Trong một tham luận tại Hội thảo về giá cả, thị trường diễn ra tuần qua, bà Vũ Thị Đào, chuyên gia từ Viện Kinh tế Tài chính cho biết: Dự kiến cả năm nay, kim ngạch xuất khẩu hạt điều đạt 3,4 tỷ USD đã giảm tốc so với con số gần 3,516 tỷ USD của năm 2017, chiếm khoảng 60% thị phần xuất khẩu điều nhân toàn cầu. Với kết quả này, Việt Nam vẫn duy trì vị trí số 1 thế giới về chế biến và xuất khẩu điều nhân năm thứ 13 liên tiếp.
Tuy nhiên, vị chuyên gia chỉ ra rằng, ngành điều Việt Nam đang đứng trước rất nhiều khó khăn thách thức khi tốc độ tăng trưởng về sản xuất (trồng trọt) chưa theo kịp với tăng trưởng của ngành chế biến. Một nghịch lý của ngành điều đã nhiều năm nay là càng xuất khẩu nhiều thì càng nhập nhiều, do không đủ nguyên liệu để chế biến.
"Hơn nữa, ngành điều Việt Nam đang bị mất cân đối nghiêm trọng giữa năng lực chế biến và sản lượng sản xuất nội địa tạo ra nguy cơ lãng phí đầu tư, kém hiệu quả trong khai thác chế biến, tăng cạnh tranh không làm mạnh giữa các doanh nghiệp và dẫn đến tình trạng phá sản của các doanh nghiệp yếu. Trong khi đó, diện tích trồng điều càng ngày càng bị thu hẹp nhiều", bà Đào cho biết.
Theo bà Đào, đợt giảm giá vừa qua làm cho giá xuất khẩu bình quân mặt hàng hạt điều nhân đạt mức thấp nhất trong vài năm trở lại đây. Chính sự sụt giá này khiến không ít doanh nghiệp lỗ nặng. Hơn nữa, do các doanh nghiệp mở rộng công suất nhà máy quá lớn, dẫn tới không đủ nguyên liệu điều thô cho chế biến xuất khẩu, nên hậu quả là hàng loạt nhà máy buộc phải đóng cửa.
Thông tin từ Vinacas cho biết, hiện có rất nhiều nhà máy, cơ sở chế biến điều đang buộc phải đóng cửa, không thể sản xuất. Tại tỉnh Bình Phước, với khoảng 600 nhà máy, cơ sở chế biến điều xuất khẩu, đã có khoảng 480 đơn vị buộc phải đóng cửa. Ở tỉnh Long An, trong tổng số 33 cơ sở, thì hiện chỉ còn 12 cơ sở hoạt động cầm chừng...
Tính chung trên phạm vi cả nước, có khoảng 80% nhà máy, cơ sở chế biến điều đã tạm dừng hoạt động. Không chỉ thiếu nguyên liệu trầm trọng, mà việc nhập khẩu điều thô về để sản xuất cũng hết sức chậm trễ.
Đáng lưu ý, bà Đào cho hay, không chỉ riêng chất lượng điều thô nhập khẩu có vấn đề, việc mua điều thô hiện nay rất phức tạp, nhất là tình trạng “xù” hợp đồng. Tình trạng doanh nghiệp Việt Nam sang mua nguyên liệu, đặt cọc tiền trước cho người bán hàng nhưng rồi không nhận được hàng và cũng mất luôn cọc hoặc giao hàng chất lượng quá kém đã không còn hiếm hoi gì, đó là chưa nói bị tắc ở các cảng làm nhân điều thối.
Bên cạnh đó, hình thức thanh toán hiện nay cũng mang lại nhiều bất lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu điều thô Việt Nam. Với công thức thanh toán trước 98%, 2% còn lại sẽ thanh toán sau khi kiểm định chất lượng tại Việt Nam có vẻ có lợi cho người bán. Để đảm bảo an toàn trong khâu thanh toán, phần lớn các doanh nghiệp Việt đều muốn mở tín dụng thư (L/C) tại nước nhập khẩu, nhưng các ngân hàng ở châu Phi lại không có điều kiện mở L/C và có hãng tàu uy tín tham gia.
Trong khi đó, ngành điều Việt Nam chưa có sàn giao dịch nguyên liệu như ngành gỗ nên có trên 200 doanh nghiệp nhập khẩu hạt điều, có những doanh nghiệp vì muốn duy trì hoạt động nên phá giá để có hàng, nảy sinh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu điều quy mô nhỏ sẽ khó có cơ hội tiếp tục tồn tại, bởi các doanh nghiệp này thiếu các điều kiện cần thiết như: vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý, tiếp cận thị trường,…
"Bên cạnh đó, sự cạnh tranh trong ngành này đang diễn ra ngày càng gay gắt từ các đối thủ đến từ Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia…", bà Đào nói.
Dự báo về thị trường xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong năm 2019, bà Đào cho rằng, ngành điều Việt Nam sẽ bước qua chu kỳ phát triển mới, với kim ngạch xuất khẩu có thể chạm mốc 4 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, bước vào năm 2018, ngành điều toàn cầu sau chu kỳ tăng trưởng dài (giai đoạn 2011 - 2017) đã có những điều chỉnh nhẹ, cùng với những biến động của tình hình kinh tế thế giới, sản xuất kinh doanh điều gặp khó khăn. Do đó, để giữ được vị thế là nước xuất khẩu hạt điều số 1 thế giới, ngành điều phải chuyển theo hướng giảm lượng tăng chất, tức là bán với số lượng ít nhưng giá bán phải cao hơn.
Trong khi đó, về thị trường xuất khẩu, Mỹ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục là các thị trường nhập khẩu điều Việt Nam lớn, trong đó Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất chiếm từ 35-40% trong cơ cấu thị trường xuất khẩu của ngành điều Việt Nam. "Với lợi thế 13 năm liền là nước xuất khẩu nhân điều đứng đầu thế giới sau khi vượt qua Ấn Độ, vì vậy các nước có nhu cầu nhập khẩu nhân điều đều nghĩ đến Việt Nam", bà cho biết thêm.
Theo Dantri.vn