Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thêm vụ mía 'đắng'
10 | 05 | 2019
2019, người trồng mía tỉnh Khánh Hòa lại nếm thêm vị đắng đót của cây mía, thay cho vị ngọt ngào mà lẽ ra cây mía vốn phải có.

Khi giá mía thu mua thấp nhất từ trước tới nay, cộng với năng suất thấp, chi phí công lao động, vận chuyển tăng cao đã ngốn hết tiền lời của nông dân.

3 năm liên tiếp thua lỗ

Theo Chi cục Trồng trọt – BVTV Khánh Hòa, niên vụ 2018-2019, toàn tỉnh trồng hơn 17.610 ha mía, giảm khoảng 569 ha so với niên vụ trước. Đến nay nông dân đã thu hoạch trên 11.225 ha mía, năng suất ước đạt 45,9 tạ/ha, giảm 32,2 tạ/ha so với năm trước, sản lượng khoảng 515.274 tấn. Theo đánh giá, vụ này người trồng mía lại thua lỗ nặng. Bởi không chỉ giá mía thu mua mía thấp nhất từ trước đến nay, mà năng suất cũng thấp, chưa kể việc khan hiếm công lao động đốn mía và tăng khá cao.

Người trồng mía ở Khánh Hòa liên tục thua lỗ

Nhà máy có chi trả cho xe vận chuyển mía nhưng mình phải bù thêm thì xe mới chở. Ví vụ, để chở mía vào nhà máy đường Việt Nam, Cty đã trả tiền xe 135.000 đồng/tấn, nhưng mình phải bỏ thêm 30.000 đ/tấn nữa, tức là trung bình mỗi xe chở trên 10 tấn, nông dân tốn trên 300.000 đồng nữa. Rồi đến bốc xếp mía lên xe cũng phải mất thêm 200.000 đồng/xe, vì nhà máy chỉ hỗ trợ 30 ngàn đồng/tấn thôi. Đủ chi phí phải chi trả nên nông dân tính ra chẳng còn gì.Ông Hồ Quang Hiếu, một người trồng mía ở thôn Bắc, xã Ninh Tân (TX Ninh Hòa) cho biết, giá mía thu mua đối với Cty Đường Biên Hòa - Ninh Hòa là 695.000 đồng/tấn (10 CCS), còn Cty Đường Việt Nam (Vietsugar) là 720.000 đồng/tấn (10 CCS), giảm từ 100.000 -110.000 đồng/tấn so với niên vụ trước. Nhưng khổ nhất là đỏ mắt thuê lao động chặt mía mà không có. Trước công chặt mía từ 1.200-1.500 đồng/bó, nay tăng lên từ 1.700- 2.000 đồng/bó (bó 10kg). Nhưng chặt mía xong rồi, nông dân phải tự kiếm xe chở mía.

Theo tìm hiểu, như gia đình ông Hiếu vụ này có 3 ha mía, thu hoạch đạt khoảng 75 tấn mía cây, tương ứng 25 tấn/ha. Với giá mía bán ra 720 ngàn đồng/tấn, ông thu hơn 50 triệu đồng. Trong khi đó, 3ha mía lưu gốc này tiền đầu tư phân, thuốc ông đã tốn 30 triệu đồng, cộng với tiền công lao động chặt mía và chi thêm tiền vận chuyển, bốc xếp...đã ngốn hết doanh thu bán mía. “Vụ mía này ai may mắn lấy được tiền đầu tư là mừng rồi, chứ còn đâu mà lời lãi”, ông Hiếu chia sẻ.

Cũng theo bà con, đây là năm thứ 3 liên tiếp nông dân trồng mía khó khăn và thua lỗ. Bà Hoàng Thị Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Tân cũng thừa nhận điều này và cho biết, niên vụ mía 2016-2017, cây mía bị ảnh hưởng hạn hán nên năng suất thấp, đến niên 2017-2018 thì bị ảnh hưởng bão số 12, làm mía đổ ngả, thiệt hại. Còn niên vụ này nông dân trồng mía thêm chồng chất khó khăn, toàn xã trồng 1.100 ha, đến nay cơ bản đã thu hoạch xong cho thấy hầu hết nông dân đều thua lỗ.

Nông dân không mặn mà

Ghi nhận tại xã Ninh Tân, nhiều nông dân bây giờ chẳng còn mặn mà với cây mía. Nhiều diện tích bà con tính bỏ mía, nhưng chưa tìm ra cây gì thay thế. Ông Hiếu cho biết, niên vụ tới chắc chắn nông dân bỏ mía nhiều. Mấy năm nay diện tích mía đã thu hẹp dần, và chắc chắn còn thu hẹp nữa.

Trước đây các NM đường đều xe chở mía, nay nông dân phải tự kiếm xe chở về nhà máy

Theo Chi cục Trồng trọt-BVTV Khánh Hòa, đến nay niên vụ mía 2019- 2020 bà con trồng và chăm sóc khoảng 16.441 ha mía. Dự kiến diện tích mía cả năm là hơn 17.000 ha, tức là diện tích mía tiếp tục giảm. Đối với diện tích mía trồng kém hiệu quả nên chuyển sang trồng cây khác, Sở NN-PTNT Khánh Hòa cũng đã có văn bản gửi UBND các huyện, TX, TP hướng dẫn nông dân chuyển đổi, xác định cây trồng phù hợp.“Như nhà tôi có 3 ha mía, vụ này chỉ chăm sóc vài ruộng tốt. Còn lại 2 ha tôi bỏ đất trống, vì chưa biết trồng cây gì hiệu quả”, ông Hiếu chia sẻ. Nhiều địa phương trồng mía của tỉnh Khánh Hòa cũng lo ngại diện tích mía sắp tới sẽ thu hẹp dần, nếu nhà nước không có chính sách hỗ trợ người trồng mía như vốn đầu tư, giống mía.

Theo đó, đất đồi núi, đất dốc đã quy hoạch trồng rừng SX nhưng do những năm trước thấy trồng mía có hiệu quả nên chuyển sang trồng mía, nay đất bạc màu, không chủ động nước tưới, cho năng suất thấp, các địa phương hướng dẫn nông dân trồng rừng, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm, chủ lực là keo, điều.

Còn đất nông nghiệp đã quy hoạch trồng cây hàng năm đang trồng mía kém hiệu quả nhưng không có điều kiện thâm canh, tăng năng suất mía thì cần hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm như xoài, điều cao sản với các giống PN1, AB29, AB 05-08.

Đối với diện tích đất bằng, có nước tưới bổ sung nhưng trồng mía kém hiệu quả, thì hợp tác, liên kết SX mía nguyên liệu với Cty, áp dụng quy trình trồng mía thâm canh cao, đồng bộ cơ giới hóa để nâng cao năng suất, hạ giá thành, cung cấp mía ổn định cho các NM đường trong tỉnh...

Mới đây, Hội mía đường Khánh Hòa có văn bản gửi HĐND tỉnh Khánh Hòa, UBND tỉnh và Sở NN-PTNT kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho cây mía. Bởi niên vụ 2018 - 2019, cây mía phải chịu nhiều đợt nắng hạn kéo dài, trong khi hầu hết diện tích trồng mía không chủ động về nước tưới, năng suất mía bình quân chỉ đạt 35 - 40 tấn/ha, bằng khoảng 2/3 so với trước.

Báo Nông nghiệp Việt Nam



Báo cáo phân tích thị trường