Ngành chăn nuôi lợn nước ta đang gặp khó bởi dịch tả lợn châu Phi đã vào Việt Nam từ tháng 2, bắt đầu từ ổ dịch đầu tiên tại tỉnh Hưng Yên.
Đến nay, dịch bệnh này đã lan rộng tới 55 tỉnh, thành phố. Theo số lượng ước tính của Tổng cục thống kê, tính đến tháng 5/2019, đàn lợn cả nước đã giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2018, tổng sản lượng thịt lơn các loại khoảng 5,35 triệu tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thịt lợn hơi ước đạt 3,81 triệu tấn, tăng 2,2% so với năm 2017.
Thịt lợn hiện vẫn chiếm 70% cơ cấu về thịt trong bữa ăn của người Việt nên nhu cầu tiêu dùng thịt lợn vẫn lớn nhất dẫu nguồn cung các sản phẩm thịt khác như bò, gà, vịt, hải sản…khá dồi dào.
Trong bối cảnh dịch tả lợn vẫn diễn biến phức tạp, chưa có vác xin phòng và trị bệnh thì việc phải chung sống dài dài với nạn dịch này đã được ngành chức năng cảnh báo. Mặc dù tỷ lệ lợn tiêu hủy chỉ chiếm 6% trên tổng đàn lợn, nhưng năm 2019 vẫn là năm thiệt hại của ngành chăn nuôi.
Số liệu của Cục Thú y, tính đến 3/6/2019, tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là hơn 2,2 triệu con với trọng lượng gần 130.000 tấn. Thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi gây ra ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng, bao gồm chi phí hỗ trợ lợn tiêu hủy, chi phí mua hóa chất sát trùng, chi phí hỗ trợ tiêu hủy....
Theo nhận định của Công ty Dịch vụ tài chính và Ngân hàng đa quốc gia (Rabobank), ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam đang phải chịu sức ép suy giảm năm thứ 3 liên tiếp do dịch tả lợn. Trong báo cáo quý II/2019 cho ngành thịt lợn, Rabobank dự báo sản lượng thịt lợn Việt Nam năm 2019 giảm ít nhất 10%.
Rabobank cho rằng, suy giảm sản xuất sẽ dẫn tới suy giảm 7% tiêu dùng thịt lợn trên đầu người của Việt Nam. Để bù đắp thiếu hụt nguồn cung thịt lợn, nhập khẩu thịt lợn Việt Nam dự báo tăng lên trong năm 2019.
Tổ chức Thú y thế giới (OIE) cho biết, từ năm 1996 - 2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại hơn 60 quốc gia và đến nay, chưa có quốc gia nào được OIE công nhận an toàn đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi.