Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kiên Giang: Tiêu leo tràm, trước lời 300 triệu nay chỉ còn 50 triệu
06 | 05 | 2019
Gia đình anh Nguyễn Anh Vũ, ngụ ấp 2, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang trồng 3.000 gốc tiêu leo cây tràm, trong đó có 1.500 gốc đang cho thu hoạch. Trước đây, thời điểm giá tiêu trên thị trường dao động mức 200.000 đồng/kg, anh Vũ thu lời từ 200 - 300 triệu đồng.Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá tiêu liên tục xuống thấp, thời điểm hiện tại chỉ ở mức 50.000 đồng/kg, ước tính lợi nhuận từ cây tiêu của gia đình anh Vũ chỉ còn khoảng 50 triệu đồng/năm.

Huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang đang phát triển mạnh mô hình trồng tiêu giá thể từ cây tràm (còn gọi là mô hình tiêu leo tràm), nhất là ở hai xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc và Vĩnh Hòa Hưng Nam. Nông dân ở Gò Quao hiện còn được chính quyền địa phương tạo điều kiện để tham gia vào các tổ hợp tác trồng tiêu hữu cơ, giúp tăng giá trị kinh tế từ sản phẩm tiêu hữu cơ.

Hiện tại, diện tích trồng tiêu huyện Gò Quao khoảng 205 ha, trong đó chủ yếu là mô hình tiêu leo tràm. Chúng tôi đến xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc là địa phương phát triển mạnh nhất mô hình tiêu leo tràm với khoảng 120 hộ trồng tiêu, diện tích khoảng 100 ha. Khác với nhiều địa phương có nghề trồng tiêu trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, mô hình trồng tiêu nơi đây sử dụng cây tràm làm nọc để cây tiêu đeo bám, sinh trưởng và phát triển.

Cách thức này giúp tiết kiệm chi phí ban đầu làm nọc (nọc bê-tông, nọc gỗ…), hơn nữa, đặc điểm cây tràm có tán nhỏ, mọc thẳng đứng với lớp vỏ bên ngoài giúp dây tiêu bám rễ bền chặt, hút nước tốt. Bình quân 1.000 m² đất vườn trồng từ 200 - 300 nọc tiêu.

Anh Nguyễn Anh Vũ ngụ ấp 2, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao cho biết, mô hình tiêu leo tràm ở Vĩnh Hòa Hưng Bắc có từ hơn hai chục năm nay nhưng thực sự phát triển vào đầu những năm 2000. Nhờ hiệu quả kinh tế cao, dễ trồng nên rất nhiều hộ trong xã đã áp dụng và được nhân rộng trên địa bàn toàn huyện. Không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mô hình này còn tạo ra môi trường sinh thái xanh - sạch trong lành cho người dân.

Gia đình anh Vũ áp dụng mô hình tiêu leo tràm được 14 năm, hiện có khoảng 3.000 gốc tiêu, trong đó có 1.500 gốc đang cho thu hoạch. Năng suất đạt được là 2 kg/gốc tiêu, bình quân thu hoạch khoảng 3 tấn/năm. Trước đây, thời điểm giá tiêu trên thị trường dao động mức 200.000 đồng/kg, anh Vũ thu được từ 200 - 300 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí chăm sóc, phân bón…, giúp cuộc sống gia đình ổn định.

Ông Dương Duy Duyệt, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Quao cho biết, do điều kiện giá cả tiêu trên thị trường bấp bênh đã khiến việc trồng tiêu của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Ngành nông nghiệp huyện Gò Quao đã phối hợp với Trạm khuyến nông, cùng sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng sử dụng phân vi sinh, từng bước đưa nâng cao chất lượng hạt tiêu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đến thời điểm hiện tại, đã có 20 ha tiêu của huyện Gò Quao đạt chứng nhận VietGAP và đang làm thí điểm 11,8 ha mô hình tiêu hữu cơ của Công ty TNHH Sinh học tự nhiên Phú Quốc. Bước đầu triển khai có những tín hiệu khả quan khi qua kiểm tra một số điều kiện để sản xuất tiêu hữu cơ, doanh nghiệp đã đáp ứng được yêu cầu, còn đối với nông dân trồng tiêu cũng đã đối ứng rất tốt các điều kiện doanh nghiệp đưa ra cùng các tiêu chuẩn sản xuất tiêu theo quy trình hữu cơ.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá tiêu liên tục xuống thấp, thời điểm hiện tại chỉ ở mức 50.000 đồng/kg, ước tính lợi nhuận từ cây tiêu của gia đình anh Vũ chỉ còn khoảng 50 triệu đồng/năm.

Việc sản xuất tiêu hữu cơ có ưu điểm là không sử dụng các loại phân, thuốc hóa học. Thay vào đó, nông dân trồng tiêu sẽ sử dụng phân hữu cơ sinh học, phân ủ hoai mục. Đây là cách canh tác thân thiện với môi trường, giúp tạo ra sản phẩm tiêu hữu cơ sạch, năng suất ổn định, an toàn cho sức khỏe.

Mô hình tiêu leo tràm của anh Vũ cũng đang được áp dụng theo hướng hữu cơ. Theo anh Vũ, trồng tiêu theo hướng hữu cơ có nhiểu đặc điểm ưu việt hơn, đặc biệt đất trồng tiêu được cải tạo, tơi xốp hơn, tăng khả năng giữ nước và thoát nước; đồng thời giúp tăng các chủng loại vi sinh vật có ích, nâng cao sức sống rễ cây, hạn chế mầm bệnh gây hại có trong đất.

Theo ông Dương Duy Duyệt, huyện Gò Quao sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, mở rộng quy mô diện tích tiêu hữu cơ từ diện tích tiêu VietGAP, vì VietGAP được coi là nền tảng để từng bước phát triển lên trồng tiêu hữu cơ. Nếu sản phẩm tiêu hữu cơ đạt chứng nhận VietGAP, giá trị mang lại sẽ cao hơn so với giá thị trường từ 30 - 40%, chi phí đầu vào của tiêu cũng giảm, giúp nâng cao lợi nhuận cho nông dân trồng tiêu dù giá tiêu trên thị trường không cao.

"Đây là định hướng sản xuất tiêu trong tình hình giá cả thị trường biến động, cùng với việc từng bước quy hoạch vùng nguyên liệu tiêu nhằm đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, góp phần xây dựng thương hiệu của sản phẩm tiêu Gò Quao ngày càng phát triển...", ông Dương Duy Duyệt.

TTXVN



Báo cáo phân tích thị trường