Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập
09 | 11 | 2018
Ngành NN-PTNT đặt ra mục tiêu đến năm 2020 và các năm tiếp theo là xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM.

Mục tiêu toàn ngành đặt ra đến năm 2020 có tốc độ tăng giá trị gia tăng đạt tối thiểu 3%/năm; năng suất lao động tăng từ 3,5%/năm; thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015; có trên 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 15.000 hợp tác xã, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.

Trong đó, định hướng cơ cấu lại theo lĩnh vực, sản phẩm theo hướng tiếp tục rà soát và xây dựng 3 trục sản phẩm để có chiến lược và giải pháp phát triển phù hợp: (1) Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; (2) Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; (3) Nhóm sản phẩm theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”.

Đối với trồng trọt, tiếp tục điều chỉnh cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu từng vùng, miền. Tăng cường ứng dụng KHCN, các quy trình SXNN tốt, cơ giới hóa và thực hiện tốt phòng chống sâu bệnh. Phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực quốc gia; đồng thời, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị gia tăng/ha đất trồng trọt đạt khoảng 3%/năm; kim ngạch xuất khẩu lĩnh vực trồng trọt đạt 22 tỷ USD.

Về chăn nuôi, rà soát chiến lược phát triển ngành với từng đối tượng nuôi cụ thể để điều chỉnh quy mô và cơ cấu đàn vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường; phát triển các vùng chăn nuôi tập trung với các sản phẩm chủ lực; nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ, kết hợp với phát triển chăn nuôi hữu cơ, sinh thái. Phấn đấu đạt mức tăng thu nhập từ sản xuất chăn nuôi tối thiểu 5%/năm. Tỷ lệ sản phẩm sản xuất bằng các hình thức hợp tác, liên kết đạt 15%; tỷ lệ cơ sở chăn nuôi có xử lý chất thải an toàn môi trường đạt tối thiểu 60%.

Riêng thủy sản, phát triển nuôi trồng theo hướng hiệu quả, bền vững, thâm canh công nghệ cao; đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi phù hợp với lợi thế và biến đổi khí hậu của từng vùng, địa phương; tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi với quy trình thực hành nuôi tốt, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái.

Nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác; tổ chức lại sản xuất trên biển hiệu quả hơn; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để khai thác hải sản; khai thác phải gắn liền với bảo vệ và phát triển nguồn lợi, an ninh quốc phòng. Thực hiện nghiêm quy định về đánh bắt và truy xuất nguồn gốc thủy sản. Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị gia tăng tối thiểu 5%/năm; kim ngạch XK đạt 12,5 tỷ USD.

Về lâm nghiệp, thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên; bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái. Nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng; tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi, nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác trong lâm nghiệp. Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị gia tăng từ 4,5- 5%/năm; kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 10,5 tỷ USD, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; 25% diện tích rừng sản xuất được quản lý bền vững có xác nhận.

Thủy lợi và phòng chống thiên tai, phát triển thủy lợi đa mục tiêu; ưu tiên đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản và tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn. Xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch phòng chống thiên tai các cấp; nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro thiên tai.

Toàn ngành NN-PTNT xác định, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất về tính tất yếu và tầm quan trọng của thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nhất là tháo gỡ vướng mắc trong chính sách đất đai, đầu tư, phát triển công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ, đẩy mạnh phát triển thị trường.

Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 15 thế giới

Đến nay, nông lâm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu đến gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 157,49 tỷ USD, tăng 51,2% so với giai đoạn trước. Dự kiến năm 2018 sẽ đạt khoảng 40 tỷ USD, 10 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1,0 tỷ USD, trong đó 5 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD. Tỷ trọng các mặt hàng có lợi thế và thị trường, các mặt hàng đã qua chế biến và có giá trị gia tăng cao tăng nhanh: kim ngạch xuất khẩu rau, quả đã tăng từ 3% lên 9,59% trong tổng kim ngạch XK toàn ngành; 80% gạo XK là gạo chất lượng cao, vì vậy giá gạo Việt Nam xuất khẩu đã ngang bằng (có thời điểm vượt) giá gạo xuất khẩu cùng loại của Thái Lan.

Xuất khẩu nông sản Việt Nam đã đứng thứ 2 Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới. Năng lực cạnh tranh và vị thế của nông nghiệp Việt Nam ngày càng được nâng cao. Đây là thành quả nổi bật và rất quan trọng của quá trình cơ cấu lại nông nghiệp thời gian qua.

Theo NNVN



Báo cáo phân tích thị trường