Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tăng chăn nuôi gia cầm, gia súc khác để cân đối nguồn cung thịt lợn
22 | 05 | 2019
Ngày 21-5, ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, tình hình bệnh Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại, số tỉnh bị bệnh dịch tăng nhanh, số lợn chết và phải tiêu hủy nhiều chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn dịp cuối năm.
Các quý tiếp theo, số lượng đàn lợn sẽ giảm và khả năng giá lợn sẽ tăng. Nguyên nhân đàn lợn giảm là do bệnh dịch phải tiêu hủy và người chăn nuôi không tái đàn trong thời điểm bệnh Dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Dương, để bù đắp lượng thịt lợn được dự báo sẽ thiếu hụt trong thời gian tới, Cục Chăn nuôi đã xây dựng kịch bản để ứng phó cho vấn đề này. Cụ thể, giải pháp đưa ra lúc này là tiếp tục tái cơ cấu đàn lợn, bên cạnh đó tập trung chuyển sang chăn nuôi gia cầm, bò thịt… để bù đắp lượng thịt lợn bị thiếu hụt.

Ngành sẽ thay đổi cơ cấu chăn nuôi; trong đó ngành chăn nuôi lợn sẽ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại; đồng thời, tập trung vào con giống để khi nông dân có nhu cầu tái đàn sẽ có đủ con giống đáp ứng.

Theo kịch bản này, ngành chăn nuôi cũng sẽ tăng chăn nuôi gia cầm lên 7% (trước là 6%), bò thịt tăng lên 5% (trước là 4%), tăng lượng đánh bắt thuỷ sản để bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt trong thời gian tới.

Ông Dương cũng khuyến cáo, trước mắt, các địa phương, người chăn nuôi cần tăng cường kiểm soát bệnh dịch. Đặc biệt, trong thời điểm bệnh Dịch tả lợn châu Phi chưa có dấu hiệu dừng thì chưa thể tái đàn. Đối với các ổ bệnh đã xuất hiện, nếu sau 30 ngày không còn bệnh thì người chăn nuôi mới được tái đàn khoảng 10% (đàn nuôi 100 con thì chỉ tái đàn 10 con) và không được tái đàn ồ ạt. Sau 1 tháng, nếu bệnh không phát sinh thì thực hiện tái đàn tiếp.

“Điều quan trọng nhất đối với người chăn nuôi thời điểm này là đối với vùng chưa có bệnh thì tập trung các giải pháp phòng, chống bệnh. Còn đối với các vùng đã có bệnh thì cần tập trung vào chăn nuôi gia cầm, gia súc khác… để bù đắp cho lượng thịt lợn bị thiếu hụt. Hiện nay, giá thịt lợn đang ở mức thấp, trung bình từ 32.000 – 37.000 đồng/kg (tuỳ vùng), nếu nâng được giá thịt lợn lên khoảng 45.000 – 50.000 đồng/kg thì người chăn nuôi mới đỡ được thiệt hại.

Đặc biệt, Ban Bí thư cũng vừa có Chỉ thị số 34-CT/TƯ về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, các địa phương cũng cần tập trung quyết liệt phòng, chống… như vậy thì mới có thể khống chế được bệnh Dịch tả lợn châu Phi bùng phát ra diện rộng”, ông Dương nhấn mạnh.

Tính đến ngày 21-5, cả nước đã có 36 tỉnh, thành phố phát hiện có bệnh Dịch tả lợn châu Phi; trong đó Hà Giang và Bình Dương là hai tỉnh mới nhất phát sinh ổ bệnh tả lợn; số lượng lợn tiêu hủy tại các tỉnh có bệnh là hơn 1,5 triệu con, chiếm khoảng 5% tổng đàn.

 



Báo Hà Nội Mới
Báo cáo phân tích thị trường