Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hiến kế 6 giải pháp tích tụ đất đai
21 | 01 | 2019
Ruộng đất phân tán, manh mún là cản trở chính cho việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, hạ giá thành, thúc đẩy sản xuất hàng hóa và nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản.

Dễ dàng áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng KHCN

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất. Việc đề xuất sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn đang là yêu cầu cấp bách của Chính phủ và các bộ ngành, các địa phương hiện nay nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp.

Kết quả nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp tích tụ và tập trung ruộng đất trong nông nghiệp vùng đồng bằng Nam Bộ” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thực hiện trong 2 năm 2017-2018 cho thấy: Tích tụ và tập trung đất đai trong nông nghiệp đem lại hiệu quả tích cực như tăng năng suất cây trồng, giảm đáng kể chi phí sản xuất, tăng chất lượng và giá bán sản phẩm, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất.

Tích tụ ruộng đất tạo điều kiện cho áp dụng cơ giới vào sản xuất. Ảnh: I.T

Ngoài ra, tích tụ và tập trung đất đai trong nông nghiệp còn tạo điều kiện để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho cải tạo đồng ruộng và hạ tầng sản xuất, qua đó dễ dàng áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.

Tuy nhiên, tích tụ và tập trung đất đai trong nông nghiệp cũng có những tác động tiêu cực, đó là: Ảnh hưởng đến sinh kế của một bộ phận người dân không còn đất sản xuất nông nghiệp do không tìm kiếm được việc làm phi nông nghiệp; gây nên sự bất bình đẳng về ruộng đất và thu nhập trong nông thôn. Hậu quả là làm gia tăng sự phân hóa giầu nghèo trong xã hội nông thôn.

Từ thực tiễn nghiên cứu và kinh nghiệm cả trong và ngoài nước, nhóm nghiên cứu đã đưa ra quan điểm của mình về tích tụ và tập trung ruộng đất như:

Thứ nhất, tích tụ và tập trung ruộng đất phải phù hợp với quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với xu thế hội nhập và là xu hướng tất yếu của sản xuất với quy mô lớn.

Thứ hai, tích tụ và tập trung ruộng đất phải luôn tuân thủ theo nguyên tắc thị trường, do các chủ thể (hộ nông dân, HTX nông nghiệp, doanh nghiệp) tự nguyện tham gia thực hiện. Việc hành chính hóa trong tích tụ và tập trung ruộng đất sẽ làm gia tăng các tác động tiêu cực trong nông thôn.

Thứ ba, tích tụ và tập trung ruộng đất phải phù hợp với điều kiện về đất đai, địa hình, khí hậu thực tế từng vùng, từng địa phương.

Thứ tư, tích tụ và tập trung ruộng đất cần nhắm đến mục tiêu khai thác và sử dụng đất một cách hiệu quả nhất.

Thứ năm, tích tụ và tập trung ruộng đất cần bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn với hiệu quả sản xuất của các chủ thể tham gia, đặc biệt là đời sống của người nông dân.

Thứ sáu, tích tụ và tập trung ruộng đất phải luôn gắn với chuyển dịch và phân công lại lao động trong nông nghiệp, tạo công ăn việc làm và chuyển đổi nghề cho lao động nông nghiệp.

Thứ bảy, nên khuyến khích tích tụ và tập trung ruộng đất với quy mô diện tích vừa phải, phù hợp với từng loại cây trồng, từng loại địa hình, phù hợp với năng lực và trình độ sản xuất của hộ nông dân.

Quá trình tích tụ ruộng đất sẽ hình thành các khu sản xuất tập trung. Ảnh: I.T

Thực hiện đồng bộ 6 giải pháp cơ bản

Theo nhóm nghiên cứu, để thúc đẩy tích tụ và tập trung đất đai trong nông nghiệp thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp khi thực hiện tích tụ và tập trung ruộng đất. Đồng thời tổ chức quy hoạch và quản lý quy hoạch các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung theo hướng cánh đồng lớn gắn với các sản phẩm nông sản có lợi thế của vùng và của từng địa phương; quy hoạch hạ tầng giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản ở các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng nông nghiệp công nghệ cao.

