Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đồng bằng sông Cửu Long: Vụ hè thu và thu đông có bị ảnh hưởng lũ?
12 | 08 | 2019
Trong tháng 8, dự báo lũ trên sông Mekong tiếp tục ở mức thấp và hầu như không ảnh hưởng tới lúa vụ hè thu và thu đông ở đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, trên lưu vực sông Mekong, trong tháng 7, chủ yếu bị ảnh hưởng bởi gió mùa Tây Nam và cơn bão số 2. Hình thái thời tiết này gây mưa trên lưu vực. Tuy nhiên, lượng mưa lũy tích ở mức thấp hơn khá nhiều so với trung bình nhiều năm (TBNN) và năm 2018. Lượng mưa lũy tích trong tháng 7 phổ biến từ 200 - 300mm. Một số nơi thuộc khu vực Thượng Lào, Trung Lào và vùng giáp ranh giữa Hạ Lào, Campuchia và Thái Lan, lượng mưa lũy tích cao hơn ở mức 300 - 500mm.

Số liệu quan trắc của Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRCs) cho thấy, lượng mưa từ đầu mùa mưa đến nay tại các trạm trên dòng chính sông Mekong hầu hết đều thấp hơn nhiều so với TBNN. Do lượng mưa thấp nên mực nước tại tất cả các trạm trên dòng chính đến ngày 01/8 đều thấp hơn nhiều so với TBNN.

Theo số liệu của MRCs, đến ngày 4/8, mực nước tại trạm Kratie đạt 12,95m, thấp hơn 4,73m so với TBNN (17,68m). Tổng lượng lũ từ ngày 1/6 đến 4/8 tại Kratie là 41,37 tỷ m3, thấp hơn tổng lượng lũ TBNN (1980 - 2018) khoảng 42,73 tỷ m3, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm 2018, 2011, 2000, và thấp hơn năm lũ nhỏ điển hình 2015 khoảng 7,82 tỷ m3.

Do lượng mưa, lũ thượng nguồn và mực nước Biển Hồ (trạm Prekdam) ở mức thấp, nên mực nước các trạm đầu nguồn ĐBSCL cũng thấp hơn nhiều so với TBNN (từ 0,4 - 0,9m).

Tại các trạm Tân Châu và Châu Đốc, diễn biến mực nước chịu tác động mạnh bởi chế độ thủy triều. Trong tháng 7, mực nước thấp hơn TBNN và có xu thế giảm trong tuần 1 và tuần 3, tăng trong tuần 2 và tuần 4, đạt 2 đỉnh vào thời gian giữa tháng (Tân Châu 1,05m; ChâuĐốc 1,10m) và cuối tháng 7 (Tân Châu 0,97m; ChâuĐốc 1,01m). Mực nước có xu hướng tăng mạnh trong những ngày đầu tháng 8. Đến ngày 04/8, mực nước lúc lớn nhất tại Tân Châu đạt 1,77m, thấp hơn 0,89m so với TBNN (2,63m), và thấp hơn 0,36m so với năm 2015 (2,1 m); mực nước tại Châu Đốc đạt 1,77m, thấp hơn 0,39m so với TBNN (2,16m), và thấp hơn 0,23m so với năm 2015 (2,00m).

Về mưa trong tháng 8, kết quả dự báo của Trung tâm Đại dương và Khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) cho thấy, chuẩn sai mưa dự báo trên lưu vực hạ lưu sông Mekong trong tháng 8 hầu hết cao hơn TBNN khoảng 0,5 - 2 mm/ngày.

Triều dự báo tháng 8/2019 ở mức khá cao, cao hơn TBNN và thấp hơn 2018. Đỉnh triều cao nhất tại Trần Đề (1,85m) vào ngày 2/8.

Mùa lũ 2019 trên sông Mekong đến muộn và ở mức thấp. Đến ngày 31/8, mực nước lớn nhất ở đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu dao động ở mức 2,50 - 2,80m, Châu Đốc dao động ở mức 2,00 - 2,30m.

Tính đến ngày 3/8, cả 3 vùng Thượng, Giữa và vùng Ven biển ĐBSCL cơ bản đã hoàn thành xong việc xuống giống vụ lúa Hè Thu đạt xấp xỉ 97,4 % so với kế hoạch đề ra. Đến nay, diện tích đã thu hoạch xong là 770.981ha, xấp xỉ 50% diện tích xuống giống. Kế hoạch xuống giống vụ Thu Đông năm 2019 trên toàn ĐBSCL khoảng 750.000ha. Đến 03/8, đã xuống giống được khoảng 339.290ha, chủ yếu trên địa bàn các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Kiên Giang, Hậu Giang.

Với mức lũ cuối tháng 8 ở mức thấp như nhận định ở trên thì hầu như không bị ảnh hưởng đến các khu vực sản xuất lúa Hè Thu và Thu Đông.

Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam nhận định rằng, mùa lũ 2019 trên sông Mekong đến muộn và ở mức thấp, với mức lũ tại Tân Châu cuối tháng 8 ở mức thấp (2,80m vào 31/8). Về cơ bản, hệ thống ô bao, bờ bao đáp ứng bảo vệ sản xuất.

Theo nongnghiep.vn



Báo cáo phân tích thị trường