tấn trong quý 1/2017 so với chỉ 7.300 tấn trong cùng kỳ năm 2016. Với lượng nhập khẩu 7.100 tấn, cá ngừ phile và cắt miếng giá trị cao hơn có chiếm tỷ trọng cao nhất (83%) trong phân khúc không đóng hộp; Indonesia và Việt Nam là các nhà cung cấp hàng đầu ở phân khúc này. So với cùng kỳ năm ngoái, nguồn cung cá ngừ phile đông lạnh tăng 50% lên 2.400 tấn.

Thị trường cá ngừ tươi và đông lạnh (không đóng hộp) tại Nhật Bản

Nguồn cung cá ngừ tươi đủ cung cấp cho thị trường Nhật Bản và đang cải thiện trong những năm gần dây nhờ sản lượng khai thác tại các vùng nước nội địa tăng, trong khi nhập khẩu giảm. Đáng chú ý là kim ngạch nhập khẩu cá ngừ tươi vận chuyển bằng đường hàng không từ Úc và Địa Trung Hải giảm, nhâp khẩu cá ngừ mắt to và cá ngừ vây vàng tươi cũng giảm trong giai đoạn trên.

Thực tế, nhu cầu tiêu dùng cá ngừ tươi tại thị trường sashimi lớn nhất thế giới này cao đặc biệt vào các dịp lễ hội mùa xuân (tháng 4 – 5) và dịp nghỉ lễ năm mới (tháng 12). Do hình thái tiêu dùng này, nhu cầu nhập khẩu trong những tháng đầu năm tường chuyển dịch sang các lô hàng thịt cá ngừ đông lạnh, có thời hạn sử dụng dài hơn nhiều so với cá ngừ ướp lạnh.

Theo khuynh hướng này, nhập khẩu thịt cá ngừ đông lạnh, phần lớn là các sản phẩm cho sashimi tăng 21% trong quý 1/2017 so với cùng kỳ năm 2016, lên 15.000 tấn, trong đó 8.800 tấn cá ngừ vây xanh (+28%), 3.100 tấn cá ngừ vây vàng (27%) và 2.400 tấn cá ngừ mắt to (-20%). Tiêu dùng các sản phẩm này cao trong các tháng lễ hội mùa xuân tháng 4 và tháng 5.

Thị trường cá ngừ đóng hộp

Trong quý 1/2017, thị trường xuất khẩu cá ngừ đóng hộp có sự chuyển dịch thứ hạng toàn cầu. Trong khi Thái Lan và Ecuador tiếp tục là 2 nước xuất khẩu cá ngừ đóng hộp và cá ngừ chế biến hàng đầu, Tây Ban Nha mất vị trí thứ 3 về tay Philippines và Trung Quốc đứng thứ 5.

Lượng xuất khẩu từ Thái Lan giảm 12,5% do xuất khẩu sang các thị trường Bắc Mỹ và Trung Đông đồng loạt giảm. Tuy nhiên, xuất khẩu cá ngừ chế biến/đóng hộp từ Ecuador tăng 15% nhờ hưởng ưu đãi phi thuế khi tiếp cận thị trường EU. Ecuador cũng tăng xuất khẩu sang Argentina (+38%) và Chile (+20%) trong quý 1/2017 so với cùng kỳ năm 2016.

Trong cùng kỳ so sánh, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Philippines tăng đến 185% nhờ mở cửa thành công thị trường Cyprus và tăng xuất khẩu sang các thị trường EU khác. Xuất khẩu cá ngừ đóng hộp Philippines sang các nước vùng Vịnh (GCC) cũng tăng trong quý 1/2017, so với cùng kỳ năm 2016. Xuất khẩu cá ngừ chế biến Tây Ban Nha tăng 8%, chủ yếu nhờ tăng xuất khẩu thịt cá ngừ chế biến sang Ý (+7%), Pháp (+6%), và Bồ đào Nha (+10%). Xuất khẩu các sản phẩm cá hồi thành phẩm sang Đức, Hà Lan và Algerie giảm, nhưng xuất khẩu tăng sang Anh (+21%) và Bỉ (+17%).

Xuất khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp từ Trung Quốc giảm 22% trong giai đoạn trên. Xuất khẩu từ Mauritius, nhà sản xuất cá ngừ đóng hộp lớn nhất Ấn Độ dương, cũng giảm 11%.

Giá cá ngừ chế biến trên thị trường nhập khẩu tăng mạnh trong năm 2017 nhưng diễn biến giá này ít ảnh hưởng tới nhập khẩu cá ngừ chế biến của EU và Mỹ trong quý 1/2017.

Tại EU, nhập khẩu cá ngừ chế biến/đóng hộp tăng tại Tây Ban Nha, Ý và Pháp do các thị trường tăng mua thịt cá ngừ chế biến để tận dụng hạn ngạch nhập khẩu 25.000 tấn ở mức thuế thấp đối với nguyên liệu thô sơ chế nhập khẩu. Quyền tiếp cận phi thuế thị trừng cá ngừ chế biến của Ecuador tại EU là một yếu tố quan trọng khác giúp nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của EU tăng 10,2% trong giai đoạn trên. Nhập khẩu cá ngừ đóng hộp tại Anh và Đức giảm trong quý 1/2017 so với cùng kỳ năm 2016.

