Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thiếu hụt thịt lợn thế giới không thể bù đắp
08 | 05 | 2019
Rabobank ước tính Trung Quốc có thể phải tiêu hủy tới 200 triệu con lợn và “cả thế giới gộp lại” cũng không đủ để bù đắp nguy cơ thiếu hụt này.

SCMP dẫn lời Đường Khoa, trưởng phòng thông tin kinh tế và thị trường, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, cho biết giá thịt lợn đã tăng mạnh trong tháng 3 và có thể tăng thêm tới 70% trong nửa cuối năm nay. Giá thịt lợn bán buôn trung bình trong tháng 3 tăng 6,3% so với tháng 2, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong khi đó, quy mô đàn đang giảm, số lượng lợn tại các trang trại trong tháng 3 thấp hơn 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này đối với lợn nái là giảm 21%.

Nếu không được kiểm soát, ASF sẽ hủy hoại ngành chăn nuôi, giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc. CPI tháng 3 Trung Quốc tăng 2,3% và vẫn dưới mục tiêu 3% của chính phủ nước này.

“Giá thịt lợn sẽ là nguyên nhân chính làm tăng CPI trong năm nay”, Lục Đình, chuyên gia kinh tế về Trung Quốc tại Viện nghiên cứu kinh tế Nomura, Nhật Bản, nhận định.

Nguồn cung trong nước giảm, Trung Quốc buộc phải nhập khẩu thêm thịt lợn từ bên ngoài. Trong hai tháng đầu năm, khối lượng thịt lợn nhập khẩu đã tăng 10% lên 207.000 tấn, theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc.  

Giá thịt lợn nhảy vọt

“Một phần thịt lợn thường tới Mỹ giờ lại chuyển hướng sang Trung Quốc bởi họ trả giá cao hơn”, Jens Munk Ebbesen, giám đốc an toàn thực phẩm và các vấn đề thú y tại Hội đồng Lương thực và Nông nghiệp Đan Mạch, cho biết.

ASF đang để lại những hệ quả nhất định, từ đẩy giá thực phẩm cho đến tăng nhu cầu sử dụng các loại thịt khác như gà và bò. Sản lượng thịt lợn tại Trung Quốc có thể giảm 30% trong năm nay, theo Rabobank International.

Tình trạng dư cầu sẽ có lợi cho nông dân, những người có thể bán lợn với giá cao hơn. Các nhà sản xuất có thể tăng quy mô chăn nuôi nhưng quy trình này cần có thời gian. “Đây là một thời khắc tốt cho các nhà sản xuất”, Didier Delzescaux, giám đốc hội đồng thịt lợn Pháp Inaporc, nói.

Tuy nhiên, 80% các trang trại lợn ở Trung Quốc lại chọn không tái đàn bởi ASF vẫn còn hoành hành.

“Chưa bao giờ có sự hoảng loạn như vậy trong các trang trại”, Vương Quân Tấn, phó phòng chăn nuôi và dịch vụ thú y, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, cho biết. “Nếu niềm tin không phục hồi, người tiêu dùng sẽ chịu thiệt”.

Ông Vương cảnh báo giá thịt lợn có thể tăng hơn nữa trong năm 2020. Người Trung Quốc thích thịt lợn, chiếm 60% lượng thịt tiêu thụ. Chính “đam mê” này đang gây áp lực lên nhà chức trách trong việc đảm bảo đủ nguồn cung.

Nguồn cung nội địa giảm 10%, Trung Quốc sẽ phải nhập thêm hơn 2 triệu tấn thịt lợn, Chu Tăng Dũng, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, cho biết. Lượng thịt lợn thương mại hàng năm của thế giới là khoảng 9 triệu tấn, chỉ bằng 2 tháng tiêu thụ của Trung Quốc.

Về sản phẩm thay thế, ngành chăn nuôi gia cầm cũng đang bị hạn chế mở rộng. Sản lượng thịt gà có thể tăng 2,4% trong năm nay nhưng sức tiêu thụ có thể tăng 2,6%.



Báo nông nghiệp
Báo cáo phân tích thị trường