Nhiều khả năng giá tiêu sẽ còn tiếp tục giảm xuống trong niên vụ 2019/2020.
1 kg tiêu lỗ 10.000 đồng
Theo ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồi tiêu Chư Sê (Gia Lai), giá hạt tiêu (giá đầu giá) ở Chư Sê đầu tuần này chỉ còn 39.000-39.500 đ/kg.
Thông tin từ Bộ Công Thương, cho hay, cuối tuần trước, đã có một phiên giảm giá đồng loạt ở các tỉnh trồng tiêu. Đến đầu tuần này, giá tiêu ở Đồng Nai tiếp tục giảm 1.500 đ/kg, xuống còn 38.000 đ/kg. Giá tiêu ở các tỉnh khác vẫn ở mức thấp: Bà Rịa – Vũng Tàu 42.500 đ/kg; Đăk Lăk, Đăk Nông và Bình Phước, đều có giá ở mức 41.500 đ/kg; Gia Lai 39.500 đ/kg. Như vậy, giá tiêu ở Gia Lai và Đồng Nai đã xuống dưới mốc 40.000 đ/kg.
Việc giá tiêu giảm xuống dưới 40.000 đ/kg ở một số địa phương trong mấy ngày qua là nằm ngoài dự liệu của nhiều chuyên gia, doanh nhân ngành hồ tiêu, vốn vẫn hy vọng giá tiêu duy trì được ở mức 41.000-42.000 đ/kg.
Ông Hoàng Phước Bính cho hay, đã khá lâu rồi, giá tiêu mới lại xuống dưới mức 40.000 đ/kg. Tuy nhiên, nếu như trước đây, khi giá tiêu ở mức dưới 40.000 đ/kg thì giá thành khi ấy lại thấp hơn. Còn hiện nay, khi giá tiêu đã ở mức trên dưới 40.000 đ/kg, thì giá thành bình quân là 49.000 đ/kg. Tính ra, người trồng tiêu đang lỗ nặng, với mức khoảng trên dưới 10.000 đ/kg.
Giá sẽ xuống đáy
Theo nhận định của một số chuyên gia ngành hồ tiêu, giá tiêu chưa dừng ở đây mà sẽ còn có thể giảm tiếp. Trước hết là do sản lượng hạt tiêu Việt Nam cũng như trên thế giới vẫn còn vượt xa so với nhu cầu. Theo Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC), dự kiến sản lượng hạt tiêu toàn cầu trong năm nay vào khoảng 602.000 tấn, trong khi nhu cầu thế giới hiện khoảng 510.000 tấn/năm. Còn ở Việt Nam, hiện ước tính có khoảng 100 ngàn ha tiêu đang cho thu hoạch, với năng suất bình quân 2,47 tấn/ha, tương ứng với sản lượng khoảng 247.000 tấn.
Mặt khác, khi giá tiêu tiếp tục xuống thấp, nhiều nông dân sẽ lại trữ tiêu với hy vọng giá sẽ tăng lên. Bởi như thường lệ, vào tháng 10 hàng năm, giá hạt tiêu trên thị trường thế giới cũng như ở Việt Nam thường tăng lên do nguồn cung có phần thiếu hụt vì Việt Nam chuẩn bị bước vào niên vụ mới. Thế nhưng, với sự phát triển mạnh về diện tích cũng như sản lượng tiêu ở Brazil và một số nước khác trong mấy năm qua, vào tháng 10 hàng năm, đã không còn xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung hạt tiêu trên toàn cầu như trước đây nữa.
Do đó, việc nhiều nông dân trữ lại hạt tiêu, cộng với sản lượng hạt tiêu mới thu hoạch của niên vụ 2019/2020 (bắt đầu từ tháng 12/2019 với việc các vườn tiêu ở Đắk Nông bước vào thu hoạch), sẽ làm cho giá hạt tiêu trong niên vụ tới tiếp tục giảm xuống. Ông Hoàng Phước Bính cho rằng, giá tiêu vụ 2019/2020 nhiều khả năng chỉ còn từ 35.000-38.000 đ/kg.
Theo ông Bính, vụ 2019/2020 sẽ là niên vụ mà giá hạt tiêu xuống đáy. Bởi đến thời điểm này, nhìn chung người trồng tiêu đã “kiệt sức” sau một thời gian dài giá tiêu luôn ở mức thấp, dưới giá thành. Do đó, diện tích cây tiêu bị bỏ bê, không chăm sóc sẽ tăng mạnh, khiến cho sản lượng sụt giảm. Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng sẽ làm giảm nhiều diện tích cũng như sản lượng tiêu. Vì vậy, sau khi xuống đáy, giá tiêu sẽ có thể bắt đầu tăng trở lại.
Tuy nhiên, nếu như khi giảm, giá tiêu đã giảm nhanh, thì đến khi tăng trở lại, giá tiêu nhiều khả năng lại sẽ không thể tăng nhanh. Do đó, để giá tiêu trở lại ở mức khoảng 60.000-70.000 đ/kg, có thể phải cần tới vài vụ tiêu nữa.
Theo Nông nghiệp Việt Nam