Thị trường Bắc và Nam Mỹ

Các nhà nhập khẩu Mỹ ráo riết mua để tận dụng hạn ngạch nhập khẩu chịu thuế 6,5%, so với mức thuế thông thường là 12%. Nhập khẩu cá ngừ chế biến nói chung, bao gồm thịt cá ngừ chế biến tăng 5% về lượng lên 44.160 tấn và 8,6% về giá trị lên 191,8 triệu USD. Gần 70% lượng nhập khẩu này bao gồm cá ngừ đóng hộp và đóng gói cho tiêu dùng trực tiếp (30.760 tấn), phần còn lại là thịt cá ngừ sơ chế (13.450) để chế biến tiếp.

Tăng trưởng nhập khẩu các sản phẩm cá ngừ thịt trắng albacore tăng đáng kể, với mức tăng 63% lên 6.900 tấn, so với mức tăng chỉ 11% lượng nhập khẩu cá ngừ sọc và cá ngừ vây vàng trong quý 1/2017 so với cùng kỳ năm 2016. Ngoài ra, nhập khẩu cá ngừ ngâm dầu của Mỹ cũng cho thấy các khuynh hướng tích cực trong những năm gần đây. Nhâp khẩu thịt cá ngừ sơ chế để chế biến tiếp giảm 18% trong cùng kỳ rà soát.

Tại Canada, khuynh hướng giảm nhập khẩu trong năm 2016 (-3%) tiếp diên trong năm 2017 với lượng nhập khẩu cá ngừ đóng hộp giảm 5% trong quý 1/2017 so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, Thái Lan vẫn tăng nhẹ xuất khẩu (+1%) và duy trì vị thế nhà cung cấp cá ngừ đóng hộp hàng đầu cho thị trường này.

Tại Nam Mỹ, nhập khẩu cá ngừ đóng hộp tăng tại Argentina (+3%), Chile (+33%) và Mexico (+13%).

Thị trường EU

Giá cá ngừ nguyên liệu tăng ít ảnh hưởng tới hoạt động nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của EU trong quý 1/2017, có thể là do đặc quyền xuất khẩu phi thuế của các sản phẩm Ecuador sang thị trường EU. Không giống những năm trước, nhập khẩu cá ngừ chế biến/đóng hộp vào EU tăng 10,2% lên 136.600 tấn trong quý 1/2017 so với cùng kỳ năm 2016. Các nhà cung cấp lớn nhất cho thị trường EU là Ecuador, Mauritius, Seychelles, Thái Lan và Philippines. Nguồn cung từ Ecuador tăng 23% và nguồn cung từ 4 nhà cung cấp còn lại tăng từ 7 – 8% trong cùng kỳ so sánh.

Gần 55% kim ngạch nhập khẩu cá ngừ đóng hộp/đóng gói vào EU là dành cho tiêu dùng trực tiếp, với các thị trường lớn là Anh và Đức. Nhập khẩu giảm tại cả hai thị trường này với mức giảm lần lượt là 3,7% và 10,5%. Ngược lại, Hà Lan – vốn là cửa ngõ phân phối các sản phẩm tới các thị trường khác tại châu Âu, đặc biệt là khối EU) tăng nhập khẩu tới 47% trong cùng kỳ so sánh, nguồn cung từ Ecuador cho thị trường này tăng 12%.

Nhập khẩu thịt cá ngừ loins trong quý 1/2017 đạt 61.400 tấn, chủ yếu tại Tây Ban Nha, Pháp, Ý và Bồ Đào Nha, chiếm 45% tổng nhập khẩu cá ngừ chế biến. Tây Ban Nha là nhà nhập khẩu lớn nhất (54%) các mặt hàng thịt cá ngừ loins tại EU.

Tại Đông Âu, nhập khẩu cá ngừ đóng hộp tại Ba Lan giảm nhẹ (0,1%) nhưng tăng tại Séc (+14%), Romania (+43%) và Serbia (+48%). Nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của Nga giảm 33%, chủ yếu do giá tăng.

Châu Á Thái Bình Dương

Giá cá ngừ tăng cũng tác động tới thị trường Đông Á trong quý 1/2017. Nhập khẩu cá ngừ đóng hộp giảm tại Nhật và các thị trường Đông Nam Á với mức giảm từ 20 – 30% so với cùng kỳ năm 2016. Các nhà sản xuất cá ngừ đóng hộp Nhật Bản cho biết sản xuất nội địa chậm lại do giá nguyên liệu cao.

Tuy nhiên, thị trường Úc lại tăng nhập khẩu 23% trong quý 1/2017 so với cùng kỳ năm 2016, chủ yếu là các sản phẩm giá trị gia tăng cao từ Thái Lan.

Theo Globefish (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường