Dự án phát triển giống trái cây cao cấp trị giá hơn 5,6 triệu USD phát triển thanh long xuất khẩu
Tại Hội thảo quốc gia về Mô hình phát triển và Thương mại hóa các giống trái cây cao cấp diễn ra ngày 5/6 tại TP HCM, ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thanh long được xếp vào nhóm 12 cây ăn quả quan trọng và là một trong 9 cây trồng chủ lực của Việt Nam, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Sản lượng thanh long Việt Nam hiện đã đạt hơn 1 triệu tấn/năm, đóng góp hơn 36% tổng giá trị xuất khẩu quả cây của Việt Nam với giá trị xuất khẩu đạt 1,1 tỉ USD năm 2018.
"Mục tiêu của ngành nông nghiệp Việt Nam là đưa kim ngạch xuất khẩu quả cây đạt 3,6 tỉ USD vào năm 2020, trong đó, thanh long tiếp tục đóng vai trò dẫn đầu", ông Trần Kim Long nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, bà Wendy Matthews, Đại sứ New Zaeland tại Việt Nam, cho rằng trái thanh long còn rất nhiều tiềm năng phát triển.
Đó là lý do New Zealand chọn thanh long làm trái cây đầu tiên để thực hiện Dự án phát triển giống trái cây cao cấp, một dự án thực hiện trong 6 năm do Chương trình Viện trợ Phát triển New Zealand tài trợ, với tổng giá trị toàn bộ dự án lên tới 5,6 triệu USD.
Bà Wendy Matthews, Đại sứ New Zaeland tại Việt Nam, phát biểu tại hội thảo ngày 5/6. Ảnh: Như Huỳnh.
Dự án nhằm giúp các hộ trồng thanh long tiếp cận những phương pháp trồng trọt cải tiến, hạn chế sử dụng thuốc hoá học, tăng gấp đôi năng suất, nâng cao chất lượng quả, tăng thời gian bảo quản để đáp ứng yêu cầu từ các thị trường xuất khẩu.
"Chúng tôi đã cố gắng làm việc với những người nông dân và các nhà khoa học tâm huyết của Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn về trái cây cao cấp mà chúng tôi có được từ thị trường thế giới, để quả thanh long Việt Nam có thể nâng cao vị thế xuất khẩu", Đại sứ New Zaeland tại Việt Nam cho hay.
Thanh long cao cấp, chất lượng sẽ được thương mại hóa tại thị trường thế giới
Hiện đối tác thực hiện Dự án phát triển giống trái cây cao cấp ở Việt Nam là Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam (SOFRI) và Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau Thu hoạch (SIAEP) với khu vực đang thí điểm là các tỉnh Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Trà Vinh và Bình Thuận.
Theo dự án, phương pháp trồng thanh long được thực hiện theo kiểu giàn chữ T, giúp người trồng kiểm soát được bệnh hại hiệu quả, chất lượng, kích quả đồng đều, năng suất cao gần 2 – 3 lần so với kiểu trồng trụ truyền thống.
Tuy nhiên, "để xuất khẩu tốt, Việt Nam phải đạt được sự hoàn hảo trong cả chuỗi giá trị. Do đó, phải đẩy mạnh đầu tư vào giống cây trồng mới có thể giúp ngành cây ăn quả phát triển thành công trong bối cảnh thị trường quốc tế cạnh tranh cao độ", bà Wendy Matthews nhận định.
Liên quan đến việc phát triển giống mới, theo bà Trần Thị Oanh Yến, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam SOFRI, hiện đã có một số giống được lựa chọn cho giai đoạn cuối, đang thử nghiệm trong quá trình sản xuất và sau thu hoạch.
"Ba giống thanh long ngọt đậm, cho năng suất cao, bảo quản được lâu hơn và còn có khả năng kháng bệnh đốm nâu nan giải vốn ảnh hưởng mạnh đến khả năng xuất khẩu loại trái này, vừa được Viện Cây ăn quả Miền Nam lai tạo thành công bằng công nghệ DNA.
Các giống cao cấp này sẽ được bảo hộ bằng Quyền Giống cây (Plant Variety Rights - PVR) và thương mại hóa tại Việt Nam và thế giới theo mô hình thương mại sản xuất có kiểm soát", đại diện SOFRI chia sẻ.
Thanh long Việt Nam được trưng bày, giới thiệu tại Hội thảo quốc gia về Mô hình phát triển và Thương mại hóa các giống trái cây cao cấp. Ảnh: Như Huỳnh.
Bên cạnh hỗ trợ tạo giống mới, dự án còn thực hiện việc giám sát nhiệt độ của kho lạnh, nhiệt độ xuất kho, cải thiện sự lưu thông không khí trong kho lạnh trong quá trình đóng gói, bảo quản.
Đáng chú ý, các nhà khoa học của Việt Nam cùng với sự hợp tác của các nhà khoa học New Zealand đã chế tạo thành công máy rửa thanh long áp lực cao hoàn toàn tự động. Máy có khả năng làm sạch trái rất cao mà không làm tổn thương trái, giảm chi phí nhân công, tăng hiệu quả của việc xử lí diệt nấm cho trái sau thu hoạch.
"Dự kiến cuối năm 2020, dự án sẽ đưa vào sản xuất các giống mới để thương mại hóa tại Việt Nam và thị trường quốc tế", Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho hay.