Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
TIN MỚI: Mỹ bất ngờ giảm thuế chống bán phá giá cho tôm Việt Nam
12 | 09 | 2018
Mức thuế chống bán phá giá dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam vào thị trường Mỹ trong kết quả cuối cùng trong kỳ POR12 bất ngờ giảm nhiều so với kết quả sơ bộ do Mỹ công bố trước đó.

Ngày 10.9, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã thông báo kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá (CBPG) cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12, giai đoạn từ 1.2.2016- 31.1.2017).

Cụ thể, mức thuế cho công ty Fimex là 4,58% và mức thuế các công ty khác là 4,58%. Trong đó, Fimex (Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta) được chọn là bị đơn bắt buộc duy nhất trong đợt xem xét hành chính lần này, do đó biên độ phá giá tính cho Fimex cũng được áp dụng cho các công ty còn lại.

Như vậy, mức thuế cuối cùng 4,58% đã thấp hơn rất nhiều so với mức sơ bộ 25,39% mà DOC thông báo ngày 8.3.2018. Kết quả này cũng khả quan hơn so với mức thuế cuối cùng của giai đoạn POR11.

Mỹ bất ngờ giảm thuế chống bán phá giá cho tôm Việt Nam từ 25% xuống dưới 4%. Ảnh: Thuận Hải

Theo Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), với kết quả cuối cùng POR12 thấp hơn so với kết quả sơ bộ và kết quả POR11, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Mỹ trong những tháng tới dự kiến sẽ hồi phục. Từ đó, đưa kết quả xuất khẩu tôm cả năm 2018 sang thị trường này dự báo lên khoảng 615 triệu USD, giảm nhẹ 6,5% so với năm 2017. 

Giải thích cho mức thuế này, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho rằng, khi qua Sao Ta thẩm tra, phái đoàn DOC đã nhận được đầy đủ tất cả những thông tin yêu cầu và DOC đã xem xét chu đáo, khách quan các thông tin trung thực và hợp lý mà Sao Ta cung ứng.

Ông Lực cũng cho biết mức thuế này nằm trong dự liệu, nguyên nhân chính là giá trị thay thế mà phía DOC sử dụng đã không còn phù hợp. Cụ thể, trước đây các doanh nghiệp tôm mua và chế biến phần lớn là tôm sú và nhận giá trị thay thế từ tôm sú Bangladesh. Nhưng hiên nay sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ của doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là tôm thẻ chân trắng nên giá thấp hơn tôm sú.

Tuy nhiên, mức thuế này có chút cải thiện so mức thuế POR11 là 4,78%. Do đó, doanh nghiệp tôm Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ đã đặt cọc tiền thuế theo mức 4,78% có thể thanh khoản, thu hồi được một khoản tiền, tuy là không lớn.

Hướng tới đợt xem xét POR13, Sao Ta cùng VASEP tập họp các bị đơn vụ kiện hợp tác với nhau để nhờ luật sư tư vấn, tìm giá trị thay thế mới là tôm thẻ cho phù hợp thực tế. Theo đánh giá của ông Lực, sản phẩm tôm thẻ rất phổ biến nên không khó tìm số liệu.

“Nếu giá trị thay thế mới được áp dụng, chắc chắn mức thuế ở POR13 sẽ rất thấp, thậm chí là 0%. Hiện nay Sao Ta đã cung ứng tới DOC tất cả dữ liệu mà DOC yêu cầu cho POR13”, ông Lực cho biết.

Cũng theo vị này, để cải thiện từ mức thuế sơ bộ trên 25% xuống còn dưới 5%, phía doanh nghiệp bị đơn bắt buộc đã cung cấp đầy đủ các thông tin DOC yêu cầu, thực hiện nghiêm túc quá trình thẩm tra sổ sách và cơ sở vật chất… đồng thời, thực hiện các đối sách mang tính chất bền vững,lâu dài.

“Về cơ bản là mức thuế này là một sự thành công bước đầu, các doanh nghiệp tôm Việt Nam an tâm đẩy mạnh bán hàng vào Hoa Kỳ, nhất là tới đây là giai đoạn tập trung mua hàng từ các nhà nhập khẩu nước này nhằm chuẩn bị cung ứng cho thị trường mùa lễ hội dịp cuối năm. Còn lại, tất cả nguồn lực sẽ tập trung vào POR13 và gần như chắc chắn mức thuế ở POR13 sẽ được cải thiện triệt để”, ông Lực chia sẻ.

Năm 2017, trong khi xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường đều tăng mạnh với giá xuất khẩu tăng cao hơn so với những năm trước, riêng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đã giảm 7%, còn 659 triệu USD do ảnh hưởng của thuế chống bán phá giá.

Do đó, Hoa Kỳ đã mất vị trí dẫn đầu, trở thành thị trường đứng thứ 4 trong các thị trường nhập khẩu tôm từ Việt Nam. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này trong 8 tháng đầu năm 2018 tiếp tục giảm 10,5%, xuống còn khoảng 372 triệu USD.

Nhiều doanh nghiệp Việt tự tin đẩy mạnh xuất khẩu tôm vào Mỹ sau khi thuế giảm. Ảnh: Thuận Hải

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), 5 tháng đầu năm nay, Mỹ nhập khẩu gần 254.100 tấn tôm, trị giá 2,4 tỷ USD tôm các loại, tăng 9% về khối lượng và 7% về giá trị. Việt Nam là nguồn cung tôm lớn thứ 5 cho Mỹ, chiếm 8,5% tổng giá trị nhập khẩu tôm của Mỹ.

Tính tới tháng 5 năm nay, nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào Mỹ đạt 17.900 tấn, trị giá 202,6 triệu USD, giảm 3% về khối lượng nhưng tăng 2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Giữa bối cảnh phải chịu nhiều áp lực từ thuế chống bán phá giá, các rào cản về kỹ thuật như Chương trình giám sát nhập khẩu hải sản vào Mỹ (SIMP)… các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tìm thấy nhiều cơ hội giữa cuộc chiến tranh thương mại Trung – Mỹ.

Theo đó, Mỹ sẽ áp thuế 10% đối với tất cả các sản phẩm nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có sản phẩm tôm với các mã như HS 03061700, 16052105, 16052110, 16052905, 16052910. Đây cũng là các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam trên thị trường Mỹ.

Trong khi đó, sau Việt Nam, Trung Quốc là nguồn cung lớn thứ 6 cho Mỹ, chiếm 4,8% thị phần. Được biết trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Trung Quốc sang Mỹ đạt 16.445 tấn, trị giá 115 triệu USD, tăng 6% về khối lượng và 4% về giá trị.

Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký VASEP nhận định, những sản phẩm này có khả năng cạnh tranh về giá và thuế suất với Trung Quốc trên thị trường Mỹ. Do đó, đây có thể được coi là lợi thế cho Việt Nam để tăng xuất khẩu những mặt hàng này sang Mỹ.

Hơn nữa, tôm Việt Nam đã có một vị thế nhất định với người tiêu dùng Mỹ nên khi nguồn cung từ Trung Quốc sụt giảm, nhà nhập khẩu Mỹ sẽ chọn Việt Nam là nguồn cung thay thế.

Theo Dân Việt



Báo cáo phân tích thị trường