Cơ hội lớn cho quả vải, nhãn và chôm chôm Việt Nam
Phát biểu tại Hội nghị nhãn, vải quốc tế lần thứ 6, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết vải, nhãn và một số loại quả thuộc họ bồ hòn đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế nhiều quốc gia đặc biệt như một số nước châu Á như Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam.
Hội nghị nhãn, vải quốc tế lần thứ 6. Ảnh: Đức Quỳnh.
Năm 2018, diện tích vải, nhãn và chôm chôm đạt 160.000 ha, tương đương 16,1% tổng diện tích các loài cây ăn quả.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhận định nhu cầu đối với các loại hoa quả tươi và chế biến đang ngày tăng cao được xem là triển vọng tươi sáng đối với hoạt động sản xuất quả vải, nhãn và một số loài cây thuộc họ bồ hòn nói chung.
Trong năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của của vải, nhãn và chôm chôm trong năm 2018 ước đạt 324,4 triệu USD, chiếm 10,4% của tổng kim ngạch xuẩt khẩu các loại hoa quả. Đồng thời, đây là 3/10 loại quả nằm trong chương trình tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam.
Còn nhiều thách thức cần giải quyết
Tuy nhiên, hiện nay, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết do chịu tác động của thay đổi khí hậu toàn cầu nên năng suất cây vải giảm 40 - 50%.
Ông Nguyễn Văn Phong, chuyên gia đến từ Viên Cây ăn quả miền Nam, cho biết hiện nay số hộ trồng chôm chôm, vải, nhãn quy mô nhỏ chiếm tới 70% tổng sản lượng toàn quốc. Hệ thống quản lí kém và chủ yếu bán cho thương lái nên tổn thất nhiều trong quá trình thu hái. Cụ thể, tỉ lệ tổn thất lên tới 25 - 30%. Đôi khi con số này lên tới 50%.
Tỉ lệ này giảm một chút, khoảng 11 - 35%, đối với các hộ nông dân nhỏ tham gia vào hợp tác xã để có qui mô sản xuất lớn.
Bên cạnh đó, quá trình bảo quản sau khi thu hái cũng là một vấn đề lớn khi mới chỉ dừng ở mức độ thủ công, ông Phong nhận xét. Vải, nhãn, chôm chôm được thu hái và vận chuyển trực tiếp ra thị trường trong vòng 1 ngày mà không cần lưu kho.
Bài học từ trồng vải theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGAP
Phát biểu tại Hội nghị nhãn, vải quốc tế lần thứ 6, đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Giang cho biết nhằm cải thiện chất lượng quả vải, tỉnh đã chỉ đạo mở rộng diện tích vải được trồng theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGAP.
Hiện nay, diện tích vải thiều đạt tiêu chuân VietGAP đạt 13.800 ha, chiếm gần 50% tổng diện tích vải trên toàn tỉnh với sản lượng khoảng hơn 90.000 tấn, đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc.
PGS TS Nguyễn Quốc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, cho biết sản phẩm nhãn, vải của Việt Nam chủ yếu là xuất khẩu tươi, vì vậy đòi hỏi yêu cầu về kiểm dịch và bảo quản sản phẩm để sản phẩm đến được với thị trường.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần tham gia chế biến để tạo ra được sản phẩm sâu hơn, cũng như công tác tiếp thị để các thị trường quen với sản phẩm chế biến từ nhãn vải.
Do đó, ông Hùng cho rằng cần làm tốt hơn nữa chất lượng của các sản phẩm chế biến cũng như công tác quảng bá sản phẩm chế biến đến với người tiêu dùng, để người tiêu dùng từng bước quen với sản phẩm Việt Nam.
Trên thế giới, nhãn vải được sản xuất tập trung ở một số nước như Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam.
"Tại Trung Quốc diện tích nhãn vải cũng rất lớn, diện tích của Việt Nam chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với diện tích của Trung Quốc, tuy nhiên, thời vụ thu hoạch cũng như chất lượng giống của các nước khác nhau, do đó, chúng ta hoàn toàn có cơ hội đưa các sản phẩm của chúng ta vào các thị trường nhập khẩu của các quốc gia trên thế giới", ông Hùng cho biết.