Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hồi kết ở 'vương quốc hồ tiêu'?
06 | 08 | 2019
Từng được biết đến với mệnh danh là "vương quốc hồ tiêu" với hàng chục tỷ phú, hàng trăm triệu phú và những biệt thự, xe hơi sang trọng... vậy nhưng giờ đây vùng đất Chư Sê, Chư Pưh (Gia Lai) tiêu điều xơ xác. Cả cái trụ cho tiêu leo cũng phải nhổ đem bán lấy tiền trả nợ...

Từng được biết đến với mệnh danh là "vương quốc hồ tiêu" với hàng chục tỷ phú, hàng trăm triệu phú và những biệt thự, xe hơi sang trọng... vậy nhưng giờ đây vùng đất Chư Sê, Chư Pưh (Gia Lai) tiêu điều xơ xác. Cả cái trụ cho tiêu leo cũng phải nhổ đem bán lấy tiền trả nợ...

"Hết duyên" với hồ tiêu?

Dọc Quốc lộ 14 từ thị trấn (TT) Chư Sê (H. Chư Sê) đến TT Nhơn Hòa (H. Chư Pưh) từng là những vườn tiêu xanh ngát. Thế nhưng, giờ này là những dãi đất xơ xác, tiêu điều. Những trụ tiêu, cái còn sót lại duy nhất trên vườn tiêu cũng bị đào lên đem bán nhằm vớt vát tiền của đã bỏ ra. 

Từng đống trụ tiêu chất đống hai bên đường để mặc nắng mưa. Ít ai biết rằng, một thời những trụ tiêu trên từng là hàng "hot" khi giá hồ tiêu tăng mức kỷ lục, người người nhà nhà trồng hồ tiêu. Người ta đổ xô nhau mua trụ tiêu từ các loại gỗ cà chít, căm xe. 

Có thời điểm, mỗi trụ tiêu này lên giá đến hơn 250.000 đồng. Giờ đây số bán, số làm củi.

Bên đống trụ tiêu chất vượt tường rào trước nhà, ông Đỗ Văn Kèn (xã Ia Blang, H. Chư Sê, Gia Lai) đang dọn lại cho gọn chờ người đến mua. Hơn 1 tỷ đồng đã được ông đầu tư, trồng hơn 1.000 trụ tiêu ở rẫy và vườn nhà. 

Thế nhưng, cách đây 3 năm khi vào đợt đại hạn, vườn tiêu nhà ông bắt đầu chết dần, chết mòn cùng cảnh với các hộ trong xã. Không thể vực dậy vườn tiêu yếu sức kèm theo đủ thứ bệnh, không chỉ ông mà người trồng tiêu trong xã đành cắn răng nhìn vườn tiêu rụi dần rồi héo quắt. 

Rồi giá tiêu xuống đáy kỷ lục khi công chăm sóc lớn hơn lợi nhuận... vườn tiêu đành phó mặc cho trời!

Khi hay tin một số người thu mua trụ tiêu, gia đình ông Kèn huy động con, cháu nhổ trụ chất đống trước nhà chờ người đến mua. Cả nghìn trụ tiêu, ông chỉ mới bán được khoảng 300 trụ với giá 50.000 đồng/trụ. 

"Cắn răng thôi chú ạ! Giờ biết sao được khi tiêu chết, xuống giá thảm hại. Khi thời điểm đầu tư là thời điểm hồ tiêu có giá 280.000/kg, nên trụ tiêu gỗ lúc đó có giá từ 220.000- 250.000 đồng/ trụ. 

Giờ người ta mua 50.000 đồng là mình mừng rồi. Có nơi người ta trả 15.000- 30.000 trụ thôi. Giờ số trụ của tôi còn lại mong có người mua thôi, chứ làm củi tiếc lắm! 

May là tui không vay ngân hàng, chứ nhiều người vay ngân hàng trồng hồ tiêu giờ bỏ nhà đi làm thuê trả nợ hết rồi", ông Kèn rầu rĩ nói.

Gần đó là gia đình bà Nguyễn Thị Lĩnh. Thời điểm giá tiêu tăng đến mức chóng mặt, gia đình bà Lĩnh cũng như những hộ nông dân khác đầu tư vào cây hồ tiêu. Bà Lĩnh chua xót: "Gia đình tôi vay ngân hàng gần 500 triệu đồng để trồng 600 trụ tiêu. 

Bao nhiêu kỳ vọng của gia đình đặt hết vào đó. Ai ngờ, tiêu chết hàng loạt. Giờ còn mấy cái trụ coi nhổ bán trả nợ ngân hàng được đồng nào hay đồng đó thôi".

Bên chiếc xe công nông vừa mới chở cả trăm trụ tiêu về, ông Nguyễn Văn Tuyền (xã Ia Blang, H. Chư Sê) cho biết: "Trước nhà tôi trồng cả 1.000 trụ rồi năm thì đại hạn, năm thì mưa lớn khiến tiêu chết hàng loạt 90-95%, gần như là hết rồi. 

Lúc mua trụ gỗ thì 250.000 đồng giờ bán khoảng 30-40.000 đồng/trụ, còn trụ bê-tông lúc mua hơn 100.000 đồng/trụ, giờ chỉ có 10.000 đồng/ trụ mà không có ai mua... 

Số tiền vay ngân hàng giờ năm nào cũng phải trả lãi, mà phải đi "vay nóng" để trả lãi, bà con như chúng tôi rất khó khăn! Giờ đành nhổ trụ bán vớt vát lại chút ít, rồi chuyển sang trồng cà- phê hết rồi".

Nhà chuyển đổi, nhà... trốn nợ

Theo ông Tuyền, tiêu chết, xuống giá khiến 70-75% người dân nợ ngân hàng, người thì vài chục, người thì gần 1 tỷ đồng. Gia đình ông gắng gượng, vay "nóng" bên ngoài phá bỏ vườn tiêu rồi chuyển đổi sang trồng cà phê mong có nguồn thu để trả số tiền còn nợ ngân hàng hơn 200 triệu đồng. 

Thế nên, ở cái nơi từng được mệnh danh là "vương quốc hồ tiêu" này, những người còn điều kiện kinh tế thì phá bỏ vườn tiêu chuyển sang cây trồng khác nhưng đây chỉ là số ít. Phần lớn không còn khả năng trả nợ, đã phải bán tống, bán tháo vườn cây, bán cả xe hơi, biệt thự để trả nợ. 

Vợ chồng, con cái dắt díu bỏ xứ đi làm ăn kiếm tiền nuôi thân và cũng là cách để... trốn nợ. Giấc mộng đổi đời nhờ cây hồ tiêu tan tành!

Một thời, ông Mai Liệu (thôn Thủy Phú, xã Ia Blứ, H. Chư Pưh, Gia Lai) trở thành "tiêu điểm" trong xã khi có đến 15ha hồ tiêu cho gia đình một khoản thu lớn. Khi tiêu chết hàng loạt và giá xuống thấp, gia đình ông điêu đứng vì số tiền vay ngân hàng khá lớn. 

Cùng cực, 2 người con của ông đã phải bán cả nhà lẫn đất để trả nợ ngân hàng, 7 người con còn lại thì nghỉ học sớm để đi làm thuê giúp cha, mẹ trả nợ. Còn ông Dương Quỳnh (thôn Thiên An, xã Ia Blứ) gom góp tiền của rồi vay thêm ngân hàng 200 triệu đồng để đầu tư 2ha hồ tiêu. 

Năm 2017, khi chuẩn bị thu hoạch thì vườn tiêu đổ bệnh, chết hàng loạt. Bao công sức, tiền của mất trắng. Ông Quỳnh phải vào tận TPHCM làm bảo vệ kiếm tiền trả nợ. Lương vệ sĩ cũng chỉ 4,5 triệu/tháng. Hơn 1 năm, ông đành khăn gói trở lại nhà tìm cách xoay xở trả nợ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Phước Bính- Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê cho biết: "Cơn đại hạn năm 2015, 2016 và dịch bệnh năm 2017, 2018 đã khiến người dân gần như kiệt sức, không thể theo đuổi nghề tiêu. 

Bà con giờ không còn gì cả, bước đường cùng rồi, giờ phải nhổ cả trụ tiêu mà bán! Chứ để làm gì nữa đâu, làm thì không có sức để làm, ngân hàng thì rất là khó vì nợ ngân hàng quá nhiều! Chưa kể, giá tiêu giờ chỉ hơn 40.000 đồng/kg, càng bán thì càng lỗ, càng trồng càng lỗ". 

Ông Bính cho biết thêm: Hiệp hội đã đưa ra khuyến cáo cho bà con nên ngưng trồng tiêu, đồng thời chuyển đổi mô hình đa dạng hóa cây trồng sao cho phù hợp với thời tiết và thổ nhưỡng, khí hậu. 

Người trồng tiêu mong muốn Nhà nước có những chính sách, giải pháp hỗ trợ cho người dân vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh đó nghiên cứu đến việc đa dạng hóa cây trồng để người dân có nhiều chọn lựa, yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.

Theo thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) thì dư nợ cho vay của 14 chi nhánh tổ chức tín dụng, ngân hàng chính sách đối với hồ tiêu tại Gia Lai là trên 3.720 tỷ đồng.

Số khách hàng còn dư nợ là gần 18.890 khách hàng. Diện tích hồ tiêu bị thiệt hại là hơn 6.400ha, dư nợ thiệt hại trên 2.600 tỷ đồng của hơn 11.000 khách hàng. Trong đó, nợ xấu là 451 tỷ đồng, chiếm 12,1% dư nợ cho vay.

Báo Công An thành phố Đà Nẵng



Báo cáo phân tích thị trường