Giá trị xuất khẩu thủy sản trong tháng 8 năm 2018 ước đạt 739 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 8 tháng đầu năm 2018 ước đạt 5,5 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2017. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường xuất khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2018, chiếm 53,8% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong 7 tháng đầu năm 2018, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017 là Hà Lan (tăng 40,7%), Hồng Kông (tăng 23,3%), Đức (tăng 19,2%), Hàn Quốc (tăng 15%), Anh (tăng 14,9%) và Thái Lan (tăng 12,1%).
Giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong tháng qua khá ổn định, tạm dừng chuỗi giảm giá liên liên tiếp kể từ cuối tháng 5/2018. Mức giá cao nhất hiện trong khoảng 26.000 - 27.000 đ/kg (cá loại I) tại các vùng sản xuất như An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp. Nguồn cung cá giống khan hiếm, một phần do dịch bệnh cùng với nhu cầu thả bù hao hụt cao đẩy giá tiếp tục tăng so với tháng trước. Tại Cần Thơ, cá tra giống cỡ 30 con/kg hiện ở mức 45.000-50.000 đ/kg, tăng khoảng 20.000 đ/kg so với tháng trước.
Trong tháng 8/2018, giá tôm sú tại ĐBSCL tương đối ổn định, giá tôm thẻ chân trắng tăng nhẹ. Tại Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Bến Tre giá tôm sú ướp đá nguyên liệu cỡ 20-40 dao động 160.000-220.000 đ/kg. Giá tôm thẻ ướp đá tăng 3.000-5.000 đ/kg cho các cỡ từ 50-100 con/kg và đạt 110.000-115.000 đ/kg cho tôm cỡ 50 con/kg, 95.000-105.000 đ/kgcho cỡ 70 con/kg và 80.000-87.000 đ/kgcỡ 100 con/kg.
Giá tôm thế giới giảm thấp nên nhiều người nuôi tôm ở các nước Ấn Độ, Thái Lan giảm thả nuôi, sản lượng tôm của Ấn Độ năm 2018 có thể giảm đến 20% so với năm 2017, sản lượng tôm Thái Lan cũng giảm chưa phục hồi sau dịch bệnh sẽ chỉ còn khoảng 300.000 tấn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng tôm dịp cuối năm sẽ tăng cao, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu của Việt Nam đã ký kết được các đơn hàng lớn phục vụ dịp lễ quan trọng cuối năm 2018, triển vọng giá tôm trong thời gian tới sẽ tăng. Đối với cá tra, dự báo từ nay đến cuối năm kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng cao đặc biệt là thị trường Trung Quốc do nhu cầu vào dịp cuối năm của nước này cao.
Lưu ý:
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội trong tháng tới khi Ấn Độ, Thái Lan giảm thả nuôi. Sản lượng tôm của Ấn Độ có thể giảm đến 20% so với năm 2017, sản lượng tôm Thái Lan cũng sẽ chỉ còn khoảng 300.000 tấn trong khi đó nhu cầu tiêu thụ dịp cuối năm tăng cao, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu của Việt Nam đã ký kết được các đơn hàng lớn phục vụ các dịp lễ quan trọng cuối năm. Do vậy, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp thủy sản cần có các biện pháp tăng cường giám sát, đảm bảo chất lượng, an toàn dịch bệnh và tháo gỡ khó khăn vướng mắc từ các thị trường này.
Theo IPSARD-MARD