Hai là, đẩy mạnh sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và các luật liên quan. Cụ thể: bổ sung thêm loại đất phục vụ mục đích hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trong phân loại đất nông nghiệp tại Điều 10 Luật Đất đai 2013. Cho phép xây dựng CSHT phục vụ sản xuất (nhà xưởng, trang thiết bị chế biến, lưu trữ, bảo quản nông sản) trên đất nông nghiệp; Xây dựng khung pháp lý để bảo lãnh tín dụng dựa trên tài sản trên đất; Thống nhất vốn góp vào doanh nghiệp là quyền sử dụng đất tại Luật Doanh nghiệp 2014 để phù hợp với Luật Đất đai 2013 và Bộ Luật dân sự năm 2015; Xây dựng cơ chế để thành lập và triển khai hoạt động của Ngân hàng đất nông nghiệp để thuê lại đất của hộ gia đình, cá nhân; Sửa khoản điều 191 Luật Đất đai 2013 về việc quy định hộ gia đình cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp mới được nhận chuyển nhượng đất lúa; Miễn thuế thu nhập cá nhân đối với trường hợp hộ chuyển nhượng đất nông nghiệp vì mục đích tích tụ và tập trung đất nông nghiệp sản xuất quy mô lớn.

Ba là, sửa đổi, bổ sung chính sách đất đai tạo thuận lợi cho tích tụ và tập trung ruộng đất sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Chính phủ cần sớm xây dựng chính sách tài chính thúc đẩy việc mua, thuê đất nông nghiệp. Xây dựng nguyên tắc góp vốn bằng quyền sử dụng đất, điều kiện góp vốn, giá trị vốn góp (theo giá đất, theo sự phát triển của doanh nghiệp), cơ chế minh bạch trong hạch toán kinh doanh. Xây dựng cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hình thức nhận vốn góp bằng đất của người dân tại địa bàn khó khăn.

Có những chính sách khuyến khích hình thức góp vốn bằng quyền sử dụng đất như chính sách hỗ trợ riêng cho người nghèo, người ít đất và dân tộc thiểu số khi góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Điều chỉnh khung giá khi Nhà nước cho thuê đất nông nghiệp sát với giá thị trường, giúp giảm giá thuê đất, thúc đẩy các hộ và doanh nghiệp thuê đất sản xuất nông nghiệp. Xây dựng cơ chế thúc đẩy HTX đứng ra thuê ruộng của dân, cho doanh nghiệp thuê lại. Xây dựng cơ chế cho nông dân vay ưu đãi khi họ dùng tiền để mua đất với mục đích tích tụ để hình thành trang trại sản xuất hàng hóa nông nghiệp quy mô lớn.

Bốn là, hoàn thiện chính sách cho các chủ thể thực hiện tích tụ và tập trung ruộng đất: chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; chính sách phát triển kinh tế trang trại, gia trại; chính sách phát triển hợp tác, liên kết để tăng quy mô và hiệu quả sản xuất theo hình thức hợp tác xã, liên kết chuỗi giá trị, hình thành cánh đồng lớn.

Năm là, xây dựng và phát triển thị trường đất, công nhận quyền tài sản đối với đất nông nghiệp; phát triển thị trường lao động: đào tạo nghề, hỗ trợ chuyển dịch lực lượng lao động trong sản xuất nông nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển thị trường bảo hiểm: bảo hiểm sản xuất nông nghiệp, bảo hiểm xã hội cho lao động nông thôn.

Sáu là, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về tích tụ, tập trung ruộng đất. Phát huy vai trò các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tuyên truyền, hỗ trợ người nông dân cả trong quá trình và sau khi thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất. Trực tiếp tham gia tích cực vào quá trình thực hiện tích tụ và tập trung ruộng đất của hộ nông dân, HTX nông nghiệp, doanh nghiệp như: hướng dẫn, tư vấn cho nông dân áp dụng quy trình kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; tham gia hòa giải, xử lý tranh chấp khi có mâu thuẫn, xung đột xảy ra giữa các chủ thể tham gia tích tụ và tập trung đất đai.

Lều Vũ Điều - Nguyễn Tiến Định - Phạm Quốc Trị

Tác giả Lều Vũ Điều - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam.

Hai tác giả Nguyễn Tiến Định và Phạm Quốc Trị hiện đang công tác tại Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NNPTNT).

Theo Dân Việt



Báo cáo phân tích thị trường