Chính phủ Thái Lan đã tuyên bố các chính sách hỗ trợ nhưng vẫn chưa hiện thực hóa những lợi hứa này. Nợ nông nghiệp, phần lớn tập trung ở nông dân trồng lúa, tăng từ 2.400 tỷ Baht năm 2016 lên 2.800 tỷ Baht năm 2017, theo Cơ quan Thống kê Quốc gia (NOS). Trong số 3,8 triệu người đang nợ các khoản vay chính phủ, 1,1 triệu người là nông dân, theo NOS. Tháng 8 vừa qua, hàng trăm nông dân trồng lúa đã tụ tập trước các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác Nông nghiệp (BAAC) để yêu cầu trợ giúp. Chính phủ đã quyết định giúp giãn gánh nặng nợ nần cho họ bằng cách cắt giảm lãi suất. Nhưng câu hỏi lớn hơn là làm sao để giải quyết vấn đề nợ cũng nông dân một cách triệt để,
Nguồn cơn của nợ nần
Ông Samree Treesawat, nông dân 54 tuổi từ tỉnh Ayutthaya, là một trong số những nông dân tham gia biểu tình tại BAAC. “Tôi không nhìn thấy tương lai. Giá gạo mỗi năm lại giảm thêm kể từ khi chính phủ mới nắm quyền. Tôi không còn thu được lợi nhuận từ trồng lúa. Tôi đã là nông dân từ khi còn trẻ và không thể đổi sang một công việc mới”, ông Samree phát biểu. 10 năm trước, ông Seree vay 1 triệu Baht từ BAAC để xây nhà và mở một tiệm tạp hóa để làm sinh kế thứ hai, ngoài trồng lúa. Trong vài năm đầu, ông có thể đủ tiền trả nợ nhưng đã không còn thanh toán được nợ trong 4 năm qua. Tổng khoản lãi vay đã lên tới 300.000 Baht.
Thụt lùi
Một nông dân tại quận Nong Chok của Bangkok lái máy gặt để thu hoạch mùa màng. Nhiều yếu tố như thời tiết bất lợi, giá biến động và chi phí tăng đang khiến nông dân thêm lún sâu vào nợ nần.
Ông Samree cho biết ông không sở hữu đất nên chi phí lại càng cao và chi phí sản xuất lúa nhìn chung tăng. Giống nhiều nông dân trồng lúa khác, ông Samree thuê đất để trồng lúa. Vụ thu hoạch mang lại cho ông nguồn lúa gạo để bán. Dù vậy, ông không thể kiếm đủ tiền để trả nợ.
Đầu tiên, ông Samree cần dành ra 150kg lúa/rai để trả cho chủ đất. Chủ đất của ông muốn gạo thay vì tiền. Họ dễ kiếm tiền hơn khi bán gạo ra vào thời điểm giá gạo thế giới tăng mạnh. Nếu không, họ vẫn có thể kiếm tiền từ chương trình trợ cấp của chính phủ – theo chương trình thế chấp gạo hoặc các chương trình cầm cố gạo. Nếu hạn hán hoặc các điều kiện thời tiết bất lợi khác gây thiệt hại cho mùa màng, ông Samree có thể phải nợ tiền thuê đất. Nếu ông không thể thu hoạch đủ để trả chi phí thu đất cho chủ đất, ông vẫn phải trang trải chi phí sản xuất – dầu cho máy móc, thuốc BVTV hóa học, phân bón hóa học và giống.
Quá nhiều hỗ trợ
Dựa trên một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan (TDRI) năm 2016, gần 1/5 nợ của nông dân nằm trong các ngân hàng nhà nước. Ông Kamphol Pantakua, một nhà nghiên cứu từ TDRI, nông dân vay tiền từ ngân hàng để đầu tư thêm, có thể thu lời tới 77%. Mức lợi nhuận này quá tốt xét về kinh tế, ngoại trừ thực tế là nông dân vay tiền không chỉ dành cho sản xuất nông nghiệp. Khoảng 34% trong số họ vay tiền để xây hoặc mua nhà hoặc đất thổ cư, 15% chi cho giáo dục, 14% chi cho cải thiện kinh doanh nông nghiệp, 14% cho làm kinh doanh, 10% cho tiêu dùng nói chung và 13% cho các mục đích khác.
Vấn đề không phải là giải quyết nợ hay hỗ trợ tài chính. “Nông dân Thái Lan đang ngày càng ngập sâu vào nợ nần bởi họ có thể tiếp cận mọi nguồn tài chính. Tất cả các đời chính quyền Thái Làn đều có hàng loạt chính sách để giúp nông dân tiếp cận tài chính với chi phí thấp. Nhưng nông nghiệp là một lĩnh vực rủi ro cao với tỷ suất lợi nhuận không ổn định”, ông phân tích. Ông giải thích rằng gạo là hàng hóa dễ bán nhưng không sinh lời cao. Giá gạo biến động mạnh, dựa trên thị trường thế giới, chưa xét tới khía cạnh cạnh tranh khốc liệt. “Nông dân có thể có tỷ suất sinh lời 50% hoặc chịu thiệt hại lớn bất cứ lúc nào”.
Nhà nghiên cứu từ TDRI này cũng phát hiện ra rằng các chính sách hỗ trợ nông dân là một vấn đề cho chính họ. Chính phủ triển khai các chính sách trợ cấp cho nông dân, vốn là một thành phần phiếu bầu quan trọng. Để giải quyết vấn đề nợ, nhiều đời chính phủ Thái Lan cũng có các chính sách nợ treo. Ngoài ra, các chính phủ còn cung cấp các nguồn hỗ trợ phi tài chính khác, như phiếu giảm giá nhiên liệu, phân bón và các vật tư đầu vào khác. Các khoản vay đặc biệt với các điều khoản thanh toán dài hạn và lãi suất thấp cho nông dân cũng được triển khai. Lãi suất cho nông dân từ các ngân hàng nhà nước tại Thái Lan là mức thấp nhất trên khắp ASEAN – dưới 2%.
Ông Kamphol cho rằng chính phủ Thái Lan nên giảm trợ cấp cho ngành nông nghiệp và tập trung hơn về tính hiệu quả. Ông cho rằng chính phủ nên đóng vai trò mới như là một “cơ quan tài trợ” để hỗ trợ nông dân và thúc đẩy năng lực sản xuất của nông dân. Chính phủ nên thúc đẩy các tổ chức học thuật, các NGOs trong nước và các công chức chính phủ để hình thành nên một chiến lược mới nhằm giải quyết tình trạng nợ nần của nông dân. “Nhưng nếu chính phủ vẫn đẩy vào một lượng tiền lớn cho nông dân mà ít tập trung vào tính hiệu quả, đây sẽ là gánh nặng cho đất nước do các khoản tiền này được rút ra từ các lĩnh vực đang phát triển khác”.
Các khoản vay nhiều và tốt hơn
Chủ tịch BAAC Apirom Sukprasert cho biết tình trạng nợ xấu tại BAAC vẫn ở mức chấp nhận được. “Phần lớn nông dân có kỹ năng quản lý tài chính. Họ có thể thanh toán nợ đúng hạn. Nhưng chúng tôi vẫn có một số vấn dề, và chúng tôi sẽ rất hoan nghênh nếu nông dân thảo luận với chúng tôi về vấn đề này”.
Khoảng 1,5 triệu số người nợ tiền ngân hàng là người nghèo thuộc diện chính sách trợ cấp nhỏ của chính phủ, với khoản nợ trung bình mỗi người vào khoảng 300.000 Baht. Ông cho biết ngân hàng có các kênh linh động hơn để hỗ trợ nông dân cải thiện cuộc sống, so với trước đây, khi các khoản cho vay rất hạn chế, chỉ giới hạn trong mục đích nông nghiệp. “Giờ đây, các khách hàng của chúng tôi có thể có các khoản vay tài chính cho giáo dục hoặc mua sắm bất động sản với các mức lãi suất khác nhau. Tuy nhiên, điều quan trọng là ngân hàng sẽ làm việc với các tổ chức khác nhau để tạo ra “liều kháng sinh” cho các nông dân này. Nông dân được chỉ cho cách tuân thủ nguyên tắc tài chsinh và tăng tiết kiệm cá nhân. Ngân hàng cũng cung cấp các giải pháp thu hút thêm các khoản tiết kiệm từ nông dân. Hình thức được nhiều khách hàng ưa thích nhất là rút thăm may mắn, với người thắng giải sẽ được rút từ các tài khoản ký quỹ”.
Ông Apirom cho biết BAAC đang cải thiện các khoản vay mềm cho 452 tổ chức hợp tác nông dân trên cả nước, sẽ được phân bổ để hỗ trợ nông dân giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập. Chính sách này xuất phát từ chính sách cải cách nông nghiệp của chính phủ đương nhiệm.
Về phần mình, khu vực tư nhân sẽ giúp nông dân phân phối sản phẩm tới cho khách hàng. “Chúng tôi không còn tập trung vào biện pháp treo nợ và hoãn cho vay. Chúng ta phải tập trung và giúp nông dân tuân thủ nghiêm ngặt hơn các nguyên tắc tài chính và độc lập hơn về tài chính, là cách để giúp họ thoát khỏi nợ nần”.
Theo Bangkok Post