Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Các nước nỗ lực hợp tác chống khai thác bất hợp pháp
12 | 06 | 2019
Cuộc chiến chống lại một hoạt động trái phép trị giá hàng tỷ đô mỗi năm trên toàn cầu có thể diễn ra chậm chạp. Và trong hơn một thập kỷ qua đó là câu chuyện về nỗ lực chấm dứt hoạt động khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) trên khắp thế giới. Nhưng năm vừa qua đã có những chiến thắng liên tiếp trong nhiều diễn đàn quan trọng và, trong khi trận chiến nổ ra, có nhiều tín hiệu cho thấy một ngày nào đó cộng đồng toàn cầu có thể tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống khai thác IUU. Khi các nước tham dự vào cuộc họp lần thứ 2 diễn ra từ ngày 3-6/6/2019 tại Santiago, Chile của các bên tham gia Thỏa thuận về các biện pháp quản lý cảng quốc tế (PSMA) – Hiệp ước Quốc tế đầu tiên nhằm hạn chế khai thác IUU và kỷ niệm lần thứ 2 ngày quốc tế chống khai thác IUU do Liên hợp quốc khởi xướng, đây là dịp để nhìn lại những kết quả đã đạt được trong thời gian gần đây.

Các nhà quản lý nghề cá tăng cường chống khai thác IUU

Trong những năm gần đây, các tổ chức quản lý nghề cá khu vực (RFMOs) đã áp dụng các biện pháp cải thiện việc kiểm tra, kiểm soát và giám sát nghề cá như:

Ủy ban Cá ngừ Nhiệt đới Bắc Nam Mỹ (IATTC), Ủy ban Nghề cá Bắc Thái Bình Dương (NPFC), Tổ chức Quản lý Nghề cá Khu vực Nam Thái Bình Dương (SPRFMO), và Ủy ban Nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương (WCPFC) yêu cầu đến năm 2020, tất cả các tàu đủ điều kiện phải có số định danh tàu, cụ thể là số của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) được gắn với tàu từ khi đóng tàu cho tới khi tháo dỡ và đảm bảo tàu có thể được xác định một cách chính xác.

Ủy ban Quốc tế về Bảo tồn Cá ngừ Đại Tây Dương (ICCAT) và SPRFMO đã tăng cường các biện pháp quản lý cảng quốc gia, điều này phù hợp với Thỏa thuận về Quản lý Cảng biển Quốc gia (PSMA) và giúp ngăn hải sản đánh bắt bất hợp pháp vào thị trường.

WCPFC đã thành lập một nhóm chuyên trách mới để xem xét các biện pháp chuyển tải trên biển, vì việc chuyển tải hải sản tại các vùng biển xa xôi từ tàu này sang tàu khác có thể tạo ra sơ hở cho các nhà khai thác bất hợp pháp.

Bất chấp tiến trình đó, tất cả các RFMOs nên đưa ra các quy tắc để chấm dứt hoạt động khai thác IUU và tích cực làm việc theo hướng quản lý nguồn lợi một cách thận trọng dựa trên cơ sở khoa học.

Cuộc chiến chống khai thác IUU trên biển và tại thị trường

Các chính sách và quy định chống khai thác IUU sẽ không hiệu quả nếu không có sự hỗ trợ của lực lượng trên biển và các tổ chức vũ trang trên khắp thế giới. Chẳng hạn vào tháng 2/2019, Bộ tư lệnh Châu phi của Mỹ đã tài trợ cho chương trình Exercise Cutlass Express 2019, với mục tiêu nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển và thúc đẩy an ninh quốc gia và khu vực Đông Phi. Năm nay, hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển đã được đào tạo về việc phát hiện, theo dõi và đánh giá các tàu khai thác nghi ngờ, cùng với việc lên tàu và kiểm tra.

Đầu năm 2019, một tin vui đã tới với Thái Lan, một trong những nước XK thủy sản lớn trên thế giới. Trong tháng 1, sau nhiều năm làm việc để cải thiện việc giám sát nghề cá, Liên minh châu Âu đã đưa Thái Lan ra khỏi danh sách các quốc gia đã bị cảnh báo vì không nỗ lực chống khai thác bất hợp pháp. Các quan chức Thái Lan đã nỗ lực hết mình để giải quyết các vấn đề này, đặc biệt là với các biện pháp kiểm soát tại cảng đối với các tàu nước ngoài và hợp tác với các nước mà tàu mang cờ. Cuối tháng 1, Thái Lan đã phê chuẩn Công ước C188 của Tổ chức Lao động Quốc tế để chống lại nạn buôn người và cải thiện điều kiện lao động trên các tàu, một bước quan trọng khác để đảm bảo phát triển nghề cá bền vững.

Ngành thủy sản cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc chống khai thác IUU. Ví dụ, Sáng kiến Kinh doanh Thủy sản của tổ chức Ocean Stewardship (SeaBOS) đã tổ chức cuộc đối thoại thứ 3 trong tháng 9/2018 và đã tập hợp được 10 công ty thủy sản lớn nhất trên thế giới cam kết loại bỏ các sản phẩm khai thác IUU và sử dụng nô lệ thời hiện địa ra khỏi chuỗi cung ứng của các thành viên. Các công ty thành viên của SeaBOS đã cam kết chia sẻ kinh nghiệm của mình về các nỗ lực, và tổ chức Pew Charitable Trusts khuyến khích các DN thủy sản đi theo hướng đi của các công ty này.

Thành công trong các biện pháp an toàn cho tàu cũng sẽ giúp giảm bớt hoạt động khai thác bất hợp pháp. Trong tháng 1, Tây Ban Nha đã ký thỏa thuận Cape Town của IMO, thỏa thuận kêu gọi bảo vệ cuộc sống của ngư dân bằng cách đưa ra các yêu cầu tối thiểu về việc thiết kế, lắp ráp và trang bị cho các tàu khai thác có chiều dài ≥ 24m hoạt động trên biển, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội để hướng mục tiêu vào các nhà khai thác IUU thông qua việc kiểm soát của các cơ quan nghề cá, vận tải và lao động. 

(Theo VASEP)


Báo cáo phân tích thị trường