Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hạt điều đổi đời từ 2 hội nghị lịch sử
04 | 01 | 2019
Vốn chỉ là một trong nhiều loại cây được khuyến cáo trồng để phủ xanh đất trống đồi trọc, đến nay, điều đã là một cây trồng chủ lực ở nhiều tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Duyên hải Miền Trung, với giá trị XK đạt trên 3,6 tỷ USD vào năm 2017.

Theo các chuyên gia ngành điều, sự thay đổi số phận cây điều bắt đầu từ hội nghị toàn quốc đầu tiên về cây điều gần 40 năm trước. Còn đại hội thành lập tổ chức của ngành điều năm 1990 đã góp phần quan trọng thúc đẩy mạnh sự phát triển của ngành điều cả về sản xuất điều nguyên liệu và chế biến nhân điều xuất khẩu.  

Hội nghị xác định giá trị cây điều

Đã ngoài 80 tuổi, nhưng ông Phạm Đình Thanh, Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam trong 2 nhiệm kỳ đầu tiên, vẫn còn minh mẫn và đầy nhiệt huyết khi nói chuyện về cây điều, hạt điều. Bởi ông đã gắn bó với cây điều trong suốt hơn 40 năm qua, từ khi còn là một nhà khoa học công tác ở Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ NN-PTNT).

Từ trước năm 1975, khi còn đang làm việc ở miền Bắc và là Quyền Phân Viện trưởng Phân viện đặc sản rừng, ông Thanh đã bắt đầu nghiên cứu về cây đào lộn hột (điều) trong một đề tài nghiên cứu về các loại cây lâm đặc sản kết hợp trồng rừng và lấy sản phẩm như sa nhân, cánh kiến đỏ, ba kích, thông… Như vậy, dù đã được du nhập vào nước ta từ mấy trăm năm trước, nhưng đến thập niên 1970, điều vẫn chỉ được coi là một cây trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc.

Mãi đến năm 1983, cây điều mới có cơ hội đổi đời. Tất cả là nhờ hội nghị toàn quốc đầu tiên về cây điều với tên gọi khá dài: “Hội nghị chuyên đề nhằm rút các kinh nghiệm trồng cây đào lộn hột và giới thiệu các kết quả chế biến kinh doanh xuất khẩu các sản phẩm đào lộn hột, đồng thời thảo luận phương hướng và các biện pháp kinh tế - kỹ thuật đẩy mạnh phát triển mặt hàng này trong thời gian tới”. Hội nghị được tổ chức trong 2 ngày 23 - 24/12/1983 tại Sông Bé (nay là Bình Dương và Bình Phước).

Đã 35 năm trôi qua, nhưng cứ nhắc tới hội nghị ấy, ông Thanh lại không khỏi bồi hồi. Ông chậm rãi mở tập tài liệu, lấy ra một tờ giấy rất cũ, đã xỉn màu, các mép đã quăn, sờn rách. Đó là tờ giấy mời của Bộ Ngoại thương (nay là Bộ Công thương), do Thứ trưởng Nguyễn Tu ký, mời đích danh ông Thanh với tư cách là Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu đào lộn hột, tham dự hội nghị nói trên. Chỉ là một tờ giấy mời họp thôi mà ông Thanh còn lưu giữ cẩn thận đến tận bây giờ.

Khi trò chuyện với tôi, ông cứ nhắc nhở về tên tuổi của những người cùng ông tham dự hội nghị đó mà đến giờ đại đa số đã thành người thiên cổ. Những điều ấy đủ cho thấy Hội nghị toàn quốc đầu tiên về cây điều có ý nghĩa như thế nào với vận mệnh của cây điều, với những người là chứng nhân cho sự đổi đời của cây điều trong mấy chục năm qua.

Hội nghị toàn quốc về cây điều năm 1983 đã xác định được tiềm năng của cây điều là một loại cây có thể phát triển thành cây hàng hóa lấy sản phẩm xuất khẩu, mang ngoại tệ về cho đất nước. Chính vì thế, ngay sau khi kết thúc hội nghị, ngành công thương ở nhiều tỉnh đã tích cực hỗ trợ hạt điều giống cho nông dân gieo trồng. Ngày ấy chưa có quy hoạch, quy trình canh tác gì cả, nông dân cứ mạnh ai nấy trồng, chỗ nào còn đất trống thì gieo hạt xuống.

Nhờ vậy, diện tích điều nhanh chóng tăng lên. Nếu như trước Hội nghị điều toàn quốc năm 1983, sản lượng điều thô Việt Nam chỉ khoảng 2.000 tấn, thì theo một số liệu thống kê của nước ngoài, năm 1987, sản lượng điều thô của nước ta là 15.000 tấn. Đến năm 1989 là 30.000 tấn. Với sản lượng điều thô như vậy, trong thập niên 1980, Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu điều thô ra nước ngoài và có tên trong danh sách những nước sản xuất điều nguyên liệu.

Cây điều nhờ đó mà thoát ra khỏi thân phận chỉ là một loại cây trồng phủ xanh đất trống đồi trọc kết hợp lấy sản phẩm, để trở thành một cây công nghiệp hàng hóa thực sự. Đây là cơ sở quan trọng để sự quản lý nhà nước về cây điều ở cấp trung ương được chuyển từ Bộ Lâm nghiệp sang Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm (nay là Bộ NN-PTNT).  

Sau ngày thống nhất đất nước, do nhiều diện tích rừng ở miền Nam đã bị tàn phá nặng nề vì bom đạn, Bộ Lâm nghiệp đã ban hành danh mục các giống cây khuyến cáo trồng để phủ xanh đất trống, đồi trọc, trong đó có cây điều. Đồng thời, Bộ Lâm nghiệp đã bắt đầu nghiên cứu sâu hơn về cây điều, khi cử một đoàn cán bộ đi từ Bắc vào Nam để nghiên cứu về loại cây này. Năm 1978, Bộ Lâm nghiệp đã giao cho ông Phạm Đình Thanh làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu về gây trồng, chế biến, sử dụng điều. Tuy nhiên, điều vẫn mới chỉ dừng lại là một cây trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc, khi mà diện tích trồng điều còn khiêm tốn và tản mát, sản lượng còn ít ỏi tới mức Việt Nam chưa được coi là một nước sản xuất điều nguyên liệu.

Tổ chức của ngành điều

Cho đến năm 1990, Việt Nam vẫn chỉ xuất khẩu điều thô, chủ yếu là sang Ấn Độ. Điều này khiến cho hạt điều Việt Nam trở nên phụ thuộc vào nhà nhập khẩu, đầu ra rất bấp bênh. Nếu họ tuân thủ đúng theo hợp đồng đã ký thì mọi việc thuận lợi. Nhưng nếu họ bẻ kèo, không mua nữa, thì điều thô không biết bán đi đâu.

Thực tế, trong những năm cuối thập niên 1980, đã xảy ra một lần như vậy. Khách hàng Ấn Độ ký hợp đồng mua điều thô Việt Nam, nhưng rồi không thực hiện hợp đồng, khiến cho các DN cung ứng điều thô Việt Nam và nông dân trồng điều lâm vào tình cảnh khốn đốn vì không tiêu thụ được.

Sự cố năm ấy đã khiến cho các nhà quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia ngành điều phải suy nghĩ lại và nhận ra rằng không thể cứ xuất thô mãi được và phải có một tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp, nông dân trồng điều Việt Nam.

Đó là nguyên nhân quan trọng đưa tới việc tổ chức đại hội thành lập Hiệp hội Cây Điều Việt Nam (nay là Hiệp hội Điều Việt Nam - Vinacas) năm 1990.

Sự ra đời của Vinacas góp phần không nhỏ thúc đẩy các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào chế biến nhân điều xuất khẩu. Năm 1992, đánh dấu sự kiện lần đầu tiên nhân điều Việt Nam được xuất khẩu ra nước ngoài, tới thị trường Trung Quốc.

2 năm sau đó, nhân điều Việt Nam đã thâm nhập vào thị trường Mỹ, là nơi tiêu thụ nhân điều lớn nhất thế giới. Việc xuất khẩu được vào những thị trường lớn như trên đã thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến điều phát triển mạnh.

Đến năm 1996, Việt Nam đã chấm dứt hẳn việc xuất khẩu điều thô sang Ấn Độ, đồng thời bắt đầu nhập khẩu thêm điều thô từ châu Phi để phục vụ nhu cầu chế biến nhân điều xuất khẩu.

10 năm sau đó, Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ, trở thành nước xuất khẩu nhân điều lớn nhất thế giới và liên tục duy trì vị trí ấy cho đến tận bây giờ.

Sự ra đời của Vinacas với nhiều thành viên là các doanh nghiệp Việt Nam đang chuyển dần từ xuất điều thô sang chế biến và xuất khẩu nhân điều, đã tạo được niềm tin lớn cho người trồng điều và ngành nông nghiệp các tỉnh có trồng điều.

Bởi từ nay, hạt điều mà nông dân sản xuất ra, đã có những nguồn tiêu thụ trong nước là các nhà máy chế biến điều. Điều đó đã góp phần không nhỏ làm cho diện tích cũng như sản lượng điều có sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa ở từng địa phương và trên cả nước, tạo đà đưa Việt Nam vào danh sách những nước có diện tích và sản lượng điều nguyên liệu hàng đầu thế giới.

Đặc biệt, chất lượng hạt điều Việt Nam, nhất là điều Bình Phước, được đánh giá là tốt nhất thế giới, đã góp phần quan trọng tạo nên giá trị cho nhân điều Việt Nam trên thị trường thế giới.

Báo Nông nghiệp Việt Nam



Báo cáo phân tích thị